Tái định vị doanh nghiệp để vượt khó trong giai đoạn mới

Năm 2023, môi trường quốc tế và khu vực được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều biến động, rủi ro. Theo các chuyên gia, trước những bất định khó lường của kinh tế thế giới, tái định vị và củng cố hoạt động sản xuất kinh doanh là rất quan trọng để tăng cường sức mạnh và năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Theo các số liệu thống kê, từ các tháng cuối năm 2022 đến đầu năm 2023, nền kinh tế đã xuất hiện những dấu hiệu đáng lo ngại, tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đà tăng trưởng kinh tế của Việt Nam suy giảm rõ rệt. Trong 2 tháng đầu năm 2023 có tới 51.400 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, trong khi chỉ có 37.900 doanh nghiệp thành lập mới hoặc quay lại thị trường, tức là giảm trên 13 nghìn doanh nghiệp chỉ trong 2 tháng.

Chia sẻ sâu hơn về khó khăn của doanh nghiệp, tại Diễn đàn “Tái định vị doanh nghiệp để phát triển bền vững” mới đây, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, trải qua 2 năm rưỡi ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, doanh nghiệp vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong và ngoài nước. Đáng lo ngại, tình hình lạm phát tăng ở nhiều quốc gia sẽ diễn biến trầm trọng hơn và ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam. Trong báo cáo cập nhật tháng 3/2023 của Ngân hàng Thế giới đã dự báo kinh tế Việt Nam năm 2023 có thể tăng trưởng ở mức 6,3%.

bang1-1679630611.jpg
Diễn đàn: “Tái định vị doanh nghiệp để phát triển bền vững” diễn ra chiều ngày 23/3

Bên cạnh đó, Viện trưởng CIEM đã chỉ ra 4 khó khăn, thách thức chính mà doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt trong năm 2023 và những năm tiếp theo gồm:

Thứ nhất, trên bình diện chung, tăng trưởng chậm lại ở những thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như Hoa Kỳ, Trung Quốc và khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) có thể ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.

Thứ hai, một số thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam chuyển dần sang áp dụng các tiêu chuẩn phát triển bền vững một cách chặt chẽ hơn.

Thứ ba, theo TS. Minh, vấn đề tiếp cận vốn của doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, khoảng 97-98% doanh nghiệp Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ, thậm chí là siêu nhỏ. Hầu hết các doanh nghiệp này đều gặp nhiều hạn chế trong tiếp cận tài chính chính thức. Mặt khác, những khó khăn trên thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu thời gian vừa qua đã làm giảm đáng kể khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp thông qua các kênh này.

Thứ tư là việc bảo đảm chất lượng lao động góp phần tăng năng suất lao động và thích ứng với yêu cầu làm việc trong bối cảnh mới. Hiện nay, theo thống kê, trình độ/chất lượng kỹ năng của người lao động Việt Nam chậm được cải thiện.

Để giải quyết các thách thức này, TS. Trần Thị Hồng Minh Minh cho biết, cần nâng cao chất lượng tư vấn, nhận thức cho doanh nghiệp để chuyển đổi và thích ứng với tình hình mới. Bên cạnh đó, Chính phủ cần tạo không gian hơn nữa cho các mô hình kinh tế mới một cách bền vững. Cụ thể, Việt Nam cần các quy định, chính sách cụ thể hơn đối với kinh tế số, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bền vững thông qua giảm phát thải gắn với ứng dụng khoa học công nghệ.

Đồng thời, tiếp tục tháo gỡ khó khăn về tiếp cận vốn cho doanh nghiệp. Nữ Tiến sĩ cho rằng, cần duy trì, củng cố ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá tiếp tục là những ưu tiên quan trọng để hỗ trợ và tạo sự yên tâm cho doanh nghiệp. Điểm quan trọng là các chương trình, chính sách hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp cần được thực hiện sớm, phát huy tác dụng sớm, bởi đối với doanh nghiệp cần tiếp cận vốn thì “một miếng khi đói bằng một gói khi no”.

1921-doanh-nghiep-1679630782.jpg

Tái định vị doanh nghiệp để chủ động vượt qua khó khăn trong giai đoạn mới. Ảnh minh họa

Ở khía cạnh khác, để trả lời cho câu hỏi “Làm sao để doanh nghiệp có đủ năng lực chống chọi với những biến động khôn lường của thế giới? Làm sao để doanh nghiệp trở nên thu hút hơn trong mắt các nhà đầu tư?”. Theo bà Nga, Giám đốc toàn quốc Khối khách hàng Doanh nghiệp lớn (Ngân hàng HSBC Việt Nam), cần xây dựng một môi trường mà trong đó: Chính phủ có những hướng dẫn, định hướng cụ thể, giúp doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhận thức rõ tầm quan trọng của việc tái định vị hoạt động kinh doanh của họ thông qua đổi mới sáng tạo, để nắm bắt kịp thời những cơ hội mới; kịp thời cập nhật những điều chỉnh trong quy định và những thay đổi của toàn cầu đến doanh nghiệp địa phương.

Các tổ chức, các hiệp hội chung tay hỗ trợ Chính phủ trong việc cung cấp kiến thức đổi mới từng ngày cho cộng đồng doanh nghiệp Việt, giúp kết nối, chia sẻ kinh nghiệm cùng những trường hợp đổi mới sáng tạo thành công trong nước và quốc tế;

Đồng thời, doanh nghiệp chủ động học hỏi, tìm tòi từ các hoạt động chia sẻ trong cộng đồng doanh nghiệp, từ các tổ chức tư vấn trong nước và quốc tế, những xu hướng kinh doanh, đầu tư của thế giới, những yêu cầu mới của người tiêu dùng, các công nghệ tiên tiến… để linh hoạt ứng dụng cho hoạt động của doanh nghiệp nhằm mục đích nâng cao năng suất lao động, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, dich vụ...;

Đầu tư vào các hoạt động R&D đã được chứng minh ở nhiều quốc gia là chất xúc tác giúp đổi mới sáng tạo thành công. Vậy nên, với những doanh nghiệp có tiềm lực, đây nên là hoạt động cần chú trọng. Chính phủ cũng cần có những đầu tư tương xứng cho lĩnh vực này trong toàn bộ nền kinh tế. Bên cạnh đó, hoạt động đổi mới sáng tạo cần có lực lượng nhân sự nòng cốt với kiến thức và chuyên môn phù hợp. Do đó, doanh nghiệp cần tuyển lựa, tạo điều kiện và đào tạo để những nhân sự tiềm năng có thể được trau dồi và phát huy hết năng lực trong quá trình này.

“Khi thế giới thay đổi, với tư cách là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh, năng động bậc nhất, có độ mở lớn và đã tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu, Việt Nam không thể đứng yên. Chúng ta hoàn toàn có năng lực để thực hiện điều đó. Tôi cho rằng, nếu doanh nghiệp tận dụng tốt những lợi thế như vậy, nhanh chóng và tăng tốc hơn nữa thì có thể tạo ra nhiều giá trị lớn trong đổi mới sáng tạo”, bà Nga nhấn mạnh.

Phát biểu tại Diễn đàn, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nhấn mạnh, để nắm bắt các cơ hội phát triển trong những năm tiếp theo, tái định vị doanh nghiệp và nâng cao năng lực cạnh tranh là vấn đề mấu chốt. Theo đó, tái định vị doanh nghiệp gắn liền với tư duy mới về phát triển bền vững, thúc đẩy tính đa dạng hòa nhập, bao trùm trong kinh doanh, theo đuổi mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số giúp các doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình xây dựng các trụ cột bền vững./.

Đông Nghi