Khuyến nông Đắk Nông: Điểm tựa giúp người dân thoát nghèo, vượt khó

Kiên trì với chủ trương của tỉnh và định hướng phát triển bền vững của ngành nông nghiệp, Trung tâm Khuyến nông Đắk Nông đã thành công với nhiều dự án và mô hình làm thay đổi đời sống người nông dân.
hoat-dong-khuyen-nong-o-dak-nong-duoc-tap-trung-theo-huong-nang-cao-nang-suat-cai-thien-sinh-ke-1710412056.jpg
Hoạt động khuyến nông ở Đắk Nông được tập trung theo hướng nâng cao năng suất, cải thiện sinh kế

Trong giai đoạn từ 2004 đến nay, ngành Khuyến nông của tỉnh đã triển khai hơn 50 mô hình chăn nuôi, thu hút trên 6.000 hộ dân tham gia. Một số mô hình chăn nuôi đáng chú ý như: Mô hình nuôi gà thả vườn, gà J-Dabaco quy mô trên 60.000 con, mô hình cải tạo đàn bò quy mô trên 800 con, mô hình nuôi cá rô phi đơn tính, mô hình nuôi heo hướng nạc, …

Năm 2004 cũng là thời điểm mà Trung tâm Khuyến nông – Giống nông, lâm nghiệp tỉnh bắt đầu triển khai phổ cập kiến thức cho nông dân. Từ đó đến nay, 2.922 lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức cho nông dân đã được tổ chức với 110.669 lượt người tham gia. Thông qua đó, người dân đã biết cách áp dụng thực hành kỹ thuật tốt vào sản xuất nông nghiệp, cách phòng trị dịch bệnh trên vật nuôi và chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học.

Ông Nguyễn Văn Chương, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông – Giống nông, lâm nghiệp tỉnh Đắk Nông cho biết trung tâm đang đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác khuyến nông. “Trung tâm ngày càng chú trọng vào công tác tư vấn, dịch vụ khuyến nông, đặc biệt là tư vấn về kinh tế hợp tác và thị trường cho người nông dân” – ông Chương chia sẻ.

Ngay từ những năm đầu khi mới thành lập tỉnh, huyện Đắk Glong đã chú trọng vào các hoạt động khuyến nông. Định hướng là nâng cao năng suất, cải thiện sinh kế cho người dân, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Đội ngũ cộng tác viên, khuyến nông viên được quan tâm, đào tạo căn bản. Kết quả đạt được là huyện có 6 khuyến nông viên cấp xã, 47 cộng tác viên khuyến nông thôn, bon và đội ngũ nông dân chủ chốt.

Vào năm 2014, Hội Nông dân tỉnh Đắk Song đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật nông nghiệp huyện triển khai thực hiện Dự án cải tạo giống bò thịt tại 8 xã trên địa bàn. từ 31 con bò đực giống Brahman phân cho 31 hộ nuôi ban đầu, dự án đã phối được 2.509 lượt bò nền, và 1.078 bê lai thế hệ F1. Các tiêu chuẩn về trọng lượng, sức khỏe, đặc tính giống,… đều phát triển vượt trội so với giống trong nước.

dak-nong-dang-tap-trung-doi-moi-cong-tac-khuyen-nong-1710412196.jpg
Đắk Nông đang tập trung đổi mới công tác khuyến nông.

Lực lượng khuyến nông cộng đồng cấp thôn xã đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai các dự án và mô hình. Đa số đều là người địa phương, cùng sinh sống, canh tác với bà con nông dân nên hiểu được tâm lý của nhà nông. Đồng thời, họ cũng am hiểu về điều kiện đất đai, khí hậu, trình độ kỹ thuật,… các vấn đề về nông nghiệp và chăn nuôi. Chính vì thế, khi khuyến nông cơ sở tuyên truyền, chuyển giao, định hướng các kiến thức, kỹ thuật về nông nghiệp đều được người dân hưởng ứng và tiếp thu dễ dàng.

Theo Sở NN&PTNT Đắk Nông, năm 2023 toàn tỉnh đã thành lập được 10 tổ khuyến nông cộng đồng, vượt mức chỉ tiêu đề ra 2 tổ. Tính đến nay, Đắk Nông có có 15 tổ khuyến nông cộng đồng, đáp ứng chương trình xây dựng nông thôn mới về tổ chức sản xuất, phát triển kinh tế nông thôn. Các tổ khuyến nông cộng đồng góp phần tạo cầu nối giúp các hợp tác xã trên địa bàn ký kết hợp tác sản xuất, thu mua bao tiêu sản phẩm như đối với cà phê, hồ tiêu.

Ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN&PTNT Đắk Nông cho biết tỉnh đang tập trung đổi mới công tác khuyến nông. "Sở NN&PTNT tỉnh sẽ thúc đẩy gắn kết các tổ với các doanh nghiệp, các hợp tác xã để đa dạng nguồn lực, có những định hướng rõ ràng hơn về phương hướng, cách thức hoạt động của các tổ gắn với tiềm năng, thế mạnh đặc trưng địa phương. Từ đó các tổ góp phần vào xây dựng, tạo điểm nhấn trong các chuỗi giá trị sản phẩm, dịch vụ nông nghiệp, nông thôn"./.

Hồng Giang