Quế Phong (Nghệ An): Nuối cá trên lòng hồ thủy điện - mô hình kinh tế giúp người dân làm giàu

Không chỉ phục vụ cho việc sản sinh ra dòng điện, lòng hồ thủy điện Hủa Na còn là nơi tạo việc làm, mang lại thu nhập cho nhiều hộ dân tại xã Đồng Văn của huyện miền núi Quế Phong (Nghệ An). Đến thời điểm này, đã có 49 hộ dân tham gia nuôi cá trên lòng hồ với hơn 600 chiếc lồng lớn, nhỏ.
61932d6b369b3b7a6304434d-nuoica-huana3-high-1665112427.jpeg
Trên lòng hồ thủy điện Hủa Na hiện đã có tới 630 lồng nuôi cá của các hộ dân

Với lợi thế sẵn có là diện tích mặt nước lòng hồ hơn 1.300 ha, lưu lượng nước luôn được đảm bảo, những năm qua người dân sống xung quanh lòng hồ thủy điện Hủa Na (Quế Phong, Nghệ An) đã tận dụng để phát triển nuôi cá lồng và khai thác đánh bắt thủy sản. Lúc đầu từ vài chục lồng, bè nuôi cá nhỏ lẻ, đến nay mô hình này đã phát triển nhân rộng nhanh chóng lên hàng trăm lồng nuôi, góp phần quan trọng cải thiện nguồn thu nhập và tạo công ăn việc làm tại chỗ cho người dân địa phương.

Hiện nay, xã Đồng Văn huyện Quế Phong có 49 hộ tham gia nuôi cá lồng với tổng số lồng đến thời điểm này là 630 lồng. Trong đó, số lồng được hỗ trợ của tỉnh là  473 lồng; số lồng người dân tự bỏ kinh phí đầu tư và phát triển nhân rộng mô hình là 157 lồng, tập trung chủ yếu ở bản Mường Hinh (13 hộ nuôi với 171 lồng), bản Pù Duộc (17 hộ nuôi với 169 lồng), bản Na Chảo - Piềng Văn (8 hộ nuôi với 129 lồng) … các loại cá được người dân hiện tại đưa vào nuôi là cá trắm cỏ, cá leo, cá lăng, cá rô phi, cá diêu hồng...

Tại đây, hiện có rất nhiều hộ đã phát triển mô hình nuôi cá trên lòng hồ thủy điện với số lượng lên đến hàng chục lồng như hộ anh Lang Văn Cường, Lang Văn Mão, Hà Thanh Truyền, Lương Văn Thái, điển hình là anh Trần Văn Thuận hiện nay là hộ dẫn đầu về số lượng lồng nuôi trong xã với 63 lồng. Các hộ nuôi ở đây cho biết, trước kia các hộ ven lòng hồ thủy điện sống bằng nhiều nghề khác nhau nhưng vẫn không thoát được nghèo, nhưng kể từ khi có chính sách hỗ trợ của tỉnh về phát triển nuôi cá lồng, cuộc sống của họ đã thay đổi nhiều và ổn định hơn.

Đặc biệt, được sự ưu đãi của thiên nhiên ban tặng nên số lượng các loại cá tạp nhỏ có trong lòng hồ thủy điện là rất lớn. Mỗi ngày một hộ có thể khai thác từ 50- 100kg các loại cá nhỏ tự nhiên. Số lượng này đủ để cung cấp thức ăn cho cá nuôi trong lồng. Vì thế hộ nuôi cá đã tận dụng và chủ động hoàn toàn về thức ăn cho cá, chi phí đầu tư giảm đi rất nhiều. Tùy thời gian sinh trưởng (thường từ 8-10 tháng) mỗi lồng sẽ cho thu nhập từ 40 – 45 triệu đồng/vụ, sau khu trừ chi phí thì mỗi hộ sẽ có thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

bna-mo-hinh-ca-long8106017-1332021-1665112546.jpg
Mỗi lồng nuôi cho thu nhập từ 40-45 triệu đồng/vụ

Xác định nghề nuôi cá lồng là một lợi thế cho nên những năm qua, huyện Quế Phong đã tập trung chỉ đạo các hộ trong xã Đồng Văn đẩy mạnh phát triển nghề nuôi cá lồng. Đồng thời, địa phương cũng có các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các hộ nhằm nhân rộng nghề nuôi cá lồng, tạo thêm việc làm cho người dân, góp phần tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo ở địa phương.
Theo đó, huyện đã xây dựng kế hoạch tổng thể về phát triển nuôi cá lồng giai đoạn 2021-2025, ngoài chính sách hỗ trợ thuộc chương trình Nghị quyết số 14/2017/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Nghệ An, lãnh đạo huyện Quế Phong cũng chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện thường xuyên tổ chức tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ một số chính sách thực hiện mô hình trình diễn cho bà con nông dân, đồng thời xây dựng quy hoạch theo định hướng của huyện. Từ một số kết quả khả quan đã đạt được, thời gian tới địa phương sẽ tiếp tục mở rộng mô hình nuôi cá lồng trong lòng hồ thủy điện.

Nghề nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện đang là hướng đi mới mang lại hiệu quả cao, ngoài vấn đề giải quyết công ăn việc làm cho người dân sống quanh lồng hồ, còn mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân vùng lòng hồ thủy điện Hủa Na (Quế Phong). Để phát huy hiệu quả tối đa cho mô hình kinh tế này, thời gian tới, cần có sự quan tâm hơn nữa của các cấp chính quyền địa phương và ngành khai thác nuôi trồng thủy sản tỉnh Nghệ An. Từ đó, tạo hướng đi theo vững chắc hơn và phát huy tối đa hiệu quả kinh tế của mô hình này, đồng thời sẽ góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới ở xã Đồng Văn huyện miền núi cao Quế Phong.

Quốc Cường