Kiên Giang vượt khó phục hồi các ngành kinh tế chủ lực

Tháng 01/2022, các ngành kinh tế chủ lực của tỉnh Kiên Giang phát triển trong tình hình khó khăn, bất cập do ảnh hưởng dịch COVID-19, nhưng vẫn có những dấu hiệu tích cực, phục hồi sản xuất kinh doanh mạnh mẽ thời gian tới. Đây là tín hiệu tốt đẹp, tạo đà khôi phục nhanh, hiệu quả kinh tế - xã hội Kiên Giang những ngày đầu năm mới mừng Đảng quang vinh, mừng Xuân Nhâm Dần 2022 và đón Tết cổ truyền dân tộc.

*Khởi sắc những ngành nghề kinh tế chủ lực

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Lưu Trung nhấn mạnh, thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP, ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” và hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương thực hiện nghị quyết này, Kiên Giang xây dựng kế hoạch với các giải pháp đồng bộ, cụ thể trong triển khai Nghị quyết số 128 trên địa bàn; trong đó, tỉnh chú trọng đảm bảo mục tiêu phòng, chống dịch vẫn là nhiệm vụ trọng tâm nhằm bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng nhân dân, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch sang “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.

Theo đó, tỉnh tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo cấp độ dịch COVID-19 và phục hồi phát triển kinh tế trên địa bàn. Tỉnh từng bước khôi phục lại các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ, xây dựng và những ngành nghề, lĩnh vực được phép hoạt động khi đảm bảo các điều kiện an toàn phòng chống dịch tại từng địa bàn cụ thể. Tiếp đến, ngành chức năng mở cửa lại các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ, xây dựng thực hiện theo lộ trình, đảm bảo nguyên tắc kiểm soát tình hình dịch bệnh an toàn đến đâu thì mở rộng, phục hồi sản xuất kinh doanh đến đó, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh hiệu quả.

Cùng với đó, tỉnh huy động tối đa các nguồn lực, triển khai đồng bộ các giải pháp, phân công trách nhiệm cụ thể đối với từng ngành và địa phương, theo dõi sát tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tổ chức kinh tế và người dân để kịp thời giải quyết với tinh thần hỗ trợ tối đa cho người dân, doanh nghiệp an tâm sản xuất, kinh doanh.

ttxvncua-khau-ha-tien-1644218517.jpeg
Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên, thành phố Hà Tiên (Kiên Giang). (Ảnh minh hoạ)

Kết quả, sản xuất nông nghiệp vẫn giữ vai trò “trụ đỡ” của nền kinh tế tỉnh trong tình hình dịch COVID-19 còn tiềm ẩn nguy cơ khó lường, với hai lĩnh vực chủ yếu là trồng lúa và nuôi tôm.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang Lê Hữu Toàn cho biết: “Kết thúc gieo trồng vụ Mùa 2021 - 2022, toàn tỉnh xuống giống 67.251 ha lúa, vượt 10,8% kế hoạch đã cơ bản thu hoạch xong với năng suất bình quân 5,46 tấn/ha. Vụ Đông Xuân 2021 - 2022, tỉnh gieo trồng 283.821 ha, vượt kế hoạch 821 ha và đến nay thu hoạch hơn 15.000 ha, năng suất bình quân 5,92 tấn/ha. Sản xuất 2 lúa này khá thuận lợi về thời tiết, sâu bệnh gây hại không đáng kể và lúa phát triển tốt. Tỉnh đã chủ động ứng phó, triển khai các giải pháp phòng, chống khô hạn, thiếu nước ngọt, xâm nhập mặn ở những vùng sản xuất trọng điểm.

Mặt khác, ngành nông nghiệp bố trí lịch thời vụ ở từng địa phương hợp lý nhằm né sâu bệnh, chống hạn mặn, điều tiết nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất. Ngoài ra, lúa đang có giá 5.500 - 5.700 đồng/kg đối với lúa thường, 6.100 - 6.400 đồng/kg lúa chất lượng cao, nông dân phấn khởi và kỳ vọng giá lúa tiếp tục tăng lên, lợi nhuận cao trong sản xuất”.

Bên cạnh đó, kinh tế thủy sản với khai thác và nuôi trồng tổng sản lượng đạt gần 60.000 tấn, giá trị sản xuất thủy sản đạt hơn 2.055 tỷ đồng. Theo đó, sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt hơn 15.590 tấn, tăng 5,5% so cùng kỳ. Tỉnh thả nuôi tôm nước lợ hơn 9.000 ha, tập trung ở các huyện Kiên Lương, An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận và U Minh Thượng, sản lượng thu hoạch khoảng 3.000 tấn. Hiện nay, tôm sú (kích cỡ 30 con/kg) giá 200.000 - 210.000 đồng/kg, tôm thẻ (kích cỡ 100 con/kg) giá 100.000 - 110.000 đồng/kg, tôm càng xanh trên dưới 100.000 đồng/kg.

