
Cần có cơ chế tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân phát triển
Tại tọa đàm “Kinh tế tư nhân: Động lực vươn mình từ Nghị quyết 68”, mới được tổ chức gần đây, các đại biểu, nhà khoa học, chuyên gia kinh tế khẳng định, Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị là một văn kiện quan trọng, thể hiện chủ trương thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ.
Từ thực tiễn hoạt động của kinh tế tư nhân còn nhiều hạn chế, PGS.TS Trần Quốc Toản, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ chỉ rõ ba nguyên nhân lớn, đó là: do nhận thức chưa đầy đủ và chưa thống nhất về vai trò của kinh tế tư nhân; thể chế, chính sách và bộ máy thực thi còn nhiều điểm nghẽn, chưa theo kịp yêu cầu phát triển; bản thân khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn yếu, tiềm lực hạn chế, chưa thực sự trở thành lực lượng đủ mạnh. Do đó, cần có cơ chế tạo điều kiện để doanh nghiệp tư nhân tham gia vào chuỗi cung ứng.
PGS.TS Trần Quốc Toản cho biết, để phát triển kinh tế tư nhân theo nghị quyết 68 có rất nhiều vấn đề xử lý từ nhận thức quan điểm, cơ chế, chính sách, cần kiên quyết loại bỏ bớt các thủ tục hành chính không phù hợp giảm thiểu các thủ tục rườm rà gây cản trở và xây dựng văn hóa kinh doanh minh bạch, có đạo đức. Bởi nếu không xây dựng được môi trường kinh doanh lành mạnh, chúng ta sẽ không thể cạnh tranh với thế giới.
Cần đào tạo đội ngũ doanh nhân có trình độ, có tầm nhìn và đạo đức nghề nghiệp. Nhà nước cần đóng vai trò chủ động trong việc hình thành lớp doanh nhân mới, đủ sức gánh vác trọng trách phát triển kinh tế tư nhân từ đó thúc đẩy nền kinh tế quốc dân phát triển bền vững trong giai đoạn mới.

Theo ông Trần Văn Lê - Chủ tịch Tập đoàn Phương Linh, Nghị quyết 68 là một chủ trương có ý nghĩa đặc biệt, được ban hành trong bối cảnh lịch sử quan trọng của đất nước và nền kinh tế. Tuy nhiên, để Nghị quyết này thực sự đi vào cuộc sống, điều cốt lõi là phải giải quyết môi trường cạnh tranh thiếu lành mạnh đang khiến giá trị gia tăng bị bào mòn, chi phí bị đội lên và lợi nhuận của doanh nghiệp bị triệt tiêu.
“Chiến lược Đại dương xanh là tạo ra thị trường mới, ít cạnh tranh, nhấn mạnh sự khác biệt và tối ưu chi phí. Nhưng với môi trường hiện tại, doanh nghiệp Việt đang đối mặt với vô số chi phí vô hình từ thủ tục hành chính cho tới các rào cản khác”, ông Lê đặt vấn đề.
Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Lê, nếu có thể chế đủ mạnh để bảo vệ sự phát triển của doanh nghiệp chân chính, cùng với các chương trình đào tạo thiết thực nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ doanh nhân, thì nhiều tồn đọng hiện nay đang đè nặng lên khu vực kinh tế tư nhân hoàn toàn có thể được tháo gỡ.
Tư duy cốt lõi hình thành nên nghị quyết, đó là: "cởi trói" và "phát triển"
Phát biểu tại tọa đàm, TS. Bùi Thanh Minh, Phó Giám đốc chuyên môn Văn phòng Ban IV, nhấn mạnh hai tư duy cốt lõi hình thành nên nghị quyết, đó là: "cởi trói" và "phát triển".
Tư duy "cởi trói" được hiểu là tháo gỡ những rào cản kéo dài từ lâu như: Tiếp cận đất đai, vốn tín dụng, hay cạnh tranh không lành mạnh giữa DN Nhà nước và tư nhân. Trong khi đó, tư duy "phát triển" hướng tới việc phân loại DN để có chính sách hỗ trợ sát thực tiễn hơn từ các tập đoàn dẫn dắt, DN tiên phong cho đến DN nhỏ.
Còn TS Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Vietnam cho rằng Nghị quyết 68 không chỉ nhắm đến tăng trưởng đơn thuần mà còn khẳng định vai trò của doanh nghiệp tư nhân trong tiến trình xây dựng mô hình phát triển xã hội chủ nghĩa. Điều này là rất quan trọng để hướng đến các giá trị "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

Có cùng quan điểm, TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đánh giá cao Nghị quyết 68, coi đây là một dấu mốc thể hiện quyết tâm lớn của Đảng và Nhà nước trong việc đặt kinh tế tư nhân vào đúng vị trí chiến lược.
Tuy nhiên, ông Lê Xuân Nghĩa cho rằng, cần có hành động thực chất và đồng bộ để Nghị quyết thật sự đi vào cuộc sống. Vị chuyên gia này đồng tình với quan điểm điều hành, đó là để theo kịp các nền kinh tế phát triển, Việt Nam cần hành động quyết liệt và có tầm nhìn chiến lược dài hạn.
Từ góc nhìn pháp lý và hội nhập, luật sư Bùi Văn Thành nhận định: Nghị quyết 68 đã đánh dấu một "trạng thái mới" của tư duy thể chế khi lần đầu tiên kinh tế tư nhân không chỉ được thừa nhận, mà còn được đặt làm trung tâm trong chiến lược phát triển đất nước.
"Thể chế phải phục vụ phát triển, không phải là gánh nặng, DN cần được tự do trong khuôn khổ pháp luật, không bị ràng buộc bởi thủ tục hành chính rườm rà", ông Bùi Văn Thành nhấn mạnh.
Luật sư Bùi Văn Thành cũng đưa ra quan điểm đáng suy ngẫm, đó là, nếu Việt Nam muốn đạt mức thu nhập bình quân đầu người 18.000 USD vào năm 2045 thì nguồn lực quyết định sẽ không nằm ở tài nguyên hay vốn vay mà chính là trí tuệ và sức sáng tạo của con người Việt Nam.
"Với DN, điều họ cần không chỉ là đất đai hay ưu đãi thuế, mà là sự tự do sáng tạo trong một khuôn khổ pháp lý minh bạch. Một DN công nghệ cao không đến Việt Nam vì chúng ta có khu công nghiệp công nghệ cao, mà vì hò được tự do nghiên cứu, phát triển", ông Bùi Văn Thành nói./.