Những ẩn số đằng sau hoạt động của hệ thống cầm đồ F88

Ngay khi vừa thành lập, F88 đã nhanh chóng mang lại “diện mạo” mới cho “ngành” cầm đồ tại Việt Nam. Tuy nhiên, qua phản ánh của nhiều khách hàng cho thấy, hình thức hoạt động của hệ thống này đang tồn tại nhiều bất ổn(?)

Lãi thấp nhưng phí ‘khổng lồ’

Kể từ khi ra đời (2013), Công ty cổ phần kinh doanh F88 (F88 - PV) tự đánh giá là một đơn vị tài chính cho vay tiền một cách chính thống, hoạt động công khai, minh bạch, khác hẳn hình ảnh đầy "bặm trợn" và thường xuyên cho vay cầm đồ với lãi suất "cắt cổ" của các hiệu cầm đồ truyền thống thường thấy. Cái thu hút ánh nhìn của khách hàng có nhu cầu vay của F88 là một bộ mặt lịch sự, hào nhoáng và có gì đó rất tận tâm, cùng một lãi suất có phần "dễ chịu"…

Thời gian đã chứng minh cho nhiều người thấy, hình ảnh có vẻ "lịch sự" của F88 thực chất không khác các hiệu cầm đồ truyền thống. Cái khác ở đây, từ cách vận hành và chiêu thức tính lãi suất một cách tinh vi, ẩn dưới những loại phí "hợp lý" mà pháp luật dường như chưa với tay đến...

313404384-2765235840280017-3226908933761525732-n-1670370330.jpg

Theo đó, nếu khách hàng thực hiện một Hợp đồng cho vay cầm cố (giấy tờ đăng ký xe ôtô hoặc các phương tiện khác) với giá trị khoản vay 200 triệu đồng, thời hạn vay 30 ngày (tức 01 tháng - kỳ thanh toán) sẽ phải chịu những chi phí như sau: Chi phí vay trong hạn: 1,1%/ 1 tháng (tức lãi suất vay) x 200 triệu đồng = 2.200.000 đồng/ 1 tháng; Phí thẩm định điều kiện cho vay: 1,4%/ 1 tháng x 200 triệu đồng = 2.800.000 đồng/ 1 tháng; Phí quản lý tài sản cầm cố: 5,0%/ 1 tháng x 200 triệu đồng = 10.000.000 đồng/ 1 tháng.

Riêng loại "Phí thẩm định điều kiện cho vay" mà F88 đặt ra với khách vay không phải thu một lần, mà nó sẽ xuất hiện cùng với khoản vay này hàng tháng - kỳ thanh toán. Có nghĩa là, nếu khoản vay của khách hàng có thời hạn 6 tháng thì loại "Phí thẩm định điều kiện cho vay" cũng sẽ được F88 thu của khách vay 6 lần hoặc thu nhiều lần hơn theo thời hạn của khoản vay…

Suy ra, tổng hợp tất cả những chi phí cho khoản vay cầm cố giá trị 200 triệu đồng của khách hàng tại F88: 15 triệu đồng/200 triệu đồng/ 1 tháng (tương đương lãi xuất 7,5%/ 1 tháng/200 triệu đồng hoặc 90%/ 1 năm/200 triệu đồng).

Hiện F88 niêm yết lãi xuất cho vay ở mức 1,1 %/ 1 tháng, tương đương hơn 13%/ 1 năm để tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành về điều kiện kinh doanh dịch vụ cầm đồ và trần lãi suất. Song nếu chỉ nhìn vào con số này sẽ thấy lãi suất cho vay của Công ty F88 khá "dễ thở" vì chỉ chênh lệch không nhiều so với hệ thống ngân hàng mà thủ tục, thời gian giải ngân lại hết sức nhanh gọn, thường chỉ dao động từ 10 đến 20 phút đối với các tài sản cầm cố đơn giản, có giá trị nhỏ.

