Phát huy hiệu quả mô hình trồng xen canh, chăn nuôi dưới tán điều

Để cải thiện hiệu quả sản xuất từ cây điều, tỉnh Bình Phước xác định việc trồng xen canh, chăn nuôi dưới tán là một giải pháp thích hợp giúp tận dụng khoảng trống bên dưới tán điều; tăng thu nhập trên cùng một diện tích, góp phần đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp, giảm rủi ro do biến động giá cả và dịch hại so với hệ thống trồng độc canh...

Tính đến nay, Bình Phước là tỉnh có diện tích trồng điều lớn nhất cả nước. Sau 15 năm thực hiện dự án Quy hoạch ngành điều tỉnh Bình Phước giai đoạn 2006-2020 theo Quyết định số 31/2008/QD-UBND ngày 08/7/2008 của UBND tỉnh, năng suất và sản lượng điều của tỉnh liên tục tăng qua các năm. Năm 2017, diện tích điều khoảng 134.302ha, năng suất 0,73 tấn/ha, sản lượng 96.813 tấn. Đến năm 2021, diện tích đạt 141.595ha, năng suất 1,49 tấn/ha. Năm 2022, diện tích 151.892ha, năng suất 1,15 tấn/ha, sản lượng 170.358 tấn. Cây điều là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh. Toàn tỉnh có khoảng 1400 cơ sở, doanh nghiệp phục vụ sơ chế, chế biến cho ra các sản phẩm từ điều.

Những năm trước cây điều ở Bình Phước được trồng theo mô hình độc canh. Trong quá trình canh tác, nông dân đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật từ đó xuất hiện các mô hình trồng xen canh cây điều với các loại cây trồng, loài vật nuôi để gia tăng hiệu quả sản xuất. Các mô hình trồng xen canh cây điều hiện nay bao gồm: trồng xen canh ca cao, hồ tiêu,cà phê, cây ăn trái; chăn nuôi gà, vịt dưới tán điều, tận dụng quỹ đất trống dưới tán điều làm chuồng trại chăn nuôi gia súc. Đến nay, khoảng 8.000ha cây trồng được xen canh, đa canh dưới tán điều.

image-2023-05-22t134452026-1685450820.jpg
Người dân tại xã Minh Hưng huyện Bù Đăng thu hoạch ca cao trong vườn điều. Ảnh: BBP.

Điển hình như mô hình trồng xen ca cao dưới tán điều của các hộ sản xuất tại xã Minh Hưng, huyện Bù Đăng. Với diện tích 4,5ha, hộ sản xuất đã trồng xen ca cao dưới tán điều. Mỗi năm vườn điều cho sản lượng khoảng 10 tấn hạt, thu nhập 200 triệu đồng. Ngoài ra, dưới tán điều trồng xen hơn 1.000 cây ca cao, cho thu nhập hơn 150 triệu đồng. Đối với mô hình trồng xen cây cà phê tại xã Tân Phước, huyện Đồng Phú: Với khoảng 2ha trung bình mỗi năm cây điều cho năng suất 2-2,5 tấn/ha, cây cà phê năng suất 3 tấn/ha, ước tính mỗi năm mô hình cho thu nhập trên 100 triệu đồng.

Bên cạnh đó, việc nuôi gia cầm dưới tán điều những năm qua trên địa bàn tỉnh mang lại hiệu quả kép: Gà chăn nuôi dưới tán sẽ tận dụng được nguồn thức ăn tự nhiên, từ sâu nhộng hại điều, từ đó hạn chế mầm sâu gây hại. Chất thải từ hoạt động chăn nuôi là nguồn phân bón tốt cho cây điều. Thực tế mô hình chăn nuôi gà thả tại vườn điều của một số nông hộ trên địa bàn huyện Bù Đốp nuôi khoảng 700 con ngan, gà, vịt (nuôi 3 lứa) thu lợi nhuận khoảng 45 triệu đồng/năm...

