Đồng bào các dân tộc khu vực biên giới biển tỉnh Cà Mau - chỗ dựa vững chắc của Bộ đội Biên phòng

Cà Mau có bờ biển dài 254km, khu vực biên giới biển của tỉnh gồm 23 xã, thị trấn, thuộc 6 huyện ven biển, dân số chiếm khoảng 30% dân số toàn tỉnh, trong đó có 5 dân tộc thiểu số với trên 4.500 hộ, khoảng 10.000 nhân khẩu. Riêng dân tộc Khơme có gần 4 ngàn hộ và trên 9.000 nhân khẩu; dân tộc Hoa có gần 400 hộ, còn lại là các dân tộc khác như Mường, Tày, Chăm.
anh-2-1657784037.JPG
Cán bộ Đồn Biên phòng Sông Đốc và cán bộ địa phương thăm hỏi bà con dân tộc Khmer tại làng cá khô bổi ấp Đá Bạc A, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời.

Đại tá Phạm Minh Giang – Chính ủy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Cà Mau cho biết, đồng bào các dân tộc trên địa bàn biên giới biển của tỉnh luôn gương mẫu chấp hành và thực hiện tốt Đường lối, Chủ trương của Đảng, Chính sách Pháp luật của Nhà Nước, các Hiệp định, Quy chế khu vực biên giới biển. Tích cực tham gia xóa đói giảm nghèo phát triển kinh tế xã hội, xây dựng nền Biên phòng toàn dân vững mạnh.

Tuy nhiên, đến nay một số xã biên giới biển có đông đồng bào dân tộc sinh sống do xa khu dân cư, giao thông chưa thuận lợi, nên đời sống vật chất, tinh thần còn gặp nhiều khó khăn so với mặt bằng chung của tỉnh. Nhất là, hơn 2 năm nay, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, lan rộng, kéo dài ảnh hưởng đến đời sống cũng như sản xuất, kinh doanh của người dân.

Điểm tựa vững chắc của BĐBP

Đại tá Phạm Minh Giang cho biết, trong những năm qua, công tác dân tộc và chính sách dân tộc luôn được Đảng, Nhà nước và các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban ngành đoàn thể ở địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, thông qua việc phối hợp triển khai thực hiện tốt những chủ trương, chính sách về công tác dân tộc. Từ đó, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn có những chuyển biến tích cực; đời sống vật chất tinh thần của đồng bào các dân tộc từng bước được cải thiện rõ nét; công tác giảm nghèo và an sinh xã hội được quan tâm thực hiện tốt, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn hàng năm giảm từ 2-3%.

Cùng với đó, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 572-CT/QUTW, ngày 05/10/2012 của Quân ủy Trung ương và Hướng dẫn số 1207/HD-CCT, ngày 13/11/2012 của Cục Chính trị Bộ đội Biên phòng thực hiện Chỉ thị 572 của Quân ủy Trung ương về Quân đội thực hiện công tác dân tộc trong tình hình mới, Đảng uỷ, Bộ Chỉ huy BĐBP Cà Mau đã quán triệt cho cấp ủy, chỉ huy các cấp và cán bộ, chiến sĩ trong toàn đơn vị nhận thức sâu sắc nội dung của Chỉ thị. Cụ thể hóa trong triển khai thực hiện. Xác định rõ nhiệm vụ, yêu cầu chỉ đạo của cấp trên về thực hiện công tác dân tộc trong tình hình mới.

Các Đồn, Hải đội Biên phòng phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào các dân tộc. Tập trung tuyên truyền về Nghị quyết đại hội đảng các cấp; các Nghị định, văn bản của Chính phủ và địa phương có liên quan đến công tác dân tộc và chính sách dân tộc. Đồng thời vạch rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trong việc lợi dụng các vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước; kích động chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, lợi dụng hoạt động từ thiện để truyền đạo trái pháp luật; với các hình thức tuyên truyền tập trung, qua người có uy tín, thông qua các ngày lễ, tết của đồng bào và trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương.

Từ năm 2012 đến nay, đã phối hợp với các ban, ngành, địa phương tổ chức mở 9 lớp tập huấn bồi dưỡng cho cán bộ xã, thị trấn, khóm, ấp là người dân tộc và cán bộ vận động quần chúng, cán bộ tăng cường xã của BĐBP những kiến thức về công tác quản lý, về phương pháp vận động quần chúng và tổ chức các hoạt động ở cơ sở địa bàn đồng bào dân tộc. Các đơn vị đồn birn phòng cũng đã phối hợp địa phương giới thiệu 72 đại biểu là người trong đồng bào dân tộc và cán bộ BĐBP tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Đồng thời, bồi dưỡng được 75 nhân tố uy tín trong đồng bào dân tộc; Phát hiện, bồi dưỡng, giới thiệu địa phương kết nạp được 7 đảng viên, 45 đoàn viên người dân tộc; lựa chọn 27 cán bộ người dân tộc gửi đi đào tạo các trường trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, từ năm 2012 đến nay đã có 50 thanh niên người dân tộc Khơ-me được gọi nhập ngũ vào BĐBP tỉnh, trong đó có 15 đồng chí được đi đào tạo ở các trường Đại học, cao đẳng, trung học và đã trở thành cán bộ về công tác ở các đơn vị trên địa bàn xã, thị trấn có đồng bào dân tộc. Và hiện tại, đã có 35 đồng chí là cán bộ người đồng bào các dân tộc đang công tác trong BĐBP tỉnh. Qua đó đội ngũ cán bộ, đảng viên, chính quyền và các đoàn thể ở các xã, thị trấn biên giới biển thường xuyên được củng cố, kiện toàn cả về số lượng và chất lượng.