Tuy nhiên, đây không phải toàn bộ chi phí vay mà khách hàng phải bỏ ra để thực hiện giao dịch. Vì cùng với mức lãi suất khá "nhẹ nhàng" này, tại điều 2 của bản hợp đồng cho vay cầm cố mà phía F88 đưa đối với mỗi khách hàng sẽ có điều khoản phải trả thêm 1,4%/ 1 tháng tiền "phí thẩm định diều kiên cho vay" và 5%/tháng tiền "phí lưu giữ tài sản cầm cố". Như vậy, tổng chi ổng công tất cả các loại phí mà F88 tự đặt ra cho khoản vay, khiến khách hàng phải chịu chi phí lãi vay/khoản vay lên đến 7,5%/ 1 tháng hoặc 90%/ 1 năm, vượt quá mức cho phép.

Điều này, nhiều người biết nhưng đành chấp nhận, còn F88 cũng dễ dàng lách luật lãi suất của mình bằng những khoản phí cao gấp nhiều lần lãi vay nhưng thực chất chính là lãi vay mà luật pháp chưa thể "sờ" đến…

f88-anh-2jpg-16218440150741272075418-1670370194.jpg

Banner giới thiệu cách thức thanh toán và vay tại F88.

Ngoài ra, khách hàng sẽ phải chịu thêm một số những chi phí như: tiền phạt vi phạm hợp đồng (100 nghìn đồng/ngày); tiền phí lưu giữ tài sản (nếu là ô tô, xe máy,…); tiền phạt tất toán khoản vay trước hạn (5% x tổng số tiền nợ gốc còn lại trước hạn của hợp đồng).

Một vấn đề nữa, khi khách hàng thực hiện giao dịch một khoản vay với F88 thì khách hàng phải ký - điểm chỉ khống vào một số văn bản, giấy tờ như: Hợp đồng mua bán xe ô tô; Giấy khai sang tên, di chuyển; Bản cam kết tài sản riêng; Biên bản thỏa thuận định giá tài sản cầm cố.

Bên cạnh đó, với các khoản vay cầm cố tài sản ở F88 đều chủ yếu cầm cố bằng giấy tờ xe ô tô, xe máy hoặc các phương tiện khác, còn người vay vẫn được sử dụng phương tiện của mình. Điều này, tương tự như cách cho vay thế chấp bằng chính phương tiện của mình như một số ngân hàng vẫn áp dụng và người vay thế chấp giấy tờ phương tiện để ngân hàng giữ.

Trong khi đó, khoản vay của khách hàng vẫn "gánh" thêm khoản chi phí là "Phí quản lý tài sản cầm cố" và dù có tên gọi như thế nhưng còn quản lý cái gì thì chính F88 không chỉ ra được? Đây cũng chính là loại "phí" có mức chi phí "nặng" nhất của khoản vay cầm cố tại F88.

f88-anh-3-16218440149551073220677-1670367824.jpg

Trước khi được F88 duyệt khoản vay, khách hàng phải ký/điểm chỉ khống vào hợp đồng mua bán xe ô tô.

Những khách hàng từng trải nghiệm nói gì?

Trao đổi với PV, Chị P. (trú tại quận Cầu Giấy - Hà Nội) một khách hàng đã từng thực hiện khoản vay ở F88 kể về việc vay cầm cố của mình: "Cuối năm 2018, do có việc đột xuất nên tôi có đến một cửa hàng giao dịch để thực hiện khoản vay cầm cố bằng Giấy tờ đăng ký xe ô tô với trị giá 200 triệu đồng, thời hạn 1 tháng. Việc giao dịch thực hiện khoản vay này của tôi tháng đầu thuận lợi và tôi đã gia hạn thêm 1 tháng nữa.

Cùng lúc đó, do sắp đến ngày sinh nở nên tôi cũng có phần sao nhãng khoản vay của mình và kéo dài thời hạn vay "quá hạn" lên 70 ngày; từ đây tôi phải chịu hàng loạn những vấn đề và chi phát sinh cho khoản vay cầm cố giấy tờ phương tiện của mình.

