OECD: Triển vọng kinh tế toàn cầu đã sáng hơn vào đầu năm 2023

Tổng thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) Mathias Cormann cho biết, triển vọng kinh tế toàn cầu sẽ “sáng hơn một chút” trong năm nay nhưng thách thức về lạm phát vẫn còn.

Được biết, cơ sở cho sự lạc quan là lạm phát trên toàn cầu dần được kiểm soát, chi phí năng lượng giảm và nền kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại.

Các chuyên gia đều nhận định có nhiều dấu hiệu triển vọng kinh tế toàn cầu đã được cải thiện kể từ hội nghị thượng đỉnh G-20 hồi tháng 10 năm ngoái, thời điểm mà một số nền kinh tế mấp mé bên bờ vực suy thoái vì giá lương thực và năng lượng tăng đột biến. Nền kinh tế toàn cầu hiện khá hơn so với các dự đoán đưa ra chỉ cách đây vài tháng.

Tổng thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế Mathias Cormann cho rằng: “Triển vọng kinh tế thế giới sẽ sáng sủa hơn một chút vào đầu năm 2023 so với những gì chúng tôi nghĩ chỉ 2 hoặc 3 tháng trước. Thật vậy, giá năng lượng và lương thực thấp hơn đáng kể so với thời kỳ đỉnh cao".

Ông lưu ý rằng giá năng lượng đã giảm đáng kể vì châu Âu có thể đa dạng hóa “thành công” các nguồn năng lượng của mình. Ngoài ra, một “mùa đông lành tính” đã giúp giảm nhu cầu năng lượng khiến giá xăng ở mức thấp.

“Nền kinh tế toàn cầu được dự đoán sẽ tăng trưởng thấp hơn nhiều và ở mức khiêm tốn 3,1% trong năm 2022, trước khi giảm xuống 2,2% vào năm 2023 và phục hồi vừa phải với tốc độ vẫn dưới mức trung bình 2,7% vào năm 2024”, OECD cho biết trong báo cáo tháng 11.

istock-943372516-1677338443.jpg

Ảnh minh họa.

Báo cáo vào thời điểm đó cũng nhấn mạnh thêm rằng các nền kinh tế thị trường mới nổi châu Á dự kiến sẽ chiếm gần 3/4 tăng trưởng GDP toàn cầu vào năm 2023, khi châu Âu và Mỹ tăng trưởng chậm lại.Tuy nhiên, người đứng đầu OECD cho biết, rủi ro lạm phát vẫn tiếp tục tồn tại và cần được giải quyết tốt.

“Lạm phát đang bắt đầu giảm, nhưng chúng ta vẫn chưa vượt qua được thách thức lạm phát. Và đây là những rủi ro cần tiếp tục được quản lý tốt trong nhiều tuần và nhiều tháng”, ông cho biết. Người đứng đầu OECD nhấn mạnh rằng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã thực hiện “hành động tích cực vào năm ngoái” trong việc tăng lãi suất để kiềm chế áp lực tăng giá.

Giờ đây, Fed đang tiếp tục chống lại lạm phát theo một cách ổn định hơn. “Đó là những gì chúng tôi mong đợi các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới sẽ làm, tiếp tục theo dõi dữ liệu và tiếp tục điều chỉnh các quyết định”, ông cho biết.

Vào đầu tháng 2, Fed đã tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản và đưa ra rất ít dấu hiệu cho thấy chu kỳ tăng lãi suất này sắp kết thúc. Tháng trước, người đứng đầu OECD nhấn mạnh việc mở cửa trở lại của Trung Quốc là “cực kỳ tích cực” trong cuộc chiến toàn cầu nhằm giải quyết lạm phát gia tăng.

“Trong trung hạn và dài hạn, đây là một điều rất tích cực trong việc đảm bảo rằng các chuỗi cung ứng hoạt động hiệu quả và hiệu quả hơn, đảm bảo rằng nhu cầu ở Trung Quốc và thực sự là hoạt động thương mại nói chung sẽ tiếp tục theo một mô hình tích cực hơn”, ông cho biết.

Tại Hội nghị Bộ trưởng G20 diễn ra ở Ấn Độ, Thủ tướng Narendra Modi cũng phát đi tín hiệu lạc quan cho rằng, thế giới có thể hy vọng từ sức sống của nền kinh tế Ấn Độ (được dự báo tăng trưởng với tốc độ hơn 6% trong năm nay).

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản Haruhiko Kuroda dẫn nguồn tin từ G7 cho biết, nền kinh tế toàn cầu có khả năng phục hồi tốt hơn dự kiến, nhưng lạm phát vẫn tăng cao.

“Như quý vị đã biết, về mặt kinh tế toàn cầu, dựa trên những gì chúng tôi thấy qua các chỉ số kinh tế gần đây, nền kinh tế toàn cầu vẫn có khả năng phục hồi tốt hơn so với dự kiến. Các chỉ số đã thể hiện nhưng trên toàn cầu, mức độ lạm phát vẫn tăng cao" - Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản Haruhiko Kuroda nhấn mạnh

Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2023 ở mức 2,9%, tăng so với mức dự báo 2,7% hồi tháng 10, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức 3,4% đạt được vào năm 2022. IMF khuyến cáo chính phủ các nước có thể tính đến việc triển khai các công cụ an toàn vĩ mô và tăng cường các khuôn khổ tái cơ cấu nợ.

Thi Nguyên (t/h)