Hành động để chấm dứt sử dụng nhựa vì sức khỏe của con người và Trái đất

Chủ đề Ngày Trái đất năm 2024 là “Planet vs. Plastics" (Hành tinh và Nhựa) kêu gọi các quốc gia giảm 60% sản lượng tất cả các loại nhựa vào năm 2040, hướng đến chấm dứt sử dụng nhựa vì sức khỏe của con người và Trái đất.

Ngày Trái Đất là thời điểm để mọi người hưởng ứng các phong trào bảo vệ môi trường, ngăn chặn các thảm họa do biến đổi khí hậu gây ra trên toàn thế giới. Chủ đề của Ngày Trái Đất năm 2024 là "Hành tinh và Nhựa".

ngay-trai-dat-01-1713792063.jpg
Chủ đề của Ngày Trái đất 2024 là "Hành tinh và Nhựa". (Ảnh: Freepik)

Mỗi năm thế giới sản xuất 400 triệu tấn nhựa

Ngày 22/4, hàng triệu người trên khắp thế giới sẽ cùng nhau kỷ niệm Ngày Trái đất. Đây là sự kiện thường niên nhằm kêu gọi cộng đồng cùng nhau dọn dẹp và bảo tồn Trái đất - nơi sinh sống của khoảng 8 tỉ người và hàng nghìn tỉ sinh vật khác.

Từ năm 2009 ngày 22/4 được Đại hội đồng Liên hợp quốc chọn là Ngày Trái đất. với mong muốn khuyến khích tất cả mọi người trên thế giới hiểu về tầm quan trọng và chung tay bảo vệ các giá trị của Trái đất. Hiện các nước trên thế giới đang nỗ lực chấm dứt việc sử dụng nhựa, giảm thiểu tác hại mà ô nhiễm nhựa gây ra cho sức khỏe con người, động vật và đa dạng sinh học.

ngay-trai-dat-03-1713792045.jpg
Mỗi năm thế giới sản xuất 400 triệu tấn nhựa, ước tính khoảng 79% thải ra bãi rác/bãi chôn lấp hoặc thải ra môi trường. (Ảnh minh họa)

Nghiên cứu của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) cho thấy mỗi năm thế giới sản xuất 400 triệu tấn nhựa, ước tính khoảng 79% thải ra bãi rác/bãi chôn lấp hoặc thải ra môi trường, 12% đốt tại các lò rác và chỉ 9% được tái chế. Với mức tiêu thụ nhựa như hiện nay và hiện trạng quản lý chất thải nhựa không được cải thiện, UNEP đồng thời đưa ra nhận định đến năm 2050, trên thế giới sẽ có khoảng 12 tỷ tấn rác thải nhựa bị thải ra, gây ra ô nhiễm môi trường.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, chỉ số tiêu thụ nhựa trên đầu người của Việt Nam tăng rất nhanh, từ 3,8 kg/năm/người năm 1990 lên 41 kg/năm/người vào năm 2015 và hiện nay khoảng 54 kg/năm/người.

Việt Nam hành động giảm thiểu chất thải nhựa, ô nhiễm nhựa

Nhận thức rõ tác hại của chất thải nhựa đến môi trường và sức khỏe con người, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách, tham gia nhiều diễn đàn và đẩy mạnh hợp tác quốc tế thể hiện sự chủ động và khẳng định quyết tâm giảm thiểu chất thải nhựa, ô nhiễm nhựa.

Cụ thể ngày 4/12/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1746/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030.

Mục tiêu cụ thể của Kế hoạch là đến năm 2030, giảm thiểu 75% rác thải nhựa trên biển và đại dương; 100% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom, chấm dứt việc thải bỏ ngư cụ trực tiếp xuống biển; 100% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni-lông khó phân hủy; 100% các khu bảo tồn biển không còn rác thải nhựa...

Triển khai Kế hoạch, ngày 2/7/2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Quyết định số 1462/QĐ-BTNMT chính thức phê duyệt, triển khai Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam”. Dự án do Bộ Môi trường, Bảo tồn Thiên nhiên và An toàn Hạt nhân Cộng hòa Liên bang Đức thông qua Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) tài trợ. Dự án được triển khai ở cấp Trung ương và 10 tỉnh/thành phố, quận (huyện)/thị xã gồm: Hà Tĩnh, Đồng Hới (Quảng Bình), A Lưới (Thừa Thiên - Huế), Đà Nẵng, Cù Lao Chàm (Quảng Nam), Tuy Hòa (Phú Yên), Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), Tân An (Long An), Rạch Giá và Phú Quốc (Kiên Giang).

Dự án được kỳ vọng góp phần giảm ô nhiễm rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam thông qua việc hỗ trợ xây dựng các văn bản hướng dẫn để thực hiện các chính sách ưu tiên liên quan đến chất thải nhựa, các hoạt động truyền thông, tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức của cộng đồng, thay đổi hành vi đối với chất thải nhựa. Cùng với đó là nâng cao năng lực cán bộ về quản lý các hoạt động về rác thải nhựa.

ngay-trai-dat-02-1713792145.jpg
Hàng triệu người trên khắp thế giới cùng nhau kỷ niệm Ngày Trái đất 2024 với chủ đề "Hành tinh và Nhựa". (Ảnh: Vecteezy)

Tại Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Davos Thụy Sĩ (năm 2019), Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Việt Nam và đại diện Diễn đàn Kinh tế thế giới đã ký kết Ý định thư liên quan xử lý rác thải nhựa, xây dựng nền kinh tế tuần hoàn với nội dung hỗ trợ Việt Nam tham gia sáng kiến Chương trình đối tác hành động toàn cầu về nhựa. Thực hiện Chương trình này, Đề án “Tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa tại Việt Nam” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2021. Ngày 19/11/2021, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Quyết định số 2268/QĐ-BTNMT về việc thành lập Nhóm công tác triển khai Chương trình đối tác hành động quốc gia về nhựa (NPAP) tại Việt Nam.

Ngày 7/3/2024, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành đã ký Quyết định số 538/QĐ-BTNMT của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Ban hành Kế hoạch triển khai các hoạt động thực hiện nhiệm vụ "Chương trình đối tác hành động quốc gia về nhựa (NPAP) và tham gia các diễn đàn quốc tế về rác thải nhựa năm 2024"...

Ngày Trái đất năm 2024 tập trung vào mối đe dọa mà nhựa gây ra cho môi trường của chúng ta, với chủ đề "Planet vs Plastic" (Hành tinh chống lại Nhựa), đặt mục tiêu giảm 60% sản lượng nhựa vào năm 2040 và cuối cùng là xây dựng một tương lai không có nhựa cho các thế hệ mai sau./.

Trọng Bình