Tiết kiệm năng lượng được hiểu là sử dụng một cách tiết kiệm, vừa đủ và hiệu quả nguồn năng lượng. Tiết kiệm năng lượng giúp giảm tải chi phí phải chi trả cho người sử dụng, bảo vệ môi trường, về lâu về dài sẽ giúp bảo vệ tài nguyên, phát triển kinh tế quốc gia. Tại chương trình CafeTech lần II năm 2023, có các câu hỏi được đặt ra: Tại sao phải tiết kiệm năng lượng?; Giải pháp số hóa và tiết kiệm năng lượng cho nhà máy sản xuất cơ khí như thế nào? đã được các diễn giả chia sẻ, thảo luận ở nhiều góc độ khác nhau.
Ông Nguyễn Ngọc Chánh - Giám đốc Camelia Co., LTD chia sẻ: “Để tiết kiệm được năng lượng cho nhà máy cần phải đo lường và phân tích dữ liệu tiêu thụ điện năng trực tiếp của các cụm thiết bị chức năng của máy gia công cơ khí theo thời gian thực. Từ đó, dựa vào đường đặc tinh tải và thời gian tải có được để xác định hiệu quả sử dụng năng lượng của thiết bị và máy móc. Đồng thời, xác định chiến lược điều khiển thiết bị và máy móc nhằm tăng hiệu suất và hiệu quả sử dụng điện năng. Phạm vi kiểm soát năng lượng thông qua: Hệ thống kiểm soát năng lượng; Toàn nhà máy sản xuất; Trên một dây truyền sản xuất; Tại một khu vực sản xuất; Tại một vị trí máy móc thiết bị”.
“Qúa trình đo lường và phân tích sẽ giám sát và tiết kiệm được chi phí sử dụng điện năng trong toàn nhà máy sản xuất; Tăng tuổi thọ máy móc thiết bị vì giảm thời gian vận hành, dự đoán được công tác bảo trì; Giảm chi phí vật tư tiêu hao sử dụng để vận hành máy do thời gian vận hành ít hơn; Dự đoán được tình trạng máy nên tránh hư hỏng bất thường và giảm chi phí bảo trì máy; Góp phần giảm lượng khí thải carbon, giúp bảo vệ môi trường và tài nguyên; Giúp phát hiện thời gian chờ trong sản xuất, từ đó cải tiến quy trình và công nghệ sản xuất”, ông Nguyễn Ngọc Chánh cho biết thêm.
“Lộ trình triển khai gồm 5 bước: Lắp đặt thiết bị giám sát và đo lường điện năng; Phân tích dữ liệu và triển khai phương pháp tiết kiệm năng lượng; Theo dõi, đánh giá, tối ưu giải pháp tiết kiệm năng lượng; Sử dụng dữ liệu phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh; Chuyển tiếp toàn diện nên chuyển đổi số cho doanh nghiệp. Mỗi bước trong lộ trình này giúp cho doanh nghiệp có được những hiểu biết giá trị từ những bất thường; Giảm lãng phí; Tối ưu hóa năng lượng thông qua điều khiển thông minh; Hoạch định các nguồn lực để tăng hiệu quả tạo ra; Tạo ra giá trị mới cho doanh nghiệp. Đây là bước đệm trong chuyển đổi số toàn diện giúp doanh nghiệp tạo bước phát triển đột phá và bền vững; Giảm chi phí vận hành, tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh”, ông Nguyễn Ngọc Chánh nhấn mạnh.
Ông Vũ Tùng Lâm - Cố vấn cao cấp Công ty Cổ phần Digiwin Software chia sẻ góc nhìn về việc áp dụng số hóa đối với doanh nghiệp: “Hiện nay, các doanh nghiệp đang phải đối mặt với các vấn đề trong quản lý sản xuất như không thể nắm bắt tình trạng sản xuất của thiết bị; Không thể đánh giá chính xác năng suất nhân viên và khó khăn sắp xếp nhân lực; Thông tin sản xuất và báo cáo phân tích chưa kịp thời và không đầy đủ. Phần mềm AloT Cloud sẽ giải quyết được những vấn đề về kiểm soát và giảm thiểu các nguồn năng lượng dư thừa trong sản xuất”.
