Đổi mới sáng tạo sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận các nền tảng công nghệ mới

Các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam, phần lớn chỉ ứng dụng các giải pháp công nghệ, kỹ thuật số ít đòi hỏi về nghiên cứu chuyên sâu, nghiên cứu cơ bản. Bởi vậy, trong quá trình đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp phải tìm ra giải pháp công nghệ để hợp nhất các nền tảng công nghệ, thiết bị sẵn có.
doi-moi-sang-tao-doanh-nghiep-01-1712543935.jpg
Đổi mới sáng tạo có khả năng đóng góp tới 95% vào mức độ cạnh tranh của nền kinh tế, 66% giá trị đổi mới sáng tạo sẽ tác động đến cuộc sống người dân. (Ảnh minh họa)

Đổi mới sáng tạo đóng góp tới 95% vào mức độ cạnh tranh của nền kinh tế

Theo Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, đổi mới sáng tạo có khả năng đóng góp tới 95% vào mức độ cạnh tranh của nền kinh tế, 66% giá trị đổi mới sáng tạo sẽ tác động đến cuộc sống người dân. Thế nhưng, kết quả khảo sát do Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam thực hiện cho thấy, mức độ hoạt động đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp Việt Nam chưa tương xứng, chưa bắt kịp xu hướng và sự phát triển nhanh của công nghệ.

Theo thước đo trình độ công nghệ từ 1 đến 5, hiện chúng ta đang ở mức 2,5, trong khi các nước trong khu vực như Hàn Quốc đang ở mức 4, thậm chí nhiều lĩnh vực khác công nghệ đạt đến mức hiện đại nhất thế giới. Mặt khác, đầu tư cho đổi mới sáng tạo ở Việt Nam cũng chưa cao, chỉ chiếm 0,6% GDP, do đó các phát minh sáng chế của chúng ta ít hơn khá nhiều so với các nước trong ASEAN, chỉ ở mức trung bình so với các nước có cùng thu nhập.

Bằng sáng chế phần lớn do tổ chức nước ngoài đăng ký sở hữu, còn trong nước chưa nhiều. Do đó, hàm lượng công nghệ trong sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp chưa cao, chưa tạo ra giá trị gia tăng lớn.

doi-moi-sang-tao-doanh-nghiep-03-1712543970.jpg
Trong quá trình đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp phải tìm ra giải pháp công nghệ để hợp nhất các nền tảng công nghệ, thiết bị sẵn có. (Ảnh minh họa)

Theo bà Trần Thị Thanh Tâm, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, VCCI, mặc dù nước ta nổi lên như một quốc gia sản xuất chuyên về các chức năng lắp ráp ở Châu Á và được đánh giá là một điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài, song có một thực tế, trong các chuỗi sản xuất sản phẩm, Việt Nam vẫn đang ở vị trí thấp do tập trung vào các công đoạn gia công, lắp ráp ... là những khâu mang lại giá trị gia tăng thấp nhất. Dù tham gia ngày càng nhiều hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, nhưng nước ta tham gia dưới vai trò bên sử dụng sản phẩm nhiều hơn là vai trò cung ứng.

“Để bắt kịp và tận dụng tốt những cơ hội của những xu hướng chuyển dịch nói trên, nhằm nâng cao cơ hội tham gia vào các chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu với vai trò là các nhà cung ứng, cũng như tăng cường năng lực xuất khẩu của Việt Nam, các doanh nghiệp cần nâng cao sức chống chịu và khả năng cạnh tranh; thích ứng linh hoạt, hiệu quả với những biến động tình hình quốc tế, khu vực và trong nước. Cần chủ động hòa nhịp với xu hướng tái định hình và vận hành chuỗi cung ứng toàn cầu nhằm tận dụng các cơ hội, giảm thiểu rủi ro, xử lý những bất cập và thách thức đối với nền kinh tế”, bà Trần Thị Thanh Tâm nêu rõ.

