Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người sáng lập và chỉ đạo Báo chí Cách mạng Việt Nam

Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6) là ngày để tri ân và tôn vinh những nhà báo đã đóng góp tâm sức để đem đến cho độc giả những bài báo hay, đóng góp công sức vào công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Mời bạn đọc cùng Doanh nghiệp và Kinh tế xanh tìm hiểu qua bài viết dưới đây để biết nguồn gốc, lịch sử phát triển của Ngày Báo chí.

Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 2022 là ngày nào?

Ngày 21/6 hằng năm được chọn là ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, như vậy, ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam năm 2022 sẽ rơi vào thứ Ba ngày 21 tháng 6 năm 2022.

Đây được xem là ngày “Tết” của những người làm báo, là dịp để ngững người làm báo trong cả nước nhìn lại những thành tựu, để thêm tự hào và niềm tin, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp báo chí cách mạng. Bên cạnh đó, đây cũng là ngày để các nhà báo Việt Nam rút ra những kinh nghiệm, kiểm điểm lại xem có những khuyết điểm, thiếu sót gì để khắc phục. Ngoài ra đây cũng là dịp để kỷ niệm, tri ân đội ngũ nhà báo, phóng viên, biên tập viên đã cống hiến trí tuệ, tâm sức để cho ra đời những bài báo hay, sự kiện nóng hổi, chân thật.

Nguồn gốc ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Người sáng lập ra Báo Thanh niên ra số đầu tiên

Những năm đầu thế kỷ 20, theo xu hướng của thời đại, nhiều người Việt Nam đã xuất bản hàng loạt tờ báo thuộc nhiều khuynh hướng chính trị khác nhau. như Gia Định báo (số ra năm 1890), Phụ nữ Tân văn, Phong Hóa, Lục tỉnh Tân văn, Trung Bắc Tân văn, Đại Việt tạp chí, Đông Thanh tạp chí, Khai Hóa nhật báo, Đuốc Tuệ… Tuy lúc này, trên đất Việt Nam có nhiều tờ báo nhưng do chưa có một tổ chức đứng đầu, cho nên nhiều nhà văn, nhà báo, nhà trí thức không thể tập hợp vào chung một tổ chức thống nhất.

Đến ngày 21/6/1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã sáng lập ra tờ báo “Thanh niên” và cho ra mắt số đầu tiên. Đây là sự kiện đánh dấu việc hình thành dòng báo chí cách mạng Việt Nam. Cũng từ đó, Báo chí Việt Nam đã giương cao ngọn cờ cách mạng, nói lên ý chí, khát vọng của dân tộc Việt Nam. Đồng thời chỉ rõ phương hướng đấu tranh của nhân dân Việt Nam là vì độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.

Nhằm nâng cao vai trò và trách nhiệm xã hội của báo chí, Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã ra Quyết định số 52 ngày 5/2/1985 lấy ngày 21/6 hằng năm làm Ngày báo chí Việt Nam.

Và đến ngày 21/6/2000, nhân kỉ niệm 75 năm Ngày báo chí Việt Nam, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đồng ý gọi Ngày báo chí Việt Nam là Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Ý nghĩa ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam

Theo Chỉ thị số 08 CT/TW ngày 31-3-1992 của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về tăng cường năng lực lãnh đạo và quản lý nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác báo chí, xuất bản, Đảng ta đã khẳng định: “Báo chí vừa là tiếng nói của Đảng, của nhà nước, của đoàn thể, vừa là diễn đàn của nhân dân”.

Người làm báo phải luôn giữ “Mắt sáng - lòng trong - bút sắt” để phản ánh chân thực nhất đời sống, mang đến những thông tin chính xác, đa chiều tới độc giả – xã hội. Từ đó có thể thấy được vai trò to lớn của báo chí trong việc tuyên truyền, phổ biến đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đồng thời là vũ khí sắc bén chống lại các thế lực thù địch và cũng là tiếng nói của các tầng lớp nhân dân, đấu tranh chống tiêu cực bảo vệ lợi ích của nhân dân.

Đối với các đội ngũ làm báo, ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6 mang một ý nghĩa quan trọng và to lớn. Trong dịp này, các nhà báo có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng trong một năm đã qua sẽ được vinh danh. Ngoài ra, các tòa soạn và cơ quan báo chí trên cả nước cũng có nhiều hoạt động khác.

Và với những độc giả, ngày 21/6 là dịp để gửi chúc mừng đến những người làm báo chí cách mạng và tri ân sự đóng góp của họ cho nên báo chí nước nhà.

Kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2022): Học và làm theo phong cách báo chí Hồ Chí Minh

Hồ Chí Minh Không chỉ là người khai sinh ra nền báo chí cách mạng Việt Nam mà còn tực tiếp chỉ đạo vì Người chính là một nhà báo vĩ đại ở mọi thời đại. Người luôn coi báo chí và những người làm báo là một bộ phận của sự nghiệp cách mạng của Đảng, là vũ khí sắc bén. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, báo chí vừa là bộ phận cấu thành của văn hóa vừa là phương tiện xây dựng, truyền bá và thực thi văn hóa, luôn là vũ khí sắc bén có vai trò xung kích trong công tác tư tưởng. Bác Hồ đã “Việt Nam hóa” vai trò của báo chí cách mạng Việt Nam và cụ thể hóa yêu cầu để báo chí làm tròn nhiệm vụ tuyên truyền, tổ chức, hướng dẫn nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Theo Hồ Chí Minh, nhiệm vụ của tờ báo là tuyên truyền, cổ động, huấn luyện, giáo dục và tổ chức dân chúng, để đưa dân chúng đến mục đích chung. Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng, để thực hiện nhiệm vụ trọng đại ấy, nhà báo phải có đủ phẩm chất của người cán bộ cách mạng, tức là người đi tuyên truyền, giáo dục, giác ngộ người khác và trước hết phải làm gương cho người khác. Người từng nói “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn hàng trăm bài diễn văn tuyên truyền”, nên cũng đòi hỏi người làm báo khi nói đến “cần, kiệm, liêm, chính”, trước hết mình phải “cần, kiệm, liêm, chính”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết: “Đối với những người viết báo chúng ta, cái bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng để động viên quần chúng đoàn kết, đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới” và “Cán bộ báo chí cũng là chiến sỹ cách mạng”. Người chỉ rằng: “Viết phải đúng sự thật, không được bịa ra”; không nên nói ẩu”; “Không biết rõ, hiểu rõ, chớ nói, chớ viết… chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết”, “Người không có đạo đức tốt thì không thể là nhà báo tốt”.

Không những sáng lập nền báo chí cách mạng Việt Nam, Bác Hồ còn để lại cho chúng ta một di sản báo chí vô cùng quý báu với những lời chỉ dẫn có giá trị, được coi là hệ tư tưởng của Hồ Chí Minh đối với nghề báo và người làm báo. Người quan niệm, viết báo và làm báo là “công tác cách mạng” để “phụng sự Tổ quốc”, “phụng sự nhân dân”, “phụng sự giai cấp và nhân loại”.

Cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn liền với nhiều bài báo cách mạng. Người coi báo chí vừa là phương tiện đưa chủ trương đường lối của Đảng đến người dân hiệu quả nhất, vừa làm vũ khí đấu tranh với thù trong giặc ngoài. Bác đã viết hàng nghìn bài báo, với hàng trăm bút danh, nội dung đều toát lên tính trung thực, phản ánh đúng hiện thực khách quan, phân biệt rõ đúng sai, không phiến diện, một chiều. Người nêu rõ: “Không nên chỉ viết cái tốt mà giấu cái xấu. Nhưng phê bình phải đúng đắn. Nêu cái hay, cái tốt phải có chừng mực, chớ phóng đại. Có thế nào nói thế ấy. Bộ đội và nhân dân ta cũng có nhiều cái hay để nói lên, không cần phải bịa đặt ra”; cho rằng “cái việc ấy ở đâu, thế nào, ngày nào, nó sinh ra thế nào, phát triển thế nào, kết quả thế nào”. Đây chính là cái gốc của một nhà báo cách mạng, với phẩm chất cao quý đạo đức nghề nghiệp của người làm báo chân chính.

Khi cầm bút, nhà báo phải phản ánh trung thực, khách quan sự vật, hiện tượng, sự kiện. Cái khó của người làm báo là ở chỗ đó, vì “Viết phải thiết thực, nói có sách, mách có chứng... chống tham ô, lãng phí, thì nêu rõ ai tham ô? Ai lãng phí? Lãng phí cách nào? Ngày tháng nào?... Chớ có viết lung tung”. Người nhấn mạnh: “Đối tượng của tờ báo là đại đa số dân chúng”. Cho nên, cách viết bài báo phải đơn giản, dễ hiểu, ngôn ngữ phải trong sáng, tránh dùng từ nước ngoài; nhà báo phải biết chọn lựa những nội dung gì nên viết, cái gì không nên viết. Viết phục vụ nhân dân thì nhất định phải chọn cái gì có lợi cho dân và phục vụ cách mạng. Bác căn dặn: Nhà báo cũng từ nhân dân mà ra, là con em của nhân dân, được ăn học chu đáo; đi nhiều, biết nhiều nhưng không vì thế mà nói, viết những điều “cao siêu, to tát” làm cho người dân không hiểu hoặc hiểu sai.

