Phú Yên khôi phục sản xuất nông nghiệp sau lũ lịch sử

Đợt mưa lũ cuối tháng 11 vừa qua, Phú Yên chịu thiệt hại nặng nề khi có 8 người tử vong, hàng chục nghìn ngôi nhà bị ngập lụt. Mưa lũ cũng gây thiệt hại nhiều mặt về sản xuất nông nghiệp, thủy lợi, giao thông,… với con số ước tính khoảng 440 tỷ đổng. Qua cơn lũ lịch sử, người dân và chính quyền địa phương đang nỗ lực tái thiết để ổn định lại cuộc sống.

*Chủ động khôi phục sản xuất

Vùng trồng rau và hoa lớn nhất và lâu đời nhất ở xã Bình Ngọc, thành phố Tuy Hòa nằm cuối con sông Ba. Lũ trong các ngày 30/11 và 1/12 ào ạt đổ về khiến cho hàng chục ha rau màu và hoa lay ơn mới xuống giống chờ bán vào dịp Tết Nguyên đán bị cuốn trôi theo dòng nước. Sau lũ, nhiều hộ tranh thủ dọn dẹp nhà cửa bị ngập rồi vội ra đồng.

ttxvn-phu-yen-1639415283.jpeg
Mưa to nhiều ngày khiến đất đá tại km 100+200 Quốc lộ 19C, khu vực Đèo Trà Kê, thôn Ma Gú, xã Sơn Phước, huyện Sơn Hòa, Phú Yên bị sạt lở trưa 30/11. (Ảnh: TTXVN phát)

Trên cánh đồng hoa, ông Nguyễn Sang (thôn Ngọc Phước 2, xã Bình Ngọc) cùng vợ đang vun đất để xuống giống rau cải. Ông chia sẻ, nước lũ rất lớn đã cuốn phăng đi công sức của nhiều hộ trồng rau và hoa trong thôn. Nông dân chỉ biết có đồng ruộng để có thu nhập nên phải tranh thủ làm từng ngày cho kịp vụ. Cũng may là còn có ít giống dự trữ để gieo lại. Nông dân ở đây mong từ nay đến khi thu hoạch thời tiết sẽ thuận lợi để có thu hoạch được phần nào đỡ phần ấy.

Toàn xã Bình Ngọc hiện có 45 ha gieo trồng rau và hoa. Mưa lũ khiến cho 20 ha (15 ha hoa lay ơn và 5 ha rau) “mất trắng”, số còn lại chỉ sống được khoảng 20%. Lũ rút, nông dân đã chủ động ra đồng nhổ bỏ rau, hoa đã hư hỏng để trồng giống mới trở lại.

Ông Cao Xuân Trí, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Ngọc cho biết, hoa lay ơn bây giờ đã trễ vụ Tết nên không trồng được nữa. Nông dân thay vào đó là các giống rau ngắn ngày như: cải, cần tây, ngò,... Những khu vực hoa còn sống thì tiếp tục duy trì việc chăm sóc để vớt vát lại chi phí. Sau khi lũ rút chỉ trong 5 ngày, các diện tích bị thiệt hại đã được gieo trồng mới trở lại. Toàn bộ diện tích rau và hoa của xã sẽ được ưu tiên chăm sóc để phục vụ cho thị trường Tết.

Sau trận lũ lịch sử, không chỉ ở xã Bình Ngọc mà nhiều nơi khác của tỉnh Phú Yên, người dân đang tất bật dọn dẹp, khôi phục sản xuất tại gia đình. Chính quyền địa phương cũng đang tìm cách hỗ trợ để hạn chế phần nào những thiệt hại của nhân dân, giúp họ kịp thời ổn định cuộc sống.

Theo ông Trần Hữu Thế - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên, người dân cùng một lúc phải chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 và lũ lụt nên đời sống rất khó khăn. Sau lũ, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên đã yêu cầu các địa phương triển khai ngay việc khắc phục, nhằm sớm ổn định đời sống nhân dân, khôi phục sản xuất; tập trung tổ chức dọn dẹp vệ sinh, xử lý môi trường; không để xảy ra dịch bệnh, thiếu nước sinh hoạt và thiếu đói trong nhân dân. Thủ tướng Chính phủ đã quyết định trước mắt hỗ trợ khẩn cấp cho tỉnh Phú Yên 1.000 tấn gạo để cứu trợ nhân dân bị ảnh hưởng lũ lụt. Địa phương đang kiến nghị Trung ương hỗ trợ thêm 1.500 tấn lúa giống để kịp sản xuất vụ Đông Xuân sắp tới và một số giống vật nuôi.

