Doanh nghiệp cần chủ động thích ứng với bối cảnh mới

Trong bối cảnh hết sức khó khăn nhiều doanh nghiệp đã chủ động thích ứng với bối cảnh mới, đổi mới sáng tạo, đón bắt xu hướng tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế.
doanh-nghiep-thuc-pham20221003120808-1697034734.jpg
Nhiều doanh nghiệp đã chủ động thích ứng với bối cảnh mới, đổi mới sáng tạo, đón bắt xu hướng tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế. Ảnh minh họa

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 9 tháng đầu năm, kinh tế đất nước vẫn tiếp tục là điểm sáng trong tình hình bức tranh chung của kinh tế thế giới. Số doanh nghiệp gia nhập và quay trở lại thị trường có xu hướng tăng trở lại, niềm tin đầu tư kinh doanh tiếp tục được củng cố. Tính chung 9 tháng đầu năm, có 165.000 doanh nghiệp, gấp 1,2 lần mức bình quân giai đoạn 2018-2022.

Điều đáng ghi nhận đó là trong bối cảnh hết sức khó khăn xuất hiện nhiều tấm gương, doanh nghiệp tiêu biểu chủ động thích ứng với bối cảnh mới, đổi mới sáng tạo, đón bắt xu hướng, tham gia các ngành kinh tế mới tạo giá trị mới, động lực mới cho tăng trưởng kinh tế.

Mặc dù đạt được một số kết quả đáng khích lệ nêu trên, nhưng Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức không chỉ từ nay đến cuối năm mà dự kiến còn kéo dài sang cả năm 2024.

Cụ thể, sức mua của thị trường đặc biệt là thị trường xuất khẩu suy yếu, doanh thu sụt giảm, đơn hàng có dấu hiệu phục hồi nhưng rất chậm. Áp lực chi phí cao và khó khăn trong việc tiếp cận vốn để duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, vướng mắc về rào cản pháp lý và thực thi pháp luật, tâm lý "sợ sai", không dám làm, không dám chịu trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức. Xu hướng áp dụng các tiêu chuẩn xanh, bền vững, việc gia tăng các biện pháp phòng vệ thương mại của các nước tạo áp lực lớn về chi phí tuân thủ, gây khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Để tiếp tục tháo gỡ những khó khăn này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cần nhanh chóng tháo gỡ những điểm nghẽn, rào cản pháp lý đang cản trở hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp.

Đồng thời, Chính phủ cần tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp giảm gánh nặng chi phí, tăng cường khả năng tiếp cận vốn và các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước. Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường mới, đẩy mạnh xuất khẩu và thúc đẩy tiêu dùng trong nước,

Bên cạnh đó, cần hỗ trợ người lao động, giải quyết việc làm và bảo đảm an sinh xã hội. Nghiên cứu triển khai kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp về việc dùng 100% kinh phí công đoàn và đoàn phí công đoàn để hỗ trợ trực tiếp, đào tạo cho người lao động tại doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp giữ chân người lao động, chờ đợi thị trường phục hồi.

Tăng cường đẩy mạnh triển khai các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, hoàn thiện thể chế khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng các mô hình kinh doanh bền vững, các ngành công nghiệp mới và phát triển các ngành kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Đối với cộng đồng doanh nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dúng lưu ý, cần trăn trở và nỗ lực cùng với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc tìm kiếm các giải pháp, hướng đi. Đồng thời phải mạnh dạn, đột phá, sáng tạo và hiện đại, nắm bắt thời cơ, không chỉ để tự lớn mạnh mà còn đóng góp chung vào sự phát triển của đất nước.

Đông Nghi