Nước ngọt dư vị tử thi

Cuối tuần, lên Tam Đảo giao lưu golf với mấy ông bạn thành đạt với nhiều chủ đề khác nhau. Sau nhiều năm miệt mài phấn đấu, mỗi người đều có vị thế xã hội khiến nhiều người mơ ước và có quyền nhâm nhi với thành tựu của chính mình.
nhung-hinh-anh-phoi-bay-su-tan-bao-cua-che-do-diet-chung-pol-pot-3-1658459351.jpg
Campuchia những ngày ảm đạm

Phần tôi vẫn là kẻ tỷ phú về thời gian và bần nông về tiền bạc đành góp vui với anh em vài chuyện của một thời lính tráng không mấy ai có cơ hội trải qua. Mùa Giáng sinh năm ngoái, nhân chuyến công tác ở Campuchia tôi đã về lại Kampong Speu, cách Phnuompenh độ sáu chục cây về phía tây. Thời quân ngũ tôi và những đồng đội đã có những năm tháng đáng nhớ ở đây nhưng khi quay lại thì cảnh vật cũ thay đổi quá nhiều không thể nhận ra. Đô thị hóa đã diễn ra với tốc độ chóng mặt khi Kampong Speu từ một thị trấn hoang tàn sau chiến tranh nay đã trở thành đô thị đông đúc sầm uất.

Cái duy nhất mà tôi có thể nhận thấy đó là Ngã ba Con Nai, nút giao cắt giữa quốc lộ 4 từ Phnuompenh đi Kampong Som và quốc lộ 143. Cùng với đó là con sông Prek Thnaot mỏng tang như dải lụa chảy xuyên qua Kampong Speu trước khi đổ vào dòng Mê Kong hùng vĩ. Chỗ chúng tôi đóng quân là khu công xã thời Polpot. Đó là nơi sống tập trung của hàng ngàn người thuộc các thành phần dân cư khác nhau. Họ bị lùa vào đó để lao động tập thể, ăn uống tập thể và sinh hoạt tập thể theo mô hình công xã. Đó là những thông tin có được từ lời những người dân ở đây kể lại.

Trung đoàn bộ đóng chính ở đại bản doanh của công xã cũ. Nơi đó vẫn còn ngôi nhà ăn tập thể lợp bằng là thốt nốt rộng thênh thang. Bên cạnh là hồ nước dùng cho các sinh hoạt chung. Các tiểu đoàn và đơn vị trực thuộc đóng rải rác quanh đó trong bán kính cỡ một cây số. Ngày 17/4/1975, Polpot chiếm được Phnompenh. Ít lâu sau đó, Polpot ban hành lệnh: tất cả ra khỏi thành phố ! Đàn ông, đàn bà, già trẻ, sư sãi, nhà giáo, nhà buôn, sinh viên không kịp mang theo quần áo, tụ tập con cái, gọi vợ, gọi chồng thì bị lùa đi như những bầy nô lệ về các vùng nông thôn. Chỗ đơn vị tôi đóng quân là một trong những nơi như thế.

Khi quay lại Campuchia, ghé qua các bảo tàng chứng tích chiến tranh, tôi được biết thêm: Ngày 20/5/1975 thường vụ Trung ương Đảng Polpot họp quyết định 3 chủ trương lớn gồm: “Làm sạch nội bộ nhân dân; Xác định Việt Nam là kẻ thù số 1, kẻ thù truyền kiếp; Xây dựng xã hội mới của CPC, không chợ, không tiền, không trường học, không trí thức, không tôn giáo, không đô thị...”

Tháng 5/1975 một khối thuốc nổ phá sập toà nhà Ngân hàng quốc gia Căm pu chia. Polpot hãnh diện tuyên bố: “Đây là tiếng súng đại bác tiến công vào dinh luỹ đồng tiền”. Cùng với tiếng nổ báo hiệu công khai đó, thường vụ Trung ương đảng Polpot ra chỉ thị tuyệt mật tiến hành cuộc thanh trừng nội bộ khởi đầu cho cuộc tàn sát đẫm máu kéo dài gần bốn năm.

