Hiệu quả kinh tế cao từ sản xuất bánh tráng siêu mỏng

Với tiềm năng lợi thế lớn của tỉnh về cây sắn, kèm theo điều kiện thuận lợi từ gia đình sẵn có nhà máy chế biến tinh bột sắn, anh Đặng Khánh Duy, ngụ xã Trường Đông, thị xã Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh đã thành công trong việc tìm hiểu quy trình chế biến sâu từ tinh bột sắn, để tạo ra loại bánh tráng đạt chuẩn, siêu mỏng.

Trước đó, với kế hoạch rõ ràng, cùng với quyết tâm khởi nghiệp, sự nhạy bén kinh doanh và tiếp thu nhanh những tiến bộ khoa học kỹ thuật, cùng sự tiếp sức của gia đình, năm 2018, anh Duy quyết định thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Tân Nhiên, với ngành nghề chuyên sản xuất các loại bánh tráng theo quy trình khép kín và tiến hành đầu tư xây dựng nhà xưởng, mua sắm trang thiết bị, tuyển công nhân... và bắt tay vào sản xuất.

Bằng công nghệ sản xuất hiện đại, khép kín từ khâu nấu bột, tráng bánh, đến sấy bánh bằng lò hồng ngoại, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và rút ngắn thời gian sản xuất, anh Duy đã cho ra lò mẻ bánh tráng đầu tiên với ưu điểm mỏng, dẻo tự nhiên, đặc biệt không có vị mặn như bánh tráng truyền thống, phù hợp với nhiều khẩu vị của người dùng.

Tuy nhiên, bánh tráng do anh Duy nghiên cứu sản xuất lại có một nhược điểm là bánh có màu trắng đục, không đẹp mắt nên không cạnh tranh được với các loại bánh tráng cao cấp khác, nhiều khách hàng khó tính cũng từ chối mua sản phẩm khi chào hàng.

Không nản chí, anh Duy tiếp tục tự mày mò, nghiên cứu công thức pha chế bột, điều chỉnh máy móc để tạo ra bánh tráng siêu mỏng, khi ăn không cần nhúng nước, đáp ứng đủ các tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm so với các loại bánh tráng được tráng thủ công khi phải phụ thuộc vào thời tiết khi phơi, dễ vỡ khi sử dụng, dính côn trùng, bụi bẩn hay mành tre... gây e ngại cho người sử dụng.

banhtrang-1646613825.jpeg
Ảnh minh hoạ

Anh Đặng Khánh Duy cho biết, sau khi cải tiến thành công quy trình sản xuất, cho ra bánh tráng siêu mỏng đạt chất lượng theo yêu cầu, anh bắt đầu không ngừng mở rộng thị trường trong nước và bắt đầu xây dựng các quy trình đạt chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế để hướng đến xuất khẩu; trong đó đã xây dựng đạt tiêu chuẩn FSSC 22000 (Chứng nhận hệ thống an toàn thực phẩm được Tổ chức sáng kiến an toàn thực phẩm toàn cầu công nhận) và từ năm 2020 đến nay, Tân Nhiên là một trong những đơn vị có nhiều sản phẩm được chứng nhận OCOP, gồm bánh tráng siêu mỏng đạt 4 sao, bánh tráng sa tế đạt 3 sao, bánh tráng phô mai đạt 3 sao.

“Hiện nay dây chuyền sản xuất bánh tráng của Tân Nhiên có thể đáp ứng nhu cầu sản xuất từ 8 - 10 tấn sản phẩm/ngày. Các sản phẩm bánh tráng hiện được phân phối tại hầu hết các hệ thống siêu thị, các của hàng bán lẻ trong cả nước. Đáng chú ý, từ tháng 8/2020 đến nay, Tân Nhiên đã xuất khẩu sản phẩm đến thị trường Hàn Quốc và Đài Loan. Hiện Công ty đang xúc tiến việc xuất khẩu bánh tráng sang Mỹ, Úc, Nhật và đang thu được những tín hiệu khả quan", anh Đặng Khánh Duy cho biết thêm.

Hiện tại Công ty Tân Nhiên đang tạo việc làm cho trên 200 lao động, với mức lương trung bình từ 5 triệu đồng đến gần 20 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra công ty còn tích cực tham gia nhiều hoạt động công ít xã hội như trao quà cho bà con nghèo, học sinh nghèo hiếu học, trao vật tư y tế cho lực lượng tuyến đầu chống dịch COVID-19, gian hàng thực phẩm không đồng… với số tiền lên đến hàng tỷ đồng.

Nhờ vào sự nỗ lực không ngừng, anh Đặng Khánh Duy được công nhận là một trong những doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc năm 2019; Top 50 Thương hiệu mạnh quốc gia năm 2019; Bánh tráng Tân Nhiên đạt thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2020; Top 10 Doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc 2021; Giải thưởng Lương Định Của, Nhà nông trẻ tiêu biểu xuất sắc năm 2021; nhiều Bằng khen của UBND tỉnh Tây Ninh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…

Đánh giá các sản phẩm bánh tráng đạt chứng nhận OCOP của Công ty Tân Nhiên, ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh cho biết, chương trình OCOP là sân chơi lành mạnh, phát triển tiềm năng sản phẩm đặc trưng của địa phương, nâng cao lợi thế cạnh tranh từ chất lượng đến hình thức sản phẩm.

“Để sản phẩm được cấp chứng nhận OCOP, ngoài chất lượng từ bên trong như nguyên liệu sản xuất, công nghệ máy móc, quy trình giám sát chặt chẽ… thì còn yêu cầu bao bì, nhãn mác, thương hiệu. Việc các sản phẩm của Tân Nhiên được chứng nhận OCOP và nhiều chứng nhận khác không chỉ là một bước tiến quan trọng trong việc phát triển đặc sản địa phương lên một tầm cao mới, mà còn tạo ra sản phẩm chất lượng phục vụ phát triển du lịch địa phương”, ông Nguyễn Đình Xuân nhận định./.