Phát triển kinh tế lâm nghiệp xanh, gắn với bảo vệ rừng

Phát triển vùng Tây Nguyên phải phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, bảo đảm thống nhất với hệ thống quy hoạch quốc gia, phù hợp với chiến lược quốc gia về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu. Cơ cấu lại kinh tế vùng theo hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là trọng tâm; chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, dựa trên ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số. Chú trọng bảo vệ, khôi phục, phát triển rừng, nâng cao đời sống, sinh kế của người dân gắn với rừng.

Tây Nguyên là vùng có diện tích rừng lớn thứ hai cả nước, có tiềm năng lớn về phát triển tài nguyên rừng và nhiều lợi thế về phát triển kinh tế, phát triển lâm nghiệp. Rừng Tây Nguyên có ảnh hưởng lớn tới đời sống kinh tế - xã hội của các dân tộc thiểu số, có vị trí quan trọng về an ninh chính trị, môi trường sinh thái, đa dạng sinh học và bảo vệ nguồn nước, điều tiết khí hậu cho Vùng. Do đó, các chuyên gia cho rằng, cần tập trung đánh giá chính sách, pháp luật đất đai hiện hành về quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp và những định hướng sửa đổi, bổ sung hoàn thiện.

020-1686272536.png
Cán bộ kiểm lâm hướng dẫn người dân trồng, chăm sóc cây dược liệu dưới tán rừng.

Phân tích, đánh giá một số cơ chế, chính sách tạo động lực thúc đẩy, nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Chú trọng phân tích, đánh giá thực trạng và đề xuất các giải pháp đột phá về: Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và giải pháp phát triển bền vững dịch vụ môi trường rừng trong thời gian tới; hoàn thiện cơ chế, chính sách cho thị trường tín chỉ cac-bon ở Việt Nam. Đồng thời đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, khả thi trong công tác bảo đảm an sinh đối với người dân khu vực có rừng, nhất là bảo đảm sinh kế cho đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ.

Theo các chuyên gia, vùng Tây Nguyên với nhiều tiềm năng lợi thế về rừng, tài nguyên khoáng sản, đất đai, nguồn nhân lực để phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế nông lầm nghiệp, để tiếp tục phát huy hiệu quả các tiềm năng và lợi thế cần đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn mới mô hình đổi mới mô hình tăng trưởng chuyển từ sản xuất nông lâm nghiệp sang kinh tế nông lâm nghiệp. Đồng thời chú trọng bảo vệ phát triển rừng, khai thác hiệu quả tiềm năng thế mạnh của địa phương giúp ổn định nâng cao đời sống sinh kế của người dân gắn với rừng. Tạo sự lan toả giúp các tỉnh trong vùng Tây Nguyên phát triển bứt phá tạo nguồn lực tăng trưởng mới để phấn đấu đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 đưa Tây Nguyên trở thành vùng phát triển bền vững.