Quản Bạ (Hà Giang) qua 60 năm “trồng người”

Xác định rõ vai trò và sứ mệnh của mình, 60 năm kể từ ngày thành lập, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Quản Bạ đã không ngừng nỗ lực vượt khó, huy động mọi nguồn lực xã hội tập, trung phát triển quy mô trường lớp, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
co-nhu-y-20221114162346-1668923560.jpg
Nhà giáo Ưu tú Vũ Thị Ý, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Xín Cái, Mèo Vạc, được công nhận là nhà giáo tiêu biểu, xuất sắc, giai đoạn 1982 - 2022

Những ngày đầu thành lập huyện Quản Bạ, ngành GD-ĐT huyện thật sự khó khăn, 60 năm về trước khi đất nước vẫn còn chiến tranh, đường từ trung tâm tỉnh lỵ vào có điểm trường phải đi qua quãng đường 49km, khi đó chỉ là đường mòn lối mở đủ cho người đi bộ và ngựa thồ hàng, chủ yếu là đường đất, cua gấp tay áo, chạy quanh những cánh rừng núi đá tai mèo heo hút gió ngàn, trập trùng mây trắng. Từ trên mặt đường nhìn xuống vực sâu thăm thẳm mới thấy hết sự nguy hiểm do độ cao của đường lên núi. Chỉ cần sơ sảy trượt chân là lao xuống vực sâu. Quản Bạ là nơi “sống trên đá, chết vùi trong đá”. Đến đây mới thấu hiểu nỗi gian truân vất vả của người đi “Gieo chữ trên núi đá”!

Thời điểm mới thành lập huyện, Quản Bạ là huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học lạc hậu, tỷ lệ học sinh (HS) đến lớp ít, bỏ học nhiều. Các mô hình giáo dục chất lượng cao, giáo dục công lập, giáo dục HS khuyết tật chưa được quan tâm, chú trọng. Thế nhưng, dưới sự quan tâm, chỉ đạo của các ngành, các cấp, đến nay, ngành GD&ĐT huyện đã có những bước phát triển ngày càng mạnh mẽ, bền vững.

Điểm sáng chính là cơ sở vật chất tại các trường, lớp ngày càng được nâng cấp, mở rộng. Công tác xã hội hóa giáo dục được quan tâm góp phần kiên cố hóa cơ sở vật chất, giảm tải áp lực cho các trường công lập và nâng cao chất lượng dạy và học theo hướng hội nhập quốc tế. Quy mô trường lớp ở các cấp học tiếp tục được sắp xếp, quy hoạch phù hợp. Chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên dần được nâng lên, chuẩn hóa về trình độ, chuyên môn, có tâm huyết, trách nhiệm với công việc, đáp ứng nhu cầu học tập của HS và yêu cầu đổi mới của chương trình giáo dục.

Đồng chí Lê Trung Thành Trưởng phòng GD&ĐT huyện cho biết: “Sau 01 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 10/5/2021 của ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh Hà Giang giai đoạn 2021-2025.Hiện nay trên địa bàn huyện có 38 trường học trực thuộc, 706 nhóm, lớp với 17.308 học sinh, có 21 trường đạt chuẩn quốc gia. Tỷ lệ học sinh chuyển lớp đạt 98%, duy trì và giữ vững kết quả đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; xóa mù chữ mức độ 1, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục THCS mức độ 1. Công tác vận động và duy trì sỹ số học sinh ở các bậc học được đảm bảo.”

Với việc thực hiện tốt công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên thông qua các hoạt động như: đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, quản lý giáo dục và thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục; tăng cường công tác khảo thí, kiểm định chất lượng giáo dục; đẩy mạnh kiểm tra, thanh tra, giám sát để sớm phát hiện những tiêu cực và xử lý nghiêm. Ngoài ra huyện còn đổi mới hoạt động dạy học và thực hiện phong trào thi đua đó là: tăng cường tiếng Việt cho trẻ em; giáo dục chính trị, tư tưởng đạo đức và kỹ năng sông cho học sinh; đưa văn hóa truyền thống, bài trừ hủ tục lạc hậu vào trường học.

a6-eein-1668923759.jpg
Nhờ làm tốt công tác giáo dục và đào tạo Quản Bạ đang không ngừng đổi mới

Thực hiện các phong trào thi đua trong lĩnh vực giáo dục như: Phong trào thi đua xây dựng “Trường học tiêu biểu toàn diện"; phong trào huy động nguồn lực xã hội hóa tăng cường cơ sở vật chất trường học; phong trào xây dựng cảnh quan nhà trường xanh, sạch, đẹp, an toàn; xây dựng điểm trường xanh; tăng gia, sản xuất cải thiện bữa ăn học sinh bán trú... Các phong trào thi đua đã góp phần tích cực làm thay đổi bộ mặt của các nhà trường, nâng cao ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và lan tỏa sâu rộng trong đội ngũ viên chức ngành giáo dục, tất cả các trường học đều có hệ thống “Thư viện” phong phú góp phần giảm tỷ lệ học sinh chưa đạt chuẩn kiến thức, kỹ năng sử dụng Tiếng Việt; có “Góc văn hóa truyền thống” là nơi giáo dục cho các em tìm hiểu và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, lòng yêu quê hương đất nước; xây dựng lò đốt rác để thu gom xử lý rác thải, giáo dục cho các em ý thức giữa gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường học tập; học sinh được giáo dục kỹ năng sống, truyền dạy văn hóa truyền thống và các trò chơi dân gian, tuyên truyền kiến thức về nông thôn mới, định hướng nghề nghiệp phù hợp với từng bậc học..., học sinh bán trú được hướng dẫn sắp xếp chăn màn, tư trang cá nhân, giờ giấc sinh hoạt theo mô hình quân đội.

Kế thừa và phát huy những kết quả đạt được hiện ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Quản Bạ đã có những bước phát triển mạnh mẽ và khá toàn diện cả về quy mô, số lượng và chất lượng: Quy mô giáo dục, mạng lưới trường, lớp học mầm non, phổ thông phát triển phù hợp với phân bố dân cư và địa hình của huyện, tạo cơ hội và đáp ứng tốt nhu cầu học tập của con em các dân tộc huyện nhà và thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục, nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực; Chất lượng giáo dục được nâng cao, hiệu quả giáo dục tiếp tục có những chuyển biến rõ nét và khá toàn diện ở các cấp học, nhất là ở vùng sâu xa, đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; có nhiều mô hình và giải pháp đặc thù nâng cao chất lượng giáo dục.

Công tác xã hội hóa giáo dục đã đạt được những kết quả quan trọng, nhất là huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học. Cấp uỷ, chính quyền các cấp quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát sự nghiệp giáo dục; các ngành, các tổ chức đoàn thể, các lực lượng xã hội phối hợp chặt chẽ trong việc thúc đẩy, phát triển sự nghiệp giáo dục. Nhân dân tin tưởng ở nhà trường, có sự chuyển biến khá tích cực trong việc tham gia công tác giáo dục, chăm lo sự nghiệp giáo dục.

Những thành tựu đáng ghi nhận này sẽ tạo thế và lực để đưa sự nghiệp giáo dục huyện Quản Bạ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong những năm tiếp theo, góp phần xây dựng quê hương Quản Bạ nói riêng và Hà Giang nói chung ngày càng văn minh, giàu mạnh./.

Nguyễn Dịu