Việc phát triển ngành điều trên địa bàn tỉnh còn một số nhiều tồn tại, hạn chế. Nhiều diện tích điều trồng chưa theo quy hoạch, vẫn mang tính tự phát, phân tán. Tỷ lệ hộ canh tác điều quảng canh bằng các giống điều cũ khá phổ biến, số hộ trồng điều thâm canh chưa nhiều. Vì thế, hiệu quả kinh tế từ cây điều mang lại chưa cao. Đa số cây điều được trồng độc canh, năng suất còn hạn chế, tỷ lệ thiệt hại, rủi ro cao khi dịch bệnh phát sinh hoặc khi có biến động về giá thị trường.

Liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị còn hạn chế, chủ yếu thực hiện ở một số ít vùng trồng tập trung. Đa số người trồng điều và các nhà máy chế biến chưa ký kết được hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, dẫn đến tình trạng tranh mua, tranh bán và thiếu chủ động nguồn nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy chế biến trên địa bàn.

Bên cạnh đó, những năm gần đây, thời tiết bất thường khiến mưa trái mùa, lốc xoáy xảy ra, các loại sâu bệnh phát sinh gây hại khiến năng suất, chất lượng sản phẩm giảm sút. Hiệu quả kinh tế từ cây điều mang lại chưa cao và có sự chệnh lệch lớn giữa các địa phương. Mặt khác, cây điều trên địa bàn tỉnh khó cạnh tranh với một số cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn như: Cà phê, hồ tiêu, cao su, cây ăn trái...

mo-1685450836.png
Địa phương này cũng đồng thời phát huy hiệu quả mô hình chăn nuôi dưới tán cây điều.

Để cải thiện hiệu quả sản xuất từ cây điều, việc trồng xen canh, chăn nuôi dưới tán là một giải pháp thích hợp giúp tận dụng khoảng trống bên dưới tán điều; tăng thu nhập trên cùng một diện tích, giúp tăng khả năng cạnh tranh với những cây trồng khác, góp phần đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp, giảm rủi ro do biến động giá cả và dịch hại so với hệ thống trồng độc canh...

Tỉnh Bình Phước xác định, việc xây dựng Dự án trồng xen canh, chăn nuôi dưới tán điều là cần thiết, giúp cải thiện kinh tế cho nông dân trồng điều, đồng thời góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 15/4/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về phát triển ngành điều Bình Phước giai đoạn 2020-2025 và tầm nhìn đến năm 2030.

Theo đó, dự án phấn đấu đến năm 2025, tổng diện tích xen canh/đa canh dưới tán điều toàn tỉnh là 10.000ha như Nghị quyết số 11/NQ-TU đã đề ra. Trong đó, huyện Bù Đăng 8.000ha, huyện Bù Gia Mập 1.000ha, các huyện, thị xã, thành phố còn lại 1.000ha. Các loại cây trồng xác định trồng xen canh/đa canh dưới tán điều gồm: Cà phê, ca cao, cây dược liệu; các loại vật nuôi dưới tán điều: Gà, vịt, dê.

Đến năm 2030, nâng diện tích xen canh/đa canh dưới tán điều toàn tỉnh lên 5.000ha, tương ứng lũy kế là 15.000ha. Trong đó, huyện Bù Đăng 10.000ha, huyện Bù Gia Mập 3.000ha, các huyện, thị xã, thành phố còn lại 2.000ha. Các loại cây trồng xác định trồng xen canh/đa canh dưới tán điều gồm: Cà phê, ca cao, cây dược liệu; các loại vật nuôi dưới tán điều: Gà, vịt, dê. Dự án tập trung vào đối tượng là các tổ chức, cá nhân trồng xen canh/đa canh, chăn nuôi dưới tán điều. Cùng với đó, thực hiện triển khai tại 11 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Cùng với các giải pháp như: Tuyên truyền vận động nông dân tham gia Dự án; Bồi dưỡng nguồn nhân lực thực hiện Dự án, tỉnh Bình Phước chú trọng đến công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật, trong đó đẩy mạnh công tác khuyến nông, xây dựng mô hình, chuyển giao quy trình kỹ thuật thâm canh, kỹ thuật trồng xen canh, chăn nuôi dưới tán điều ở những vùng đất thích hợp, nhất là những nơi có nguồn nước tưới.