Lợi kép nhờ lúa đặc sản kết hợp nuôi tôm
Thời điểm này, người dân Cà Mau đang bước vào thời điểm thu hoạch vụ lúa trên đất nuôi tôm (mô hình lúa - tôm). Bà con có niềm vui nhân đôi khi lúa vừa được mùa lại trúng giá.
Gia đình ông Lê Văn Mưa (ấp 5, xã Trí Lực, huyện Thới Bình) vừa thu hoạch 5,5 ha lúa trồng trong vuông tôm. Năng suất lúa đạt gần 6 tấn/ha, với vụ lúa trồng trên nền đất nhiễm mặn đạt năng suất như vậy đã rất cao. Đặc biệt, gia đình ông trồng giống lúa ST25, được DN bao tiêu giá 9.800 đồng/kg nên vụ mùa này có lời gần 200 triệu đồng.
“Trồng lúa và thu hoạch vào cuối tháng 10, đầu tháng 11 âm lịch rất thích hợp. Giá lúa lúc này rất cao, vượt quá mức kỳ vọng của người dân. Khi làm lúa đạt chuẩn hữu cơ, sản phẩm được bao tiêu cao hơn”, ông Lê Văn Mưa phấn khởi chia sẻ.
Tại xã Lý Văn Lâm, TP. Cà Mau, người dân làm mô hình lúa – tôm cũng đã vào thời điểm chính vụ thu hoạch lúa. Năng suất lúa ước đạt từ 5,5 – 6 tấn/ha; Giá lúa giao động từ 8.000 – 8.500 đồng/kg, tùy loại giúp người dân lãi cao.
Ông Lâm Văn Cuộc, người dân sản xuất lúa cho biết, bà con ai cũng phấn khởi khi thu hoạch lúa trúng giá còn cao. So với năm trước, năng suất lúa đạt cao, còn giá đã cao hơn rất nhiều.
Theo ông Mạc Ngọc Tuyền, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lý Văn Lâm cho biết, giá lúa năm nay cao hơn khoảng 2.000 đồng/kg so với vụ mùa cùng kỳ. Đặc biệt, đối với những hộ dân trong các HTX, lúa được bao tiêu với giá từ 8.700 - 9.000 đồng/kg, giúp bà con có lợi nhuận cao hơn.
“Hội Nông dân đang củng cố lại các HTX sản xuất lúa trên địa bàn, theo hướng HTX sẽ ký hợp đồng để bao tiêu sản phẩm, hỗ trợ đầu ra cho bà con để làm theo chuỗi sản xuất. HTX vừa thu hoạch và bao tiêu sản phẩm. Bên cạnh đó, các HTX cũng làm hồ sơ để công nhận sản phẩm sạch”, ông Tuyền nêu phương hướng.
Nông dân mong muốn được thực hiện mô hình lúa - tôm
Năm nay, lúa đạt năng suất, giá lúa ở mức cao nên người dân có niềm vui nhân đôi. Giá lúa tại thời điểm hiện tại tăng cao khiến người dân mong muốn quay trở lại trồng lúa tại vùng nuôi tôm.
Thực tế, năm 2023, nhiều nông dân ở xã Phú Mỹ, huyện Phú Tân chủ động sản xuất một vụ lúa trên đất nuôi tôm. Theo một số nông dân, trồng lúa trên đất nuôi tôm là điều không khó, nhưng đòi hỏi nông dân phải quyết tâm, chủ động ngay từ đầu, cần có sự cần cù, chịu khó thì mới mang lại hiệu quả.
Ông Lâm Văn Tỷ, (54 tuổi, ở ấp Lung Môn, xã Phú Mỹ, huyện Phú) cho biết, trồng lúa để cải thiện môi trường, lấy gốc rạ làm thức ăn cho tôm, nhưng thu hoạch được lúa là lợi ích kép.
Năm nay là năm đầu tiên ông Nguyễn Thanh Bình, (61 tuổi, ở ấp Phú Thành, xã Phú Mỹ) cấy lúa trên đất nuôi tôm. Ông Bình sạ lúa trên sân, sau khi được khoảng một tháng tuổi thì bắt đầu nhổ cấy xuống ruộng. Với 12kg giống lúa Một bụi đỏ, ông Bình gieo mạ và nhổ cấy được khoảng 8.000m2. Hiện nay, lúa phát triển tốt, đang làm đòng và sắp trổ bông.
Ông Bình cho biết, từ khi trồng lúa đến giờ, nuôi tôm không bị chết và tôm luôn trúng. Trước đây, mỗi đêm đến con nước đặt lú thu hoạch chỉ được từ 300 ngàn đồng đến 500 ngàn đồng thì hiện nay 3 triệu đến 5 triệu đồng.
Năm 2023, xã Phú Mỹ có trên 20 hộ dân ở các ấp Lung Môn, Phú Thành, Thọ Mai… trồng lúa trên đất nuôi tôm, với diện tích trên 15ha.
Phó Chủ tịch UBND xã Phú Mỹ Nguyễn Trường Sơn, cho biết: Cây lúa không chỉ giúp bà con tận dụng, khai thác tốt tiềm năng đất đai sẵn có, tăng thu nhập, cải thiện kinh tế gia đình mà còn giúp cải tạo môi trường đất, nước, tạo nguồn thức ăn cho con tôm, giúp nuôi tôm trúng gấp nhiều lần so với bình thường. Chính vì vậy, bà con nơi đây luôn ý thức và chú trọng thực hiện vụ lúa khi điều kiện thời tiết cho phép.
Toàn tỉnh Cà Mau hiện có khoảng 30.000ha đất lúa - tôm. Tập trung nhiều tại huyện Thới Bình, U Minh và TP Cà Mau. Hiện bà con đã tiến hành thu hoạch được khoảng 50% diện tích. Tuy nhiên, trước tình hình giá lúa tăng cao, nhiều khả năng diện tích lúa sẽ tiếp tục tăng trong năm tới./.