Ô hay cây Ô Môi!

Tôi trồng nhiều cây ô môi trong vườn nhà là vì chính bản thân tôi bị bệnh nằm bẹp không nhúc nhích. Nhờ đức ông bà nên gặp phước của ông thầy thuốc Ô Môi mà tôi mạnh khỏe đến bây giờ!

Người tôi yêu quê ở Cần Thơ, xứ sở gạo trắng nước trong, thơ mộng hơn bởi nhà ngoại có hàng cây ô môi đổ bóng bên bờ sông Hậu. Chúng tôi yêu nhau trên chiếc thuyền mùa Xuân, đầy hoa ô môi la đà cơn gió nhẹ rắc khéo theo mái chèo hò ơi “Hoa môi rụng cánh đầy thuyền, mấy mùa hoa nở mấy phiên hẹn hò”!

Theo chu kỳ nhớ người yêu tôi về miền Tây sông nước, đêm ấy tôi phải thất thưởng ngoài đường quê dưới cơn mưa chính mùa như thác đổ, bởi trong ngôi nhà ngói cao cao kia đã thì thầm thơm tho với ai đó!

cong-dung-cua-cay-o-moi-it-nguoi-biet-1639112776.jpg
Cây Ô Môi

Sáng ra, người tôi rã rời trong quán bà Ba bên đường, cơ thể tôi tơi bời như bà Trời mất chồng - Lạnh buốt theo sương giăng miền Nam, hâm hấp nóng, rồi sốt li bì, tay chân thân thể nặng nề như đeo vài chục ký chì, da thịt thì đau nhưng nhức như xe quá đát chạy trên đường Trường sơn năm xưa gặp mưa lầy, miệng đắng nhớt nhao như ao sình trong nắng gắt. Bà Ba quán bưng tô cháo hành tiêu hột gà so cho tôi ăn, tôi cố nuốt nhưng không quá muỗng thứ bảy...!

Ông thầy lang trong làng nghe được, rước tôi về nhà, thầy giã lá cây ô môi thoa khắp người tôi, rồi dùng kim sy-ranh lể đầu, lể lưng, lể vai nặn máu. Thầy nói, con trúng nước nặng quá, bụng đói người yếu ớt, nên lục tà phong, hàn, thử, thấp, táo, hỏa thừa cơ xâm nhập nhanh. Nhưng không sao con đừng lo, có thuốc sẵn đây, ngày mai con dứt bệnh hẳn ngay mà! Thầy cho tôi xông nồi lá cây trong vườn hương thơm thần kỳ, rồi cho tôi uống một ca nước có mùi thơm, màu xỉn xỉn, vị ngòn ngọt dể nuốt.

Thầy nói thuốc từ thân và quả cây ô môi đó con ạ! Thầy chỉ cây ô môi cao gần 20mét, sừng sững thẳng tưng bên mé sông rồi giảng. Cây Ô môi với tên khoa học là Cassia grandis, họ cây Vang (CAESALPINIACEAE), thân cao to, vỏ thân nhẵn, màu nâu đen. Lá kép lông chim, có phủ lông mịn. Hoa màu hồng tươi mọc thành chùm ở những kẽ lá đã rụng. Chùm hoa thõng xuống rất đẹp. Quả hình trụ, cong như lưỡi liềm, dài 40-60cm, đường kính 3-4cm, có 50-60 ô, mỗi ô chứa một hạt dẹt, quanh hạt có cơm màu nâu đen, vị ngọt, mùi hắc. Vỏ quả màu đen, có gân nổi ôm tròn từng khía. Lúc quả Ô môi chín già, khi vừa hái xuống thì có mùi khăn khẳn hăng hắc, không ăn ngay mà thường đem về đặt dưới nền nhà ít hôm. Càng để lâu, chất lượng quả càng tăng, ăn ngon ngọt có hương vị đặc biệt. Ô môi không chỉ là một loại quả ngon độc đáo mà còn là một vị thuốc bổ được so sánh ngang với Canh-ki-na.

Cơm nhựa màu nâu đen đặc sền sệt chứa trong quả Ô môi ngâm rượu làm thuốc bồi bổ sức khỏe, tăng cường kích thích tiêu hoá, giúp ăn ngon miệng, nhuận tràng tẩy độc, chữa đau lưng, đau xương, bổ thận, ích gan, sáng mắt. Thật đúng như lời thầy ngày hôm sau tôi khỏe dần. Người nhẹ nhàng, không đau nhức uể oải ớn lạnh sốt run, hoạt động nhanh nhẹn quá bình thường, nhất là ham ăn như heo đang lớn.

Qua phân tích thành phần hóa học, người ta thấy trong cơm quả ô môi có glucid, chất nhày, tanin, saponin, calci oxalat, antraglucozit, tinh dầu và chất nhựa. Bởi tôi dùng thuốc từ cây ô môi của ông thầy được nhân dân đặt cho - Thầy Ô Môi.

Lý Nam