Ban doanh trại Trung đoàn cất một ngôi nhà bốn gian, hồ nước nằm chếch về phía trái cách đó không xa. Nói chính xác hơn là cái ao được đào vuông vắn như một cái huyệt khổng lồ rộng cỡ hơn 1 hecta. Đang là mùa mưa, ao mọc đầy sen xanh ngắt xen lẫn những bông súng rất đẹp. Hàng ngày cả mấy đơn vị đều dùng nước ao làm nước ăn và cả sinh hoạt khác.

Một hôm, thằng Hòa nuôi quân ra ao gánh nước, sơ sẩy thế nào để rơi thùng. Hắn liền cởi quần áo, nhảy xuống ao mò. Đang cười thỏa thích vì được tắm ao, hắn bỗng rú lên thất thanh, nhảy lên bờ chạy vào phòng chỉ huy, mặt không còn hột máu. Hắn lắp bắp:

- Dư… ưới a… aoo có người chết!

Tất cả chúng tôi chạy ra, lội xuống ao thì đúng là có xác người, xương bị rũ thành từng đốt, tay chân một nơi, đầu lâu một nơi, nhưng áo quần vẫn còn nguyên, màu đen thâm sì. Chúng tôi vớt lên, sắp xếp lại rồi mai táng cho người xấu số.

Cũng từ hôm đó, bữa ăn trở nên mất ngon khi hình ảnh xác chết dưới ao vẫn ám ảnh. Xác chết được phát hiện chỉ là một, đó ai biết được dưới ao còn bao nhiêu cái xác như thế!?. Thì ra lâu nay mình vẫn dùng nước ngâm xác chết mà cứ ngỡ đó là nước sạch. Rồi nữa, ao rất nhiều cá trê, con nào cũng to béo nung núc, mỗi buổi chiều mang cần ra ao đều có thể kiếm được dăm con cải thiện. Cá trê sinh sôi đông đúc được cung cấp bởi nguồn thức ăn từ xác người?

Một hôm, anh Thạc người Thanh Hóa đề xuất: phải đào giếng để lấy nước sinh hoạt, dùng nước ao không đảm bảo. Chiều hôm đó, chúng tôi chọn vị trí, gần nhà bếp, dùng xẻng đào giếng. Đào được khoảng hơn 30 phân, nhát cuốc bổ xuống nghe tiếng khậc!, Gạt qua vài lớp đất, thấy một mớ vải lùng nhùng, đôi chỗ đã bục. Moi thêm tý nữa lại là một xác chết được vùi sơ sài, không áo quan, không tiểu sành.

Mấy anh em lại lấp đất, tôn thêm chút cho thành nấm mồ, rồi hương khói cho nấm mồ vô chủ. Sau này mới được biết, không chỉ chúng tôi mà các đơn vị khác cũng vậy. Đào hố trồng cây, gặp xác người, xới đất tăng gia gặp xác người, thậm chí có chỗ chỉ là con nước chảy qua, sau khi lớp đất màu bị trôi, phía dưới lộ lên một xác chết. Mãi sau này, chính quyền địa phương mới có sáng kiến, quy tập những xác chết được tìm thấy vào nhà trưng bày, coi như đó là một nhân chứng của tội ác.

Sau 3 năm 8 tháng 20 ngày dưới chế độ Polpot, theo thống kê của Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Căm pu chia, Polpot và các đồng chí của ông ta đã giết hại hơn 2,7 triệu người, trong đó có gần 200 nhà văn, nhà báo; 600 bác sĩ, dược sĩ; 18.000 thầy cô giáo, giáo sư, hơn 10.000 sinh viên, hơn 1.000 văn nghệ sĩ.

Sau này có dịp xem bộ phim “Cánh đồng chết” do một đạo diễn người Mỹ thực hiện, những anh em từng ở Campuchia về đều cho rằng, những điều được mô tả trong phim chỉ là một phần của cái sự thật khốc liệt mà nhân dân nước này phải chịu đựng. Với chúng tôi thật khó quên khi có một thời gian dài dùng nước ngọt với dư vị tử thi của những người Campuchia xấu số ở Kampong Speu./.