Hòa Bình: Chuyển đổi số ngành Công Thương góp phần phát triển thương mại điện tử

Thực hiện Kế hoạch Cải cách hành chính tỉnh Hòa Bình, năm 2023 Sở Công Thương đặt mục tiêu thực hiện chuyển đổi số toàn diện, phấn đấu trong năm 100% tổng số hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng.
h-1676445597.jpg
Thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng tiếp cận các thị trường trong và ngoài nước cho các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh

Mục tiêu cụ thể về chính quyền số: Phấn đấu 100% thủ tục hành chính của Sở Công Thương đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến và được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; Duy trì kết nối, chia sẻ thông tin giữa Cổng dịch vụ công tỉnh với Cổng dịch vụ công quốc gia. 90% dịch vụ công trực tuyến của Sở Công Thương được thiết kế, thiết kế lại nhằm tối ưu hóa trải nghiệm người dùng, khi sử dụng được điền sẵn dữ liệu mà người dùng đã cung cấp trước đó; 90% người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được định danh và xác thực thông suốt, hợp nhất trên tất cả các hệ thống của các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương. 100% tổng số hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng (trừ những hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật Nhà nước). 100% chế độ báo cáo định kỳ được kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số trên hệ thống dùng chung.

Về kinh tế số: Tỷ lệ hộ gia đình có cửa hàng số cho người mua và người bán giao dịch trên nền tảng thương mại điện tử đạt trên 30%. Phấn đấu tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt 30%. Bảo đảm an toàn thông tin: Tối thiểu 90% hệ thống thông tin được xác định cấp độ và triển khai phương án bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ. “100% hệ thống thông tin đang hoạt động chính thức hiện do Sở được giao chủ trì quản lý, vận hành được xác định cấp độ và triển khai phương án bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ (Trang thông tin điện tử của Sở và phần mềm chuyên ngành)”. Tối thiểu 90% thiết bị đầu cuối được cài đặt giải pháp bảo vệ an toàn, bảo mật thông tin. 100% CBCCVC được tuyên truyền, phổ biến về thói quen, trách nhiệm và kỹ năng cơ bản bảo đảm an toàn thông tin. 100% cán bộ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm của các cơ quan hành chính nhà nước được đào tạo, bồi dưỡng về an toàn thông tin.

Để đạt được các mục tiêu trên, Sở Công Thương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cho CBCCVC và người dân các quy định về chuyển đổi số, những dịch vụ về chuyển đổi số do chính quyền cung cấp và an toàn, an ninh thông tin mạng theo chức năng quản lý nhà nước được giao. Rà soát, chuẩn hóa, điện tử hóa quy trình nghiệp vụ xử lý hồ sơ trên môi trường mạng, biểu mẫu, chế độ báo cáo; tăng cường gửi, nhận văn bản, báo cáo điện tử tích hợp chữ ký số giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội và các doanh nghiệp. Thực hiện số hóa hồ sơ, lưu trữ hồ sơ công việc điện tử của các cơ quan nhà nước theo quy định.

Phát triển các mô hình kết hợp giữa các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp. Nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng Trang thông tin điện tử của Sở nhằm kịp thời cung cấp tin tức, sự kiện, tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, các dịch vụ hành chính công trực tuyến của tỉnh. Công khai địa chỉ cơ quan, email, số điện thoại giải quyết công việc, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực Công Thương; công khai bộ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết và địa chỉ tiếp nhận phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính... phục vụ kịp thời nhu cầu tra cứu, tìm hiểu của cá nhân, tổ chức. Rà soát, cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ cao nhất đảm bảo phù hợp với các quy định của pháp luật.

Tiếp tục triển khai các giải pháp, hoạt động hỗ trợ phát triển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh. Tạo điều kiện hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh ứng dụng thương mại điện tử trong quản lý, sản xuất, kinh doanh, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa trên môi trường trực tuyến, góp phần thúc đẩy phát triển chuyển đổi số của tỉnh. Chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan về hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên Sàn thương mại điện tử Hòa Bình (hoabinhtrade.gov.vn), thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn tỉnh Hòa Bình nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng tiếp cận các thị trường trong và ngoài nước cho các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.

Thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cho công chức, viên chức, người lao động và các Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công thương về chuyển đổi số; Tham gia các lớp đào tạo, hướng dẫn, phổ cập thông tin, kỹ năng số, bao gồm kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin, bảo vệ dữ liệu cá nhân trên không gian mạng, kỹ năng ứng xử trên môi trường mạng, sử dụng các dịch vụ số của tỉnh.

Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tập trung triển khai đạt hiệu quả hoàn thành cơ bản các nhiệm vụ, mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số, an toàn an ninh thông tin, thúc đẩy quá trình phát triển đô thị thông minh theo Kế hoạch số 231/KH-UBND ngày 02/12/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh./.

Lê Thùy