*Sữa chữa khẩn cấp hệ thống thuỷ nông Đồng Cam

Sau đợt mưa lũ vừa qua, hệ thống thủy nông Đồng Cam (hệ thống thủy lợi lớn nhất của tỉnh Phú Yên) bị sạt lở và bồi lấp nghiêm trọng. Theo Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thủy nông Đồng Cam, đã có khoảng 22.200 m3 đất đắp bị cuốn trôi, 3.500 m3 bê tông bị sạt lở và khoảng 14.700 m3 đất đá bồi lấp lòng kênh; ước tính tổng kinh phí khắc phục toàn bộ các hư hỏng này gần 21 tỷ đồng. Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên đã phải ban bố tình huống khẩn cấp và gấp rút sửa chữa.

ttxvn-phu-yen1-1639415313.jpeg
Lực lượng cứu hộ đưa người dân lên xuồng an toàn. (Ảnh: Phạm Cường/TTXVN)

Theo lịch, vụ Đông Xuân 2021-2022 của tỉnh Phú Yên bắt đầu gieo sạ từ ngày 20/12/2021 đến ngày 10/01/2022. Chính vì vậy bắt buộc tất cả hạng mục sửa chữa trên toàn hệ thống thủy nông Đồng Cam phải hoàn thành trước đó. Tại cụm đầu mối Bắc đập Đồng Cam, Ban quản lý Các dự án đầu tư xây dựng tỉnh Phú Yên và các đơn vị thi công bố trí khoảng 100 công nhân và 30 thiết bị xe máy đang tập trung đắp đê quai và sửa chữa nhiều vị trí sạt lở. Những ngày qua, trên kênh chính Nam, gần 20 đội công nhân tập trung gia cố đoạn kênh dài gần 450m đoạn qua xã Hòa Phú (huyện Tây Hòa) bị nước lũ cuốn... Tất cả các vị trí kênh khác có sạt lở, bồi lấp đều được bố trí thi công liên tục để đảm bảo tiến độ.

Ông Nguyễn Văn Chiến - Phó Giám đốc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên thủy nông Đồng Cam cho biết, các đơn vị hiện đều thi công theo phương án cuốn chiếu, làm đoạn nào hoàn thiện đoạn đó. Trước mắt các tuyến kênh chính Nam, kênh chính Bắc sẽ được ưu tiên thi công trước. Sau đó, các tuyến kênh KC1, KC2 được nạo vét khơi thông. Ngoài ra, các Trạm thủy nông cũng đang triển khai cho công nhân tự gia cố những vị trí sạt lở nhỏ, bồi lấp ít trên các tuyến kênh nhánh và thu vớt rác trên toàn hệ thống để giúp dòng chảy thông thoáng, không bị ách tắc.

Hệ thống thủy nông Đồng Cam được ví là “mạch sống quê hương” vì cung cấp nước tưới cho hơn 18.000 ha lúa và hoa màu ở đồng bằng thuộc các huyện Phú Hòa, Tây Hòa, Tuy Hòa (vựa lúa lớn nhất miền Trung). Nhiều cử tri băn khoăn về tiến độ sửa chữa hệ thống kênh mương liệu có kịp thời vụ? Tại kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Yên vừa qua, ông Nguyễn Trọng Tùng – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, bằng nhiều giải pháp, chậm nhất đến ngày 20/12/2021, tất cả các tuyến kênh chính của hệ thống thủy nông Đồng Cam sẽ được khôi phục. Bà con nông dân cần chủ động phương án sản xuất, khi có nước về đồng phải tập trung làm đất, ngâm ủ giống và gieo sạ theo lịch thời vụ. Việc bà con gieo sạ được khuyến cáo sử dụng bộ giống lúa ngắn ngày, trung ngày có năng suất và chất lượng cao./.