Nghệ An: Hơn 50 doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Hàn Quốc

Hiện nay, Nghệ An đã có hơn 50 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc với 8 nhóm mặt hàng chính như hàng dệt may, thiết bị linh kiện điện tử, dây điện và cáp điện, nguyên phụ liệu dệt may, da giày; sản phẩm đá các loại, hoa quả chế biến, nhựa thông, tùng hương...

Theo Sở Công Thương Nghệ An, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều 9 tháng đầu năm 2022 giữa Nghệ An và Hàn Quốc đạt 388,9 triệu USD, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 219,5 triệu USD, chiếm 13% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của tỉnh, xếp vị trí thứ 3 sau Thị trường Trung Quốc và Hongkong.

Bên cạnh đó, Nghệ An cũng nhập khẩu từ Hàn Quốc 206 triệu USD với các sản phẩm nguyên liệu dệt may, da giày, linh kiện điện thoại… Trên lĩnh vực lao động, mỗi năm Nghệ An đưa sang Hàn Quốc khoảng 500 - 700 lao động theo Chương trình EPS (Chương trình dành riêng cho lao động nước ngoài làm việc tại Hàn Quốc).

dnht-29a98-1666866888.jpg
Nghệ An đã triển khai nhiều chương trình phát triển mối quan hệ hợp tác với các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp Hàn Quốc trên các lĩnh vực, đặc biệt là hợp tác kinh tế song phương. Ảnh minh họa (Nguồn ảnh: https://moit.gov.vn/)

Theo thống kê, hiện Nghệ An đã có hơn 50 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc với 8 nhóm mặt hàng chính, bao gồm: hàng dệt may; thiết bị linh kiện điện tử; dây điện và cáp điện; nguyên phụ liệu dệt may, da giày; sản phẩm đá các loại; bao bì; hoa quả chế biến; nhựa thông, tùng hương...

Tuy nhiên, trong quá trình xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, doanh nghiệp tỉnh Nghệ An gặp không ít những khó khăn, nhất là các điều kiện, hàng rào kỹ thuật của Hàn Quốc có xu hướng siết chặt hơn (đối với mặt hàng nông sản); các mặt hàng nông sản luôn bị kiểm tra một cách nghiêm ngặt.

Cụ thể, đối với sản phẩm rau quả chế biến, nhà máy cung cấp phải đạt đáp ứng tiêu chí theo giấy chứng nhận xuất khẩu do phía Hàn Quốc cấp. Trong khi đó, doanh nghiệp Nghệ An hầu hết chưa nắm rõ được điều kiện, tiêu chuẩn hàng hóa xuất khẩu vào Hàn Quốc dẫn đến nhiều mặt hàng chưa thể đáp ứng tiêu chuẩn để xuất khẩu.

Đại diện Công ty Y-mart (Hàn Quốc) cho biết, Y- mart là Tập đoàn có 107 siêu thị bán lẻ ở miền Nam Hàn Quốc bao gồm Gwanju và jeollanam-do. Tiềm năng sản phẩm hàng hóa, nhất là hàng nông sản của Nghệ An là rất lớn, Tuy nhiên, một số sản phẩm có vào được thị trường Hàn Quốc thì phải xem lại danh mục hàng hóa được nhập khẩu của Hàn Quốc. Hiện nay có rất nhiều công dân của các nước châu Á, trong đó có Việt Nam sinh sống, làm việc tại Hàn Quốc; nhu cầu sử dụng hàng hóa xuất xứ Việt Nam rất cao. Nhiều sản phẩm của Việt Nam được người dân Hàn Quốc ưa chuộng, như phở, mỳ… Tới đây, sau các cuộc làm việc, kết nối cung - cầu xuất, nhập khẩu, hy vọng hàng Nghệ An sẽ có mặt nhiều hơn ở thị trường Hàn Quốc.

Được biết, Sở Công Thương Nghệ An cũng đã có nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc như: Tổ chức Hội nghị gặp gỡ Tham tán thương mại Việt Nam tại Hàn Quốc với doanh nghiệp xuất, nhập khẩu tỉnh Nghệ An; cung cấp thông tin về thị trường Hàn Quốc; Cung cấp thông tin các điều kiện, rào cản kỹ thuật của Hàn Quốc cho các doanh nghiệp...

Hàn Quốc là một trong những thị trường quan trọng và tiềm năng đối với nước ta nhiều năm qua. Việc hai nước tham gia ký kết Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Hàn Quốc cũng như Hiệp định thương mại song phương Việt Nam - Hàn Quốc đã tạo ra khung pháp lý thúc đẩy hoạt động thương mại giữa 2 nước.

Hoàng Hà (t/h)