Nội dung trên được nêu ra tại Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Đông Nam bộ, do Bộ Công thương tổ chức ngày 31/7.
Cần tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực của vùng theo hướng “xanh” hóa sản phẩm
Mặc dù chỉ chiếm hơn 7% tổng diện tích và gần 20% dân số cả nước, nhưng Đông Nam bộ là vùng kinh tế năng động, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất nhập khẩu của vùng 6 tháng đầu năm 2024 đạt 115,7 tỷ USD, chiếm 31% kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Hàng hóa xuất khẩu của vùng đã có mặt ở gần 200 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó tập trung ở các thị trường truyền thống, đặc biệt với các thị trường Việt Nam đã có hiệp định thương mại tự do như Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN…
Trong đó, các mặt hàng xuất khẩu chính sang các thị trường thuộc châu Âu - châu Mỹ của vùng là gỗ, các sản phẩm gỗ, cà phê, thức ăn gia súc và nguyên liệu, gạo và một số mặt hàng nông sản khác...
Thông tin tại Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Đông Nam bộ, bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công thương, Ủy viên Hội đồng điều phối Vùng Đông Nam bộ cho biết, cơ sở hạ tầng của vùng có sự phát triển rõ nét trong những năm gần đây, tuy nhiên, vùng đang đối mặt với nhiều vấn đề cần giải quyết.
Để tạo ra bước chuyển biến mới, có tính đột phá trong việc phát huy vị trí, vai trò quan trọng đặc biệt và khai thác có hiệu quả hơn tiềm năng, lợi thế phát triển của vùng, Thứ trưởng Phan Thị Thắng cho rằng, cần phải có hàng loạt các giải pháp, bao gồm các giải pháp thúc đẩy khoa học, công nghệ, liên kết, hợp tác trong sản xuất nâng cao giá trị sản phẩm, liên kết vùng trong các hoạt động xúc tiến thương mại và xuất nhập khẩu theo quy mô chuyên nghiệp...
Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, trong những năm tới, hoạt động xuất nhập khẩu dự báo tiếp tục phải đối diện với nhiều thách thức và xu hướng bảo hộ thương mại, yêu cầu của các thị trường nhập khẩu về tiêu chuẩn “xanh”, “bền vững” ngày càng khắt khe.
Ông Dũng cho rằng, để thúc đẩy liên kết vùng hiệu quả, cần tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực của vùng theo hướng “xanh” hóa sản phẩm, xuất khẩu các sản phẩm có dấu chân carbon thấp, thân thiện với môi trường, xây dựng hình ảnh “xanh” của doanh nghiệp trên thị trường, tạo nên lợi thế cạnh tranh, hướng tới xuất khẩu bền vững. Đồng thời, xây dựng các cơ chế hợp tác chặt chẽ, nâng cấp, phát triển hạ tầng giao thông, dịch vụ logistics, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa...
Là một trong những tỉnh có lợi thế về phát triển nông nghiệp và xuất khẩu nông sản, ông Hoàng Mạnh Thường, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước cho biết, thời gian qua tỉnh xác định phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ là xu hướng, từng bước nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh cho các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh; nâng cao thu nhập cho người sản xuất; bảo đảm an toàn thực phẩm, an ninh lương thực, bảo vệ môi trường sinh thái; xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn...
Hiện Bình Phước đã và đang triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình hợp tác với các địa phương vùng Đông Nam bộ đã ký kết. Đồng thời, mở rộng hợp tác với các địa phương khác trên cơ sở bù đắp thiếu hụt, phát huy lợi thế, khai thác các tiềm năng của từng địa phương, góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Việc xây dựng thương hiệu Đông Nam bộ tạo vị thế của doanh nghiệp Việt trong chuỗi cung ứng
Theo bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bình Dương, một thực tế đáng quan ngại là hầu hết sản phẩm vùng Đông Nam bộ chưa xây dựng được thương hiệu, sản phẩm chủ yếu là xuất khẩu thô, xuất khẩu qua trung gian hoặc gia công cho thương hiệu nước ngoài. Rất ít sản phẩm có thể xuất khẩu bằng chính thương hiệu của mình. Đó cũng là thực trạng chung của các ngành xuất khẩu chủ lực của cả nước.
Trong giai đoạn mới, theo bà Duyên, thương hiệu chính là nội lực mềm cho sự phát triển của các doanh nghiệp vùng Đông Nam bộ. Việc xây dựng thương hiệu Đông Nam bộ không đơn thuần là dừng lại ở sản phẩm chất lượng tốt, mẫu mã sáng tạo mà còn góp phần khẳng định bản sắc, vị thế của doanh nghiệp Việt trong chuỗi cung ứng trên phạm vi toàn cầu.
Do vậy, bà Phan Thị Khánh Duyên đề xuất cần xây dựng thương hiệu chung vùng Đông Nam bộ cho 4 mặt hàng chủ lực của vùng dựa trên lợi thế của các tỉnh thành địa phương gồm da giày; chế biến gỗ; nông sản; công nghệ thông tin.
"Để phát triển được thương hiệu của các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của vùng cần có sự đầu tư, vào cuộc của Chính phủ, các cơ quan chuyên trách, các tỉnh thành và chính các doanh nghiệp trong vùng gắn với tầm nhìn của lãnh đạo doanh nghiệp.
Qua đó, thúc đẩy liên kết chặt chẽ giữa các tỉnh thành, doanh nghiệp tạo ra quy mô sản xuất lớn hơn, giá trị cao hơn. Bên cạnh đó, các cấp Bộ ngành cần hỗ trợ doanh nghiệp cần đẩy mạnh mạng lưới kênh phân phối chất lượng nhằm hạn chế sự xâm phạm nhãn hiệu, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người tiêu dùng trong và ngoài nước", bà Phan Thị Khánh Duyên đề xuất.
Đặc biệt, đối với mặt hàng nông sản, bà Duyên cho rằng, các địa phương trong vùng cần có quy hoạch tổng thể, quy hoạch vùng trồng tránh sự cạnh tranh giữa các địa phương. Có chính sách đầu tư dài hạn các sản phẩm mang tính thương hiệu quốc gia, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.
Đồng thời, phát triển đồng bộ các ngành cung ứng hậu cần, thương mại điện tử và số hóa, hiện đại hóa, tập trung vào sản xuất, lưu thông, phân phối hàng Việt với các thị trường quốc tế. Ứng dụng công nghệ blockchain để minh bạch hóa thông tin về nguồn gốc, quy trình sản xuất, và tiêu chuẩn chất lượng các sản phẩm nông sản, thực phẩm, giúp tăng cường niềm tin và uy tín của thương hiệu./.