Điện Biên: Coi trọng phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững

Từ chủ trương đúng nên giai đoạn 2016 - 2020, Điện Biên đã thực hiện trồng mới 3.492 ha rừng gồm 2.437 ha rừng sản xuất, 1.046 ha rừng phòng hộ, 9 ha rừng đặc dụng, khoanh nuôi tái sinh 44.569 ha rừng và trồng 2.261.000 cây phân tán.
d-1696292363.jpg
Người dân xã Mường Lạn (huyện Mường Ảng) chuẩn bị đất trồng rừng.

Cuối năm 2021, Điện Biên đã phê duyệt “Đề án phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh Điện Biên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Triển khai thực hiện, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan chuyên môn đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn kế hoạch phát triển lâm nghiệp, trong đó tập trung vào các chỉ tiêu về trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng; tích cực tuyên truyền, vận động người dân phát triển rừng, đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy rừng.

Các cơ quan chuyên môn đã chủ động tham mưu và chỉ đạo thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng và lựa chọn trồng các loài cây phù hợp với điều kiện địa phương để tăng năng suất, chất lượng rừng trồng… Nhờ đó, năm 2022, thực hiện Đề án Phát triển kinh tế lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đạt nhiều kết quả tích cực. Toàn tỉnh đã thực hiện chăm sóc 701,81 ha rừng trồng, khoanh nuôi tái sinh 15.386 ha rừng, trồng mới 391,27 ha rừng tập trung (trong đó có 255,82 ha rừng phòng hộ và 135,45 ha rừng sản xuất); trồng 915.839 cây phân tán, phát triển lâm sản ngoài gỗ 138,65 ha, trồng 1.172 ha cây mắc ca. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 43,54%.

Giai đoạn 2021 - 2025, Điện Biên đặt mục tiêu trồng 750 ha rừng phòng hộ. Trong đó, huyện Tuần Giáo 295 ha, Mường Chà 180 ha, Mường Ảng 230 ha, Điện Biên Đông 20 ha, Điện Biên 20 ha và TP. Điện Biên Phủ 5 ha. Thực hiện khoanh nuôi tái sinh 85.988 ha rừng, từ đó, tăng tỷ lệ che phủ rừng lên 45,5% vào năm 2025. Giai đoạn 2026 - 2030, toàn tỉnh tiếp tục trồng mới rừng phòng hộ khoảng 300 ha/năm, khoanh nuôi tái sinh rừng 3.000 ha/năm, nâng tỷ lệ che phủ rừng năm 2030 lên 48%.

Để thực hiện được mục tiêu đó, các địa phương đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lâm nghiệp, tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật lâm nghiệp. Quản lý chặt chẽ việc khai thác gỗ rừng trồng, khai thác tận thu, tận dụng gỗ rừng tự nhiên và hạn chế tối đa việc chuyển mục đích rừng tự nhiên không đúng mục đích, thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Tổ chức rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng phù hợp với thực tế phát triển của địa phương trong giai đoạn mới.

Đồng thời, hoàn thành công tác giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp để gắn trách nhiệm bảo vệ và phát triển rừng cho từng tổ chức, cá nhân nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng, tạo cơ sở cho việc thực hiện liên doanh, liên kết phát triển kinh tế lâm nghiệp. Chính quyền các cấp triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển lâm nghiệp; đặc biệt là chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng để động viên, khuyến khích người dân tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng.

Bài, ảnh: Nhật Phương