Quảng cáo #128

Hà Tĩnh: Chủ tịch UBND tỉnh ký Công điện yêu cầu khắc phục hậu quả mưa lũ

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa có Công điện gửi lãnh đạo các sở, ngành, địa phương, công ty thủy lợi, chủ đầu tư các công trình xây dựng cơ bản về việc khắc phục hậu quả mưa lũ do ảnh hưởng của cơn bão Noru.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4, những ngày vừa qua tại tỉnh Hà Tĩnh có mưa to, có nơi mưa rất to. Lượng mưa đo được từ 19 giờ ngày 27/9 đến 7 giờ ngày 30/9 tại một số trạm khí tượng thủy văn phổ biến từ 200mm đến gần 500mm.

z3770030115341-d06c21af79ffc4ab8a6bf84b937ff23c-1664784516.jpg

Một số trường học tại huyện Hương Sơn bị ngập trong nước lũ.

Mưa lũ đã gây ngập lụt sâu kéo dài nhiều ngày trên địa bàn một số huyện Đức Thọ, Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang và Nghi Xuân.

Theo thống kê, đã có 2.000 nhà dân bị ngập lụt, nhiều tuyến giao thông trọng yếu bị sạt lở, một số cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn tỉnh hư hỏng.

Những ngày qua, khi lượng mưa giảm dần, các địa phương vùng bị ngập lũ đã chủ động huy động lực lượng tại địa phương khắc phục hậu quả sau mưa lũ, nước rút đến đâu dọn dẹp đến đó.

z3770030141608-347c25223596ea2e23f5fff793d8c370-1664784677.jpg
Người dân vùng ngập lụt tại huyện Đức Thọ tránh lũ tại ngôi nhà trí tuệ.

Người dân thôn Tiền Phong, xã Quang Vĩnh, huyện Đức Thọ tránh lũ tại nhà văn hóa cộng đồng - ngôi nhà trí tuệ.

Để kịp thời khắc phục hậu quả do mưa, lũ gây ra, sớm ổn định sản xuất và đời sống dân sinh, thực hiện Công điện số 875/CĐ-TTg ngày 30/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra để người dân không đánh bắt cá, vớt củi và các hoạt động nguy hiểm khác ở khu vực đang ngập lụt. Tuyệt đối không được để xảy ra tình trạng thiệt hại về người do bất cẩn, sơ suất, nếu địa phương nào để xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người do không tổ chức tuyên truyền, kiểm tra thì chủ tịch UBND địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.

z3770030107105-fbd2c080132621ca316a67a41badcba8-1664784704.jpg
Các lực lượng được huy động để khắc phục hậu quả mưa lũ.

Tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại nặng, nhất là gia đình có người bị thương, nhà bị tốc mái, hư hỏng và ngập lụt. Huy động nguồn lực tại chỗ hỗ trợ, giúp đỡ Nhân dân sửa chữa nhà cửa, dọn vệ sinh môi trường sau lũ, không để dịch bệnh bùng phát.

Rà soát các hộ dân đang ngập lụt, bị cô lập để tổ chức cứu trợ khẩn cấp lương thực, nước uống, nhu yếu phẩm cần thiết cho các hộ dân, nhất là các hộ ở vùng ngập sâu, bị cô lập, hộ gia đình khó khăn, bảo đảm không để người dân bị đói, rét, thiếu các nhu yếu phẩm cơ bản. Tiếp tục rà soát chủ động sơ tán các hộ dân ở khu vực có nguy cơ bị sạt lở, ngập lụt sâu để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân.

z3770030119529-b72d631f8be0f5f6b69d4deba20d730f-1664784770.jpg
Lực lượng Công an huyện Hương Sơn giúp các trường học bị ngập lũ giọn dẹp sau lũ.

Ngay sau khi nước rút, khẩn trương tổ chức đánh giá, kiểm đếm một cách khách quan, trung thực, chính xác thiệt hại do mưa, lũ gây ra; tập trung mọi nguồn lực kịp thời khắc phục nhanh các công trình hạ tầng thiết yếu, nhất là trường học, trạm y tế, hệ thống điện, nước sinh hoạt, công trình giao thông, thủy lợi, đê điều bị hư hỏng để sớm ổn định đời sống cho Nhân dân và tiếp tục ứng phó với các đợt thiên tai mới trong thời gian tới.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, Tỉnh đoàn, Sở Y tế chủ động liên hệ với UBND các huyện, thành phố, thị xã bị thiệt hại nặng để có kế hoạch cử cán bộ, chiến sĩ, các lực lượng xuống cơ sơ hỗ trợ, giúp bà con Nhân dân vùng bị thiệt hại tu sửa lại nhà cửa, vệ sinh môi trường sau lũ, kiểm soát chặt chẽ không để xảy ra dịch bệnh bùng phát sau lũ.

Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn cho học sinh và cơ sở vật chất, trang thiêt bị, đồ dùng học tập, hạn chế thiệt hại, bảo đảm cho học sinh có thể đi học trở lại ngay sau lũ.

Sở Giao thông vận tải chỉ đạo, hỗ trợ các địa phương trong công tác đảm bảo an toàn giao thông, khắc phục nhanh các tuyến giao thông bị sạt lở, nhất là trên các tuyến giao thông chính.

z3770030046201-4b722cb4b900097dc8bfa327c0ea6005-1664784848.jpg
Thực hiện Công điện của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, các địa phương khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ, sớm ổn định cuộc sống.

Công an tỉnh tổ chức lực lượng điều tiết, đảm bảo giao thông tại các tuyến đường bị ngập sâu, nghiêm cấm không cho các phương tiện, người qua lại khi chưa đảm bảo an toàn.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; UBND các huyện, thành phố, thị xã; các công ty TNHH MTV thủy lợi: Nam Hà Tĩnh, Bắc Hà Tĩnh cử cán bộ xuống cơ sơ, kiểm tra, rà soát các vùng bị ngập úng, diện tích cây trồng, vật nuôi bị thiệt hại, khẩn trương chỉ đạo và thực hiện các giải pháp khơi thông công trình, trục tiêu thoát lũ, kịp thời hạ thấp mực nước tại các vùng bị ngập sâu, các giải pháp khôi phục sản xuất, ổn định đời sống dân sinh.

UBND các huyện, thành phố, thị xã; các công ty TNHH MTV Thủy lợi: Nam Hà Tĩnh, Bắc Hà Tĩnh tổ chức thường trực vận hành an toàn các cống dưới đê, hồ đập; khắc phục những hư hỏng đảm bảo an toàn công trình trong mùa mưa, lũ.

Các chủ đầu tư xây dựng công trình XDCB tập trung rà soát ngay các công trình, hạng mục công trình đang thi công dang dở; đặc biệt là các cống dưới đê, đập, tràn xả lũ, có biện pháp khắc phục hư hỏng do mưa lũ, đồng thời có các giải pháp đảm bảo an toàn cho công trình.

Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; UBND các huyện, thành phố, thị xã theo chức năng, nhiệm vụ cử cán bộ trực tiếp xuống địa phương, cơ sở thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại, hỗ trợ Nhân dân ổn định đời sống, không để người dân bị thiếu đói; giúp đỡ, tu sửa lại các nhà dân bị hư hỏng, đặc biệt là các hộ nghèo, hộ chính sách; tổ chức kiểm tra, đánh giá mức độ thiệt hại về sản xuất để có kế hoạch hỗ trợ giúp người dân khôi phục sản xuất sau mưa lũ.

Nguyễn Duyên