“Thực tế ứng dụng vào doanh nghiệp sản xuất cơ khí cho thấy hiệu quả sau khi triển đó là tăng tỷ lệ sử dụng thiết bị: Giám sát sản xuất thông qua OT, giúp xử lý kịp thời bất thường và sắp xếp sản xuất, từ đó cải thiện tỷ lệ sử dụng thiết bị; Cải thiện tính kịp thời của thông tin sản xuất: Thông qua thiết bị di động báo cáo tiến độ tức thời, thì dù cho nhà máy sản xuất 24/24, cấp quản lý cũng có thể nắm bắt kịp thời tình hình sản xuất và năng suất của nhân viên; Tăng hiệu quả sản xuất: Thông qua việc tích hợp IT+OT, cho phép nắm bắt quy trình sản xuất mọi lúc, mọi nơi, nâng cao hiệu quả lập kế hoạch cũng như hiệu quả sản xuất. Thông qua việc phân tích các nguyên nhân không hoạt động của máy, Ruichen có thể kiểm soát tình trạng hoạt động thiết bị, từ đó đưa ra các kế hoạch cải tiến”. ông Vũ Tùng Lâm nói thêm.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng Quốc Huy - Giám đốc An Trí Việt Technology Electrical Automation Co., LTD nhấn mạnh về vai trò của Tự động hóa trong chuyển đổi số: “Tự động hóa trong quản lý và điều hành giúp cho doanh nghiệp đánh giá năng suất thiết bị, con người dựa trên dữ liệu thực và tức thời; Tính toán giá thành dựa trên dữ liệu chính xác, tăng cường cường độ quản lý về chi phí sản xuất; Phân tích dữ liệu máy móc để xác định nút thắt cổ chai trong sản xuất và tìm phương án khắc phục từ việc điều hành hay củng cố về kỹ thuật; Cảnh báo khi có giờ công bất thường, nhắc nhở quản lý sản xuất và quản đốc đi kiểm tra và xử lý kịp thời, ngăn chặn tổn thất kéo dài; Nâng cao hiệu suất sắp lịch sản xuất, giảm tỷ lệ để mãy nhàn rỗi; Phân công công việc hợp lý dựa vào giờ máy”.
Thực tế cho thấy, chi phí sử dụng năng lượng chiếm một phần khá lớn trong tổng chi phí đầu vào hàng tháng của mỗi doanh nghiệp. Việc sử dụng hiệu quả các thiết bị máy móc trong quy trình sản xuất qua việc được số hóa trong một nhà máy có thể tiết kiệm từ 5 - 30% hóa đơn tiền điện tùy theo máy móc, thiết bị của từng doanh nghiệp. Đặc biệt, trong thời điểm hiện tại, các loại nguyên liệu như xăng dầu, điện có giá tăng “phi mã”. Việc sử dụng tiết kiệm nguồn năng lượng sẽ ít bị ảnh hưởng mỗi khi thị trường tăng giá nguyên liệu.
Theo các chuyên gia, trong những năm tiếp theo, các nguyên liệu ngày càng khan hiếm, thị trường biến động sẽ làm cho giá nguyên liệu tăng giảm liên tục. Tiết kiệm năng lượng chính là cách giúp doanh nghiệp không bị phụ thuộc nhiều về thang giá nhiên liệu.
Với những thông tin hữu ích nói trên từ các diễn giả, có thể nói, lợi ích của doanh nghiệp khi số hóa được quy trình sản xuất là rất lớn, việc số hóa sẽ tiết kiệm năng lượng cho nhà máy trong quá trình sản xuất. Nhưng bài toán số hóa đối với mỗi doanh nghiệp sản xuất trong từng ngành nghề khác nhau đòi hỏi lãnh đạo các doanh nghiệp cần có tư duy, tầm nhìn cùng sự hỗ trợ kịp thời của nhà nước về nguồn vốn đầu tư và công nghệ mới có thể đẩy nhanh được quá trình số hóa trong thời gian tới./.
Theo ông Lê Minh Trung - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển Doanh nghiệp Thành phố (CSED) đã chia sẻ các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp năm 2023 đã được UBND Thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt và đang triển khai đến các doanh nghiệp trên địa bàn.
Đồng thời, cũng trong khuôn khổ chương trình CafeTech lần II năm 2023 đã diễn ra Lễ ký kết hợp tác về việc triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp năm 2023 giữa Trung tâm Hỗ trợ & Phát triển Doanh nghiêp Thành phố (CSED) với các Hiệp hội, Hội ngành nghề, và ký kết hợp tác giữa các doanh nghiệp với nhau.