Ngày Quốc tế Trẻ em gái 11/10: Bảo vệ quyền lợi đối với các bé gái

Trước thực trạng về tảo hôn, buôn bán, bóc lột lao động và lạm dụng tình dục đối với các bé gái, năm 2011, Liên Hợp Quốc đã quyết định lấy ngày 11/10 làm Ngày Quốc tế Trẻ em gái - International Day of the Girl.
tt-1696930153.png
Thay vì hướng đến toàn phái nữ như ngày 8/3, ngày 11/10 tập trung chủ yếu vào các bé gái ở độ tuổi vị thành niên từ 10-19 tuổi.

Ngày Quốc tế Trẻ em gái (hay Ngày Quốc tế Bé gái) được vận động lần đầu tiên bởi tổ chức phi chính phủ Plan International với sự trợ giúp của Chính phủ Canada, EU và các tổ chức khác. Tới năm 2011, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thống nhất ngày này trên toàn cầu. Đây là thông điệp kêu gọi thế giới cùng bảo vệ trẻ em gái và đảm bảo các em luôn được thụ hưởng sự tiến bộ và công bằng của xã hội văn minh.

Thay vì hướng đến toàn phái nữ như ngày 8/3, ngày 11/10 tập trung chủ yếu vào các bé gái ở độ tuổi vị thành niên (từ 10-19 tuổi). Theo đó, việc đấu tranh hay tìm ra giải pháp phá vỡ vòng luẩn quẩn về việc phân biệt đối xử, cũng như bạo lực với phụ nữ, đồng thời khuyến khích và bảo vệ một cách trọn vẹn thiên chức nhân quyền được Liên Hợp Quốc khẳng định là cần đầu tư ngay vào chính các bé gái. Ngày Quốc tế Trẻ em gái 11/10 ra đời với mục đích cao cả là để bảo vệ quyền lợi cũng như nâng cao nhận thức của mọi người đối với các bé gái. Các hoạt động trong ngày này sẽ xoay quanh tất cả các lĩnh vực liên quan đến bạn nhỏ như giáo dục, dinh dưỡng, y tế, hôn nhân,…

Những người đấu tranh vì quyền lợi của trẻ em gái luôn mong muốn các em có được cuộc sống an toàn và hưởng mọi quyền lợi xứng đáng. Họ tin rằng nếu được chăm sóc về cả thể xác và tinh thần từ khi còn nhỏ thì cuộc đời của các em sẽ tươi sáng hơn trong tương lai. Hiện nay, sự thật là phụ nữ rất tài năng và góp phần phát triển xã hội không thua kém gì nam giới. Việc công nhận ngày 11/10 là Ngày Quốc tế Trẻ em gái hằng năm thêm một lần nữa khẳng định điều ấy.

Hưởng ứng ngày 11/10, mỗi người chúng ta cần có những hành động tích cực để ủng hộ tổ chức Plan International. Không cần làm điều gì quá to tát, nếu bạn là phụ nữ, hãy tự bảo vệ quyền lợi của chính mình và giáo dục những bé gái cũng như vậy. Nếu là nam giới, hãy luôn yêu thương và chăm sóc nửa còn lại của thế giới.

Ngày Quốc tế Trẻ em gái ra đời nhằm mục đích trao cơ hội nhiều hơn cho trẻ em gái và nâng cao nhận thức về bất bình đẳng giới bao gồm các lĩnh vực như giáo dục, dinh dưỡng, y tế, bảo vệ khỏi sự kỳ thị, bạo lực và không còn nạn tảo hôn... Các em có quyền được hưởng một cuộc sống an toàn, có sức khỏe và giáo dục tốt, không chỉ trong suốt những năm tháng đầu đời quan trọng mà cả khi trở thành phụ nữ. Nếu được quan tâm trong thời gian vị thành niên, trẻ em gái sẽ có tiềm năng để thay đổi thế giới, trở thành những người lao động, các bà mẹ, các doanh nhân, cố vấn, các nhà lãnh đạo trong gia đình và các nhà lãnh đạo chính trị trong xã hội của ngày mai.

Bằng việc công nhận ngày 11/10 hằng năm là Ngày Quốc tế Trẻ em gái, thế giới đang chứng minh sự thật rằng làm con gái không hề là việc dễ dàng và trẻ em gái trên toàn cầu xứng đáng đón nhận sự giáo dục, bảo vệ tốt hơn và một tương lai tươi đẹp hơn. Với thông điệp “Thúc đẩy bình đẳng giới góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh”, chúng ta cùng tôn trọng các quyền cơ bản của trẻ em gái, cùng đấu tranh chống lại những khó khăn, bạo lực và tội phạm mà các em hàng ngày phải đối mặt để các em có một cuộc sống vui tươi, khỏe mạnh và tự chủ.

Nội dung truyền thông tập trung phổ biến, tuyên truyền các văn bản, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước như Luật Bình đẳng giới; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Hôn nhân và gia đình nhằm thúc đẩy cộng đồng thực hiện các chính sách hỗ trợ nâng cao vai trò, vị thế của trẻ em gái nói riêng và phụ nữ nói chung, đặc biệt là trẻ em gái ở các gia đình sinh con một bề là gái. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục, cung cấp kiến thức sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân nhằm từng bước thay đổi tư tưởng nhận thức, hành vi của người dân, cộng đồng, xã hội, gia đình về vai trò, vị thế của phụ nữ và trẻ em gái, thực trạng, hệ lụy của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, hỗ trợ trẻ em gái trong học tập và chăm sóc sức khỏe sinh sản.

Tuyên truyền về các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi như: Pháp lệnh Dân số; Nghị định số 104/2013/NĐ-CP ngày 16/9/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều của Pháp lệnh Dân số; Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế nhằm nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật về cấm lựa chọn giới tính thai nhi; Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 23/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016-2025; Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030; chương trình truyền thông Dân số đến năm 2030. Đó là hành động thiết thực vỉ trẻ em gái của mỗi chúng ta.

Quỳnh Trang (t/h)