Bình Thuận:Con đường in dấu chân "Người"

Nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5/1890 – 19/05/2023. Tìm hiểu về cuộc đời hoạt động của Người để ghi dấu lòng tôn kính vô hạn. Phan Thiết là nơi Bác dừng chân dạy học trước khi ra đi tìm đường cứu nước. Nhiều địa danh Bác đã đến và đi qua vẫn còn là di tích. Con đường Nước nối liền từ Phan Thiết đến Hàm Hiệp, Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận là địa danh như thế!

Tôi có nhiều bài viết khảo cứu, nghiên cứu về Bác Hồ dạy học và hoạt động ở Phan Thiết như: “Xuân Phong in dấu chân Người”, “Kể chuyện cây khế Bác Hồ”, “Cây trường xanh của Bác Hồ”, “Phú Hội – Đại Nẫm, nơi Bác Hồ dừng chân dạy học”, “Thầy giáo Nguyễn Tất Thành và cây trường xanh Phú Hội”… nội dung trong những bài viết, tôi thường đề cập đến con đường Nước – đường có con mương như suối nước được dẫn nước từ miền núi về thị xã để làm nước sinh hoạt. Con đường này được Pháp khai đất và xây dựng từ những ngày đầu Pháp xâm lược Việt Nam năm 1887.

Con đường này điểm đầu từ Ga Phú Hội, xã Hàm Hiệp, huyện Hàm Thuận Bắc, điểm cuối là hồ chứa nước Phan Thiết, phường Phú Trinh, thành phố Phan Thiết. Con đường có chiều dài gần 03 km, tương đối thẳng, ngày xưa nhìn thông thương xuyên suốt từ điểm đầu đến điểm cuối, đi qua các địa phương Phú Hội, Đại Nẫm, Đại Thiện, Đại Tài, Phú Trinh, Phan Thiết, Bình Thuận.

duong-di-1684417661.jpg
Con đường Nước đã được bê tông sạch đẹp.

Đường Nước có con mương nước rộng hơn 02 mét, hai bên là đường giao thông bằng đất, mỗi bên rộng hơn 03 mét, tạo thành hai dãy mô rất cao, hơn mặt ruộng như vành đai chiến sự. Do vậy, con đường này có tên là đường Nước, ngoài đường Nước, không còn con đường nào khác để phục vụ việc đi lại lưu thông của người dân từ vùng thành thị đến nông thôn và miền núi. Hiện nay, việc giao thông tại địa phương này có rất nhiều đường rộng, đẹp, sang trọng như đường Hải Thượng Lãn Ông, đường Đặng Văn Lãnh, đường Tàu hỏa, đường sông Cà Ty, đường liên xã Hàm Liêm, Hàm Hiệp…

Những năm về Phan Thiết dạy học và hoạt động tìm đường cứu nước, thầy giáo Nguyễn Tất Thành thường đi trên con đường này để tìm hiểu cuộc sống người dân và cách cai trị của thực dân Pháp, thầy giáo Nguyễn Tất Thành giao lưu từng người lao động, dân cày, nông dân ngoài đồng ruộng, thầy giáo Nguyễn Tất Thành tìm hiểu, liên lạc với người dân Nghệ Tĩnh, với sĩ phu yêu nước về Bình Thuận ẩn cư tại các vùng nông thôn mở trường dạy học, liên lạc hoạt động cách mạng.

anh-duong-1684417970.jpg
Con đường Bác đã đi năm xưa.

Con đường Nước đưa thầy giáo Nguyễn Tất Thành về dạy học ở các trường làng xưa như trường của nhà hoạt động cách mạng yêu nước Lê Trọng Thiều tại Đại Thiện, Hàm Hiệp, Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận.

Từ trường Dục Thanh, Phan Thiết, thầy giáo Nguyễn Tất Thành đi qua đò Văn Thánh, sông Cà Ty, theo đường mòn chợ Gò, Phú Trinh, nay là đường Yersin ra đến đường Lương Ngọc Quyến, nay là đường Nguyễn Hội theo lối mòn đường làng Xuân Phong, Trinh Tường, Phan Thiết về nông thôn xóm Cây Thị, tại đây thầy giáo Nguyễn Tất Thành giao lưu với trường làng Xuân Phong, theo đường Nước về Phú Hội dạy học tại trường làng của thầy giáo Lê Trọng Thiều.

Cơ sở cách mạng ươm mầm đầu tiên cơ sở của Đảng tại Bình Thuận ra đời tại đây, trường làng Phú Hội, nơi thầy giáo Nguyễn Tất Thành dừng chân dạy học.

Đường Nước bị bỏ quên trong bùn sình loang lổ, gập ghềnh khi xưa bây giờ đã được bê tông cao ráo, sạch sẽ và rộng rãi ưu điểm tiêu chí nông thôn mới. Tôn tạo nét đẹp văn hóa, lưu kỷ niệm dấu chân Người, con đường Nước năm xưa, bây giờ đã sạch đẹp như vô vàn con đường Bác đi, Bác dẫn dắt con cháu Việt Nam đi đều đẹp, rực rỡ và vinh quang!./.

Lý Nam