Đông Triều (Quảng Ninh): Phát triển đô thị gắn với bảo vệ môi trường

Hoạt động sản xuất, kinh doanh trên nhiều lĩnh vực hiện gây sức ép không nhỏ đối với công tác bảo vệ môi trường, nhất là ở đô thị. Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, chung tay của các địa phương, đơn vị, người dân, công tác này đã đạt những kết quả quan trọng.
dt1-1673481672.jpg
Công ty CP Gốm Đất Việt (TX Đông Triều) có nhiều giải pháp bảo vệ môi trường trong sản xuất gạch, ngói

TX Đông Triều có ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng phát triển. Thời gian qua, các đơn vị sản xuất trên địa bàn đã có nhiều giải pháp bảo vệ môi trường trong sản xuất. Công ty CP Gốm Đất Việt (trụ sở ở phường Tràng An) là cánh chim đầu đàn ngành công nghiệp sản xuất gạch, ngói của thị xã. Đơn vị đã liên tục ứng dụng công nghệ tiên tiến nhất vào sản xuất nhằm giảm tối đa tác động đến môi trường, xây dựng cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, tạo môi trường làm việc tốt cho người lao động.

Ông Phạm Trọng Tiệp, Phó Tổng Giám đốc Công ty, cho biết: Mỗi khâu trong dây chuyền sản xuất các sản phẩm của Công ty đều vừa đảm bảo chất lượng sản phẩm, vừa giảm thiểu chất thải, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững; như việc tận dụng, thu hồi nhiệt từ hệ thống khí thải, khí thừa để sấy sản phẩm, sản xuất men màu nung một lần trên lò nung tuynel... Tràng An trước đây là xã thuần nông. Từ năm 2012, khi có các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng đứng chân, địa phương đã có tốc độ phát triển nhanh chóng. Nhờ quan tâm công tác bảo vệ môi trường, vệ sinh môi trường trên địa bàn phường đã có chuyển biến tích cực, nhận thức của người dân từng bước được nâng lên.

Ông Phạm Văn Thắng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Tràng An, cho biết: Bên cạnh thường xuyên phối hợp kiểm tra đánh giá tác động môi trường của các doanh nghiệp, phường duy trì tốt các hoạt động ngày chủ nhật xanh, tổ thu gom rác thải, vệ sinh môi trường trong và ngoài khu dân cư, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Năm 2022, phường đã thực hiện trên 30 buổi ra quân dọn vệ sinh môi trường với hơn 5.000 lượt người tham gia.

dt2-1673481707.jpg
Rác thải được Chi hội Phụ nữ khu 7 (phường Hà Tu, TP Hạ Long) phân loại tại nhà, tổ chức thu gom, phân loại

Công tác bảo vệ môi trường đô thị thời gian qua luôn có sự vào cuộc tích cực của các địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội và cộng đồng dân cư. Các địa phương đã xây dựng kế hoạch bảo vệ môi trường hằng năm, triển khai nhiều giải pháp. Nhiều mô hình hay, sáng tạo của các cấp, ngành, đoàn thể đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần cải thiện môi trường.

Bà Nguyễn Thị Hoài, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu 7 (phường Hà Tu, TP Hạ Long), cho biết: Năm 2017, Chi hội Phụ nữ khu 7 là một trong những đơn vị đi đầu triển khai mô hình “Biến rác thành tiền”. Rác thải được hội viên phân loại tại nhà, tổ chức thu gom, tập kết, mang bán. Mỗi năm Chi hội thu 15-20 triệu đồng từ bán rác phế thải. Số tiền thu được, Chi hội dùng để ủng hộ các hội viên có hoàn cảnh khó khăn, học sinh nghèo, hội viên bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19...

Phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường là mục tiêu xuyên suốt mà tỉnh nỗ lực thực hiện nhiều năm qua. Phát huy những kết quả đã đạt được, tỉnh tiếp tục có những giải pháp ưu tiên nhằm từng bước khắc phục, giải quyết các vấn đề môi trường nổi cộm, như: Kiểm soát chặt chẽ, giảm thiểu các nguồn phát tán bụi và khí thải; nạo vét, khơi thông dòng chảy của các sông, kênh mương nội thành; tăng cường xử lý nước thải, chất thải đô thị; cải thiện, nâng cấp hệ thống thoát nước đô thị; triển khai quy hoạch phát triển đô thị đảm bảo tính đồng bộ và hiệu quả./.

Lan Anh