Trong viết báo, Hồ Chí Minh có lối hành văn ngắn gọn, cô đọng, súc tích. Tuy nhiên, ngắn gọn không có nghĩa là “cụt lủn” mà là “gọn gàng, sáng sủa, mạch lạc, có đầu, có đuôi, có nội dung thiết thực, thấm thía, chắc chắn”, “chớ lạm dụng chữ”, “đánh đố quần chúng”, “sao cho mỗi đồng bào, mỗi chiến sĩ đều đọc được, hiểu được, nhớ được, làm được”, “cần tuyệt đối tránh viết dài mà sáo rỗng”... Ðặc tính ngắn gọn, hàm súc trong các bài nói, bài viết của Bác Hồ kế thừa và phát triển phong cách hiền triết phương Ðông - ghi ít, nhớ nhiều, ý tại ngôn ngoại.

Theo Người, “Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Cho nên các báo chí của ta đều phải có đường lối chính trị đúng”.

Học tập và làm theo phong cách báo chí Hồ Chí Minh là yêu cầu hết sức quan trọng đối với các cơ quan báo chí và đội ngũ nhà báo. Làm tốt điều này, không chỉ góp phần xây dựng đội ngũ nhà báo vững mạnh, mà còn mang lại những món ăn, tinh thần bổ ích, tiếp tục làm tốt sứ mệnh cao cả là tiếng nói của Ðảng, Nhà nước và là diễn đàn của nhân dân.

Những thành quả đã đạt được và phương hướng khắc phục các hạn chế còn tồn tại của báo chí trong giai đoạn mới

Bên cạnh việc báo chí đã đạt được nhiều thành quả, đội ngũ những người làm báo trong cả nước đã trưởng thành, vững vàng, tự tin làm chủ công nghệ, vận dụng kinh nghiệm thực tiễn cuộc sống và nền tảng lý luận, tạo nên những tác phẩm báo chí xuất sắc, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Đã xuất hiện không ít tấm gương nhà báo, hội viên trong sáng về đạo đức, tinh thông về nghiệp vụ, lao động cần cù, sẵn sàng hy sinh, cống hiến vì lợi ích của nhân dân, của đất nước. Tuy nhiên, cùng với các thành tựu, do tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường thời mở cửa, hội nhập nên hoạt động báo chí vẫn còn một số tồn tại, bất cập. Đã xuất hiện nhiều biểu hiện tiêu cực trong hoạt động báo chí diễn ra dưới nhiều phương thức, thủ đoạn hết sức tinh vi, lách luật, đối phó với các biện pháp quản lý của các cơ quan chức năng nhằm mục đích không trong sáng. Biểu hiện dễ nhận thấy là những bài báo giật gân, câu khách, chú trọng tới việc miêu tả rùng rợn, ly kỳ, dung tục, kích thích những thị hiếu thấp kém. Quá trình thương mại hóa báo chí dẫn đến quá trình tầm thường hóa báo chí, còn được gọi là báo chí lá cải. Những biểu hiện tiêu cực diễn ra do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Nguyên nhân khách quan quan trọng nhất chính là nền kinh tế thị trường ảnh hưởng mạnh mẽ đến đạo đức nhà báo trong điều kiện thu nhập của nhà báo không tăng. Bên cạnh đó, hành lang pháp lý cho hoạt động báo chí còn nhiều kẽ hở khiến cho những vi phạm trong đạo đức nghề báo chưa được kiểm soát chặt chẽ. Về nguyên nhân chủ quan, đó là sự thiếu bản lĩnh chính trị và văn hóa, thiếu tu dưỡng và sự rèn luyện đạo đức thường xuyên của một bộ phận nhà báo; thiếu kiến thức cơ bản về nghiệp vụ báo chí.

Để góp phần khắc phục những tồn tại, hạn chế này, Luật Báo chí và 10 Điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam ra đời đã được giới báo chí và cuộc sống đón nhận. Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam phù hợp với Luật Báo chí 2016 đã càng ngày càng đi vào đời sống báo chí, truyền thông và cuộc sống xã hội hiện nay, nâng cao trình độ và trách nhiệm của người làm báo trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Đỗ Quý Thích