Đầu tiên, phía F88 cử nhân viên đến để thống nhất chốt thời hạn, số tiền lãi suất và các loại phí khác đi kèm khoản vay phải thanh toán cùng với nợ gốc. Việc này đã được hai bên nhất trí và tôi sẽ thanh toán toàn bộ nợ gốc, số tiền lãi suất cùng với các chi phí phát sinh trong 70 ngày cho khoản vay (200 triệu đồng) được khoanh lại, chốt con số, hẹn ngày để tôi thanh toán nốt cho F88 và nhận lại giấy tờ phương tiện đang cầm cố.

Tuy nhiên, điều đáng nói trong lúc hai bên đã thống nhất cách thức và thời gian xử lý khoản vay trên thì bất thình lình khi người nhà tôi lái chiếc xe ô tô có giấy tờ đang cầm cố cho khoản vay tại F88 trên đường thì đã bị nhân viên của F88 "cưỡng chế" kéo xe về bãi đỗ xe và khóa bánh lại...", chị P. bức xúc.

f88-anh-4-16218440149361287156457-1670367950.jpg

Biên bản thanh lý hợp đồng và thoả thuận định giá tài sản.

Bên cạnh đó chị P. cho biết thêm: "Còn số tiền chi phí phát sinh cho khoản vay như phạt vi phạm nghĩa vụ hợp đồng, phí quản lý tài sản cầm cố, phí thẩm định điều kiện vay, lãi suất… mà tôi phải chịu trong 70 ngày 60 triệu đồng".

"Như vậy, trong vòng 100 ngày, với khoản vay trị giá 200 triệu của tôi tại F88 tôi phải chịu tổng tất cả các chi phí (lãi suất các loại phí) là 75 triệu đồng/200 triệu đồng/100 ngày. Đây có thể nói bài học nhớ đời của tôi và tôi nghĩ các khách hàng đã và sẽ có ý định đến vay cầm cố ở F88 cần phải cân nhắc kỹ về việc này…".

Tương tự, anh Hoàng C. M. (quê An Khánh, huyện Hoài Đức) cho biết: "Do dịnh bệnh kéo dài kinh tế khó khăn nên đã vay một số tiền tại F88. Đầu tiên mức phí nhân viên tư vấn khá hợp lý, tôi cầm một máy tính với giá 10 triệu tính ra lãi suất hàng tháng phải trả chỉ 118 nghìn đồng/10 triệu tương đương 1,1 %. Tuy nhiên, khi đóng lãi không phải chỉ trả mình lãi trong hạn, mà tôi phải đóng thêm phí thẩm định điều kiện cho vay (150 nghìn đồng/10 triệu đồng – PV), phí bảo quản tài sản cầm cố 376,955 VND. Trường hợp nộp quá hạn sẽ bị phạt, thậm chí nếu không đúng ngày bị thanh lý hợp đồng".

Bộ luật Dân sự năm 2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017 quy định tại khoản 1, Điều 468 về lãi suất, mức lãi suất vay tiền cũng theo thỏa thuận, nhưng không được vượt quá 20%/năm (nếu thỏa thuận không rõ thì sẽ là 10%/năm). Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực. Trường hợp các bên có thoả thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ." => 20%/năm tương đương với lãi suất 20:12= 1,67%/tháng.

Theo quyết định số 2868/QĐ-NHNN thì mức lãi suất cơ bản của đồng VN là 9%/năm và theo quy định trên của Bộ luật Dân sự thì tối đa là 9%x150% = 13.5%/năm.

Như vậy, mức lãi suất mà Công ty F88 đang áp dụng cao gấp từ 3,6 lần đến 4,5 lần so với quy định pháp luật.

Theo Điều 201: Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự: "Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

1. Phạm tội thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt từ từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Người phạm tội còn có thể bị phạt từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm".

Doanh nghiệp & Kinh tế xanh tiếp tục chuyển đến bạn đọc những thông tin tiếp theo về hệ thống F88.

Hoàng Hà

Bài viết có sử dụng một số tư liệu của đồng nghiệp