Làm tốt công tác an sinh xã hội trong đồng bào dân tộc

Đại tá Phạm Minh Giang cho biết thêm, trong những năm qua, đơn vị đã tập trung làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong phát triển kinh tế, xã hội, nhất là ở các xã khó khăn; tiếp tục thực hiện Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg, ngày 07/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn, xã bãi ngang ven biển; Quyết định số 755/QĐ-TTg ngày 20/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chính sách hỗ trợ giải quyết đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo và nhiều chính sách khác của Chính phủ.

Hằng năm, BĐBP Cà Mau đều tổ chức thăm, tặng cho gia đình chính sách, học sinh nghèo hiếu học trong Chương trình “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn Biên phòng" với số tiền trên 1 tỷ đồng, trong đó cơ bản là con em đồng bào các dân tộc, gia đình khó khăn và nhiều em là trẻ mồ côi. Phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tặng quà các gia đình chính sách, hộ nghèo trên 7 ngàn suất quà, trị giá trên 3 tỷ đồng; nhận phụng dưỡng 02 Mẹ Việt Nam Anh Hùng. Giúp đỡ thường xuyên 13 hộ gia đình chính sách; Phối hợp vận động xây dựng 12 căn nhà đại đoàn kết và nhà đồng đội cho gia đình đồng bào dân tộc khó khăn và cán bộ đơn vị, với số tiền gần 1 tỷ đồng; Tổ chức khám chữa bệnh cấp thuốc miễn phí cho trên 1 ngàn lượt dân là đồng bào các dân tộc trên địa bàn khu vực biên giới biển của tỉnh.

anh-3-1657784037.JPG
Hàng năm, BĐBP tỉnh Cà Mau tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho đồng bào dân tộc, gia đình chính sách trên địa bàn
anh-5-1657783982.JPG
Đại tá Phạm Minh Giang – Chính ủy BĐBP tỉnh Cà Mau trao nhà đại đoàn kết cho hộ dân tộc Khmer trên địa bàn huyện Ngọc Hiển
anh-4-1657783982.jpg
Cầu giao thông nông thôn do BĐBP tỉnh xây dựng giúp bà con dân tộc Khmer ấp Đá Bạc A, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời đi lại thuận tiện

Cùng với đó, các đồn biên phòng đã duy trì và thực hiện hiệu quả các mô hình trong thực hiện công tác dân tộc. Đặc biệt, là mô hình “Tiết kiệm tiền lẻ - chia sẻ khó khăn”. Với mô hình này, đơn vị đã chủ động phối hợp với địa phương rà soát các gia đình là người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, gia đình thương binh Liệt sĩ, gia đình chính sách để kịp thời hỗ trợ.

Điển hình là câu chuyện Đồn Biên phòng Tam Giang Tây hỗ trợ gia đình bà Tô Thị Bé (ấp Chợ Thủ B, xã Tam Giang Tây, huyện Ngọc Hiển). Bà Bé năm nay 67 tuổi, còn chồng bà đã 83 tuổi. Vợ chồng bà ở trong căn nhà lá ọp ẹp, mỗi lần mưa xuống, nước lênh láng, ngập cả sàn nhà. Nhưng từ năm 2020, ông bà mới được hưởng niềm vui ở nhà mới vững chắc. Nhờ có sự hỗ trợ từ Mô hình “Tiết kiệm tiền lẻ - chia sẻ khó khăn” của Đồn Biên phòng Tam Giang Tây mà gia đình bà đã thoát nghèo, vươn lên có cuộc sống ấm no.

Trung tá Nguyễn Đình Thắng – Chính trị viên Đồn Biên phòng Tam Giang Tây chia sẻ, đây là nguồn tiết kiệm của cán bộ, chiến sĩ từ thu nhập cá nhân; đóng góp này thể hiện phần trách nhiệm của bộ đội nhằm nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân, củng cố hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở, tăng cường mối đoàn kết quân dân, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới biển, đảo.

Thông qua thực hiện các chính sách dân tộc đã góp phần xây dựng mối quan hệ đoàn kết giữa các dân tộc, chống mọi biểu hiện lợi dụng chính sách dân tộc để chống phá khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xây dựng địa bàn trong sạch vững mạnh, giữ vững An ninh chính trị và Trật tự an toàn xã hội ở địa phương, cùng với các lực lượng bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới.

Lê Khoa