Tiếp đến, sản xuất công nghiệp của tỉnh khởi sắc đầu năm 2022, với giá trị đạt hơn 4.338 tỷ đồng, tăng 9,48% so cùng kỳ, bằng 8,5% kế hoạch. Một số sản phẩm tăng so với cùng kỳ như: Giày da tăng hơn 72%, tôm đông tăng trên 30%, gạch không nung tăng 24%, cá đông tăng 17%, khai thác đá tăng hơn 20%... Kim ngạch xuất khẩu đạt 71 triệu USD, tăng 37,4% so với cùng kỳ, đạt 9,1% kế hoạch, với các sản phẩn xuất khẩu chủ lực của như: Gạo, thủy sản, rau quả, giày da...

Giám đốc Sở Công thương Kiên Giang Nguyễn Văn Hoàng cho hay, tỉnh đã cơ bản kiểm soát được dịch COVID-19, chuyển sang trạng thái bình thường mới, các doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh. Tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, đẩy mạnh thông tin về các thị trường xuất nhập khẩu đang phục hồi, tập trung hỗ trợ những ngành hàng chiếm tỷ trọng xuất khẩu lớn, có lợi thế của tỉnh như: gạo, thủy sản... Tỉnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp tìm được nhiều đơn hàng, thúc đẩy hoạt động sản xuất công nghiệp khởi sắc.

*Sản xuất an toàn, hiệu quả

Năm 2022, trong bối cảnh dịch COVID-19 còn tiềm ẩn nguy cơ cao, tỉnh tiếp tục vừa tập trung phòng chống dịch bệnh, vừa phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, trong đó chú trọng các ngành kinh tế chủ lực sản xuất an toàn và hiệu quả.

Theo đó, đối với sản xuất nông nghiệp, tỉnh phấn đấu sản lượng lúa từ 4,4 triệu tấn trở lên, tỷ lệ lúa chất lượng cao đạt trên 88% diện tích gieo trồng; sản lượng thủy sản hơn 803.000 tấn, trong đó nuôi trồng 314.970 tấn, với 108.500 tấn tôm.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang cho biết, tỉnh đẩy mạnh sản xuất lúa an toàn, bền vững theo chuỗi giá trị, thích ứng biến đổi khí hậu, chú trọng sản xuất cánh đồng lớn, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh lúa hàng hóa trên thị trường.

Đối với thủy sản, tỉnh thực hiện đề án nuôi biển, đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản theo hướng công nghiệp, phát triển các vùng nuôi thâm canh, ứng dụng công nghệ cao, nuôi an toàn sinh học. Tiếp tục chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang các mô hình tôm - lúa, nuôi tôm càng xanh xen tôm sú và tôm - cua kết hợp ở các huyện U Minh Thượng, Gò Quao, Hòn Đất, Kiên Lương, Giang Thành.

Năm 2022, tỉnh Kiên Giang phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp tăng 8% so năm 2021, tương đương 51.186 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu 780 triệu USD.

Giám đốc Sở Công thương Kiên Giang Nguyễn Văn Hoàng chia sẻ, tỉnh tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp phục hồi các chuỗi sản xuất, cung ứng bị đứt gãy, tổ chức kết nối và hỗ trợ các doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh, nhất là các ngành công nghiệp có lợi thế. Tỉnh tập trung phát triển mạnh công nghiệp chế biến nông thủy sản, công nghiệp sử dụng nhiều lao động như: may mặc, giày da, điện tử... Tỉnh thu hút và tạo điệu kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn. Tỉnh tập trung nguồn lực mở rộng khu công nghiệp Thạnh Lộc giai đoạn 2 gắn với thu hút đầu tư.

Cùng với đó, trên lĩnh vực du lịch năm 2022, tỉnh Kiên Giang phấn đấu đón 5,6 triệu lượt du khách đến tham quan, du lịch trở lên; trong đó khách quốc tế khoảng 200.000 lượt du khách; tổng thu từ du lịch khoảng 7.750 tỷ đồng.

Để đạt mục tiêu này, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang Bùi Quốc Thái cho hay, tỉnh tiếp tục vận dụng, linh hoạt Nghị quyết số 128 NQ-CP của Chính phủ trong triển khai kế hoạch phục hồi và phát triển du lịch phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương. Tỉnh tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành trung ương thực hiện tốt chủ trương đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc, sử dụng “Hộ chiếu vaccine” và mở dần lại thị trường du lịch trong nước gắn với đẩy mạnh công tác quảng bá, thu hút khách du lịch.

Cùng với đó, tỉnh tập trung các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng du lịch và tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thu hút các nhà đầu tư lớn có năng lực đầu tư vào những vùng du lịch trọng điểm của tỉnh như: Phú Quốc, Rạch Giá - Kiên Hải - Hòn Đất, Kiên Lương - Hà Tiên, U Minh Thượng. Tỉnh chú trọng xây dựng sản phẩm du lịch chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, sức cạnh tranh và thân thiện môi trường. Tỉnh tập trung đào tạo phát triển nguồn nhân lực có tay nghề, chất lượng tốt để đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch./.