Lý do chính của thực trạng nêu trên được chỉ ra bởi phần lớn doanh nghiệp Việt Nam đều có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, tư duy và nhận thức để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ còn hạn chế. Thách thức về máy móc, thiết bị cũng là trở ngại chính khi với một doanh nghiệp đã hình thành lâu năm, có nguồn gốc xuất xứ từ nhiều nước, nhiều thời điểm, thậm chí đã lạc hậu, hết khấu hao.

Vì vậy, trong quá trình đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp phải tìm ra giải pháp công nghệ để hợp nhất các nền tảng công nghệ, thiết bị sẵn có. Trong khi đó, việc tiếp cận tài chính, vốn mạo hiểm cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo còn hạn chế; các chính sách hỗ trợ vẫn còn nhiều bất cập, rời rạc cùng quy định rườm rà về sở hữu trí tuệ và tài sản được tài trợ công khai.

Tạo đòn bẩy nâng cao năng suất chất lượng cho các doanh nghiệp

Thực tế cho thấy, ở các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam, phần lớn chỉ ứng dụng các giải pháp công nghệ, kỹ thuật số ít đòi hỏi về nghiên cứu chuyên sâu, nghiên cứu cơ bản. Còn các ngành chế biến, chế tạo, cơ khí nền tảng đòi hỏi nghiên cứu sâu, đầu tư lớn, thử nghiệm tốn kém thì thiếu nguồn lực cũng như các chính sách hỗ trợ, ưu đãi.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, việc đổi mới sáng tạo, thực hiện các giải pháp áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, ứng dụng hiệu quả khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh sẽ thúc đẩy hoạt động tăng năng suất lao động. Đồng thời, nâng cao chất lượng sản phẩm, sức cạnh tranh, gia tăng uy tín của doanh nghiệp để giữ được khách hàng cũ, thu hút khách hàng mới, sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường rộng lớn, từ đó nâng tầm được thương hiệu Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.

doi-moi-sang-tao-doanh-nghiep-02-1712543918.jpg
Đổi mới sáng tạo sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường rộng lớn, từ đó nâng tầm được thương hiệu Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.(Ảnh minh họa)

Ông Lê Huy Khôi, Trưởng phòng Quản lý khoa học và đào tạo, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương (Bộ Công Thương) cho rằng, nước ta cần phải tận dụng được các cơ hội từ cuộc Cách mạng 4.0, cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển nhanh, bền vững, dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất chất lượng cho các doanh nghiệp Việt.

“Hỗ trợ đổi mới sáng tạo theo hướng Nhà nước tập trung vào nâng cao năng lực của doanh nghiệp, sở hữu trí tuệ và tình hình tài chính của doanh nghiệp khởi nghiệp (cải cách sâu về thể chế và thị trường). Cần phải có chính sách và tiềm lực kinh tế hỗ trợ mang tính chất thiết thực. Nâng cao năng lực của các doanh nghiệp trong việc đổi mới công nghệ mới. Do đó, cần có các chính sách hỗ trợ đào tạo doanh nghiệp về cách sử dụng công nghệ tốt nhất và những chính sách này sẽ thay đổi khi năng lực công nghệ trong các doanh nghiệp được cải thiện và phát triển”, ông Lê Huy Khôi nêu ý kiến.

Chính vì vậy, để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, thời gian tới, Nhà nước cần có những cơ chế đột phá, thể chế hóa vào các luật về khoa học và công nghệ; trong đó thống nhất quản lý nhà nước về khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đồng thời, tiếp tục cải cách thể chế, xử lý một số rào cản chính sách, khuyến khích đầu tư mạo hiểm, chuyển giao công nghệ, nhất là thúc đẩy thương mại hóa ý tưởng, sản phẩm nghiên cứu có tiềm năng.

Nhanh chóng hoàn thiện hành lang pháp lý và công tác quản lý nhà nước nhằm thúc đẩy và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, các hệ thống đổi mới sáng tạo vùng, ngành, hệ sinh thái khởi nghiệp phù hợp điều kiện thực tế của Việt Nam./.

Bình Nguyên