Giảm thuế môi trường xăng dầu, ngân sách hụt thu hơn 32.000 tỷ đồng

Thông tin tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 4/7, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, sẽ tiếp tục căn cứ vào tình hình thực tế giá xăng dầu trong nước và thế giới sẽ có động thái điều chỉnh cho phù hợp.

Trong buổi Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6 vào chiều ngày 4/7, đặt câu hỏi với Bộ Tài chính, báo chí cho biết có ý kiến cho rằng việc giảm thêm 1.000 đồng thuế bảo vệ môi trường với xăng có vẫn là quá ít? Đâu là giải pháp kiềm chế giá xăng dầu đang không ngừng tăng hiện nay?

Trả lời vấn đề này, theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, ngay trong ngày 4/7, sau khi Chính phủ thông qua Nghị quyết, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã ký tờ trình trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn.

bd8636696098a3c6fa89-16569381965681587066017-1656943062.jpg
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi. Ảnh VTV.

Theo tờ trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ điều chỉnh giảm mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn trong khung thuế đến hết ngày 31/12/2022. Cụ thể:

- Xăng: Giảm từ 2.000 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít.

- Nhiên liệu bay: Giảm từ 1.500 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít.

- Dầu diesel: Giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 500 đồng/lít.

- Dầu mazut, dầu nhờn: Giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít.

- Mỡ nhờn: Giảm từ 1.000 đồng/kg xuống mức sàn 300 đồng/kg.

- Dầu hỏa: Giữ mức 300 đồng/lít vì đây là mức sàn trong khung mức thuế.

Đồng thời, Bộ Tài chính chuẩn bị các phương án khác trong các chính sách thuế đối với mặt hàng xăng, dầu, gồm cả thuế nhập khẩu, thuế GTGT, thuế tiêu thụ đặc biệt…

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nói: “Chúng tôi đang nghiên cứu để báo cáo các cấp thẩm quyền, từ đó chúng ta căn cứ vào diễn biến của giá xăng dầu thế giới và diễn biến của giá xăng dầu Việt Nam ở từng thời điểm từ nay đến cuối năm đưa ra những chính sách điều chỉnh cho phù hợp nhằm mục tiêu ổn định giá xăng dầu trong nước, hỗ trợ cho nền kinh tế, cho sản xuất và tiêu dùng”.

Theo ước tính của Bộ Tài chính, nếu sản lượng tiêu thụ xăng dầu vẫn giữ như hiện nay, thì khi chính sách này được áp dụng từ 1/8/2022, ước giảm thu ngân sách nhà nước từ việc giảm thuế bảo vệ môi trường và thuế GTGT khoảng 7.000 tỷ đồng. Cộng thêm việc chúng ta đang áp dụng 2 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu từ đầu năm nay, thu ngân sách nhà nước giảm thêm 25.538 tỷ đồng.

Tổng thu ngân sách Nhà nước sau khi thực hiện tất cả các giải pháp nêu trên ước giảm 32.538 tỷ đồng trong năm 2022.

Anh Vân (t/h)