Phát triển bền vững để nâng cao giá trị sản phẩm ngành chăn nuôi

Ngành chăn nuôi của Việt Nam đã có những bước chuyển mình ấn tượng, trong 6 tháng đầu năm 2023 ngành chăn nuôi đã chiếm 27% tỉ trọng đóng góp GDP chung toàn ngành, nhưng vẫn còn một số hạn chế, khó khăn, đặc biệt là an toàn thực phẩm.
chan-nuoi-1-1695723050.jpg
Phát triển bền vững để nâng cao giá trị sản phẩm ngành chăn nuôi. Ảnh minh họa

Tại họp báo Vietstock 2023, ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi khẳng định, Chăn nuôi là lĩnh vực mũi nhọn của nông nghiệp Việt Nam, ngành luôn đạt mức tăng trưởng ổn định trong những năm qua, chiếm hơn một phần tư tỉ trọng (27%) trong đóng góp GDP chung toàn ngành trong nửa đầu năm 2023. Năm 2022, ngành chăn nuôi Việt Nam nói riêng ghi nhận sự phát triển năng động, lợi nhuận đạt 21 tỉ USD, tương đương với mức tăng trưởng từ 5% đến 6% so với năm 2021. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2023 ngành chăn nuôi đã chiếm 27% tỉ trọng đóng góp GDP chung toàn ngành.

Sự phát triển vượt bậc về kinh tế - xã hội Việt Nam trong thời gian qua đã mang lại nhiều cơ hội bứt phá cho ngành chăn nuôi. Cụ thể, Việt Nam đứng thứ 7 toàn cầu về tốc độ gia tăng tầng lớp trung lưu, đạt 50 triệu người vào năm 2030. Với dân số trẻ, tỷ lệ đô thị hoá cao và thu nhập của người dân tăng mỗi năm tại cả khu vực nông thôn và đô thị, đem lại cơ hội phát triển cho ngành chăn nuôi và chế biến thức ăn.

Bên cạnh đó, các Hiệp định thương mại tự do được ký kết trong những năm gần đây giữa Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới đã mở đường cho các sản phẩm ngành chăn nuôi trong nước tham gia vào những thị trường có mức tiêu thụ cao.

Tuy nhiên, theo ông Thắng, ngành chăn nuôi Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn. Vấn đề liên kết, thị trường, chế biến sâu, dịch bệnh, an toàn thực phẩm chưa được quan tâm đúng mức, an toàn sinh học, môi trường cần được quan tâm khi chăn nuôi quy mô lớn.

Để phát triển ngành chăn nuôi theo hướng bền vững, tăng trưởng xanh, ông Dương Tất Thắng cho biết, cần đẩy mạnh tái sử dụng các phụ phẩm của chăn nuôi, kết hợp lĩnh vực trong kinh tế tuần hoàn. Các doanh nghiệp có thể tăng cường hợp tác, nâng cao giá trị từ con giống, thức ăn chăn nuôi, giết mổ chế biến đến phân phối ra thị trường.

Về giải pháp lâu dài, theo ông Thắng, ngành chăn nuôi tập trung vào ba trụ cột chính gồm: Giống, thức ăn và môi trường công nghệ. Bên cạnh đó, ngành cũng đang đẩy mạnh nhận thức của người chăn nuôi trong việc ứng phó với thiên tai, hạn chế ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, không đánh đổi môi trường bằng cách xử lý vấn đề môi trường ngày từ trong các trang trại, nông hộ.

Do đó, với chủ đề “Tăng cường chăn nuôi bền vững, cải thiện an ninh lương thực, cải thiện an toàn sinh học”, Cục trưởng Cục Chăn nuôi đánh giá, Triển lãm Vietstock lần thứ 11 năm 2023 là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ chăn nuôi, nông dân về lĩnh vực giống, thức ăn chăn nuôi, chuồng trại, thuốc thú y. Đồng thời giúp các doanh nghiệp tiếp cận với những công nghệ lớn trên thế giới. Tăng cường chăn nuôi bền vững, thân thiện môi trường và nâng cao giá trị sản phẩm chăn nuôi.

Hương Lan