Đề xuất gia hạn nộp thuế, bảo hiểm, gỡ khó thiếu hụt lái xe taxi sau "bão dịch"

Sau "bão dịch Covid-19", cộng thêm giá xăng, dầu tăng cao, nhiều ý kiến đề xuất, cần sớm có giải pháp căn cơ, cụ thể để giải quyết khó khăn cho các doanh nghiệp taxi…

Trước thực trạng này, đại diện các doanh nghiệp mong muốn nhận được sự hỗ trợ kịp thời như gia hạn nợ, gia hạn nộp thuế, bảo hiểm... để kịp thời nhằm giải quyết và tháo gỡ khó khăn cho ngành vận tải.

Trở lại với nghề lái taxi sau một thời gian dài phải tạm nghỉ vì giãn cách, các lái xe cho biết nhiều đồng nghiệp của họ đã xin nghỉ việc. Thu nhập không được như trước khiến nhiều người tỏ ra lo lắng về tương lai.

Tính riêng tại Hà Nội, từ đầu năm đến nay, hơn 7.000 xe taxi dừng hoạt động vì thiếu nhân lực, tương đương gần 50% tổng số lượng xe trên địa bàn. Tại Công ty Cổ phần Thương mại và Du lịch Phú Đông, sau dịch, hơn 70% số xe hoạt động, mặc dù vậy vẫn thiếu lái xe để chạy đủ công suất.

"Sau các lần dịch bệnh giãn cách, người lao động ở hầu hết các tỉnh không có nhà ở phải đi thuê, đời sống gặp nhiều khó khăn, chi phí không đủ để tồn tại sống ở Thủ đô được. Sau khi hết giãn cách, họ về quê hương tìm các việc làm tự do", ông Đặng Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thương mại và Du lịch Phú Đông, cho hay.

kho-khan-taxi-1650936075.jpg
Đề xuất gia hạn nộp thuế, bảo hiểm, gỡ khó thiếu hụt lái xe taxi. Ảnh minh họa.

Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cũng cho rằng, trong thời gian vừa qua, giá xăng, dầu liên tục tăng, vì vậy, cần xem xét tạm dừng thu 3.800 đồng vào Quỹ bảo vệ môi trường, để góp phân ổn định lại chỉ giá cước vận tải trên thị trường. Đồng thời, tạm dừng thu phí bảo trì đường bộ, các quỹ công đoàn, tử tuất... xem xét và cân nhắc giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp, lùi thời điểm áp dụng tăng lương tối thiểu vùng, áp dụng từ 01/01/2023, nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị tốt nhất.

Còn theo ông Nguyễn Anh Quân - Giám đốc Công ty quản lý G7 taxi, thời gian qua, các giải pháp hỗ trợ tài chính qua hệ thống BHXH phần nào giúp người lao động giảm được áp lực. Song, về lâu dài, các phương án hỗ trợ cần mang phải tính chất cơ bản, có giá trị lâu dài và bền vững hơn mới tạo cho doanh nghiệp kinh doanh vận tải cơ hội phục hồi sau khi chịu quá nhiều tác động của yếu tố khách quan.

Trước khó khăn trên, Hiệp hội ô tô vận tải Việt Nam đã có một số đề xuất, kiến nghị lên Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vận tải.

"Ngân hàng Nhà nước tiếp tục gia hạn cho đến hết 31/12/22 cho các doanh nghiệp để cơ cấu dòng tiền và bỏ điều kiện là các ngân hàng khi cơ cấu nợ cho doanh nghiệp phải trích lập quỹ dự phòng. Thứ hai, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Tổng cục Thuế xem xét để tiếp tục gia hạn chậm nộp thuế", ông Nguyễn Công Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Ô tô Vận tải Việt Nam, nêu đề xuất.

Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội kiến nghị, các cơ quan có trách nhiệm cần xem xét, mở rộng chính sách hỗ trợ, kéo dài thời hạn nộp thuế, bảo hiểm xã hội năm 2021.

Năm 2019, tổng số xe taxi hoạt động trên cả nước là khoảng hơn 79.000 xe. Sau khoảng thời gian nghỉ dịch, đến nay số lượng xe đã giảm khoảng 12.000, chỉ còn hơn 67.000 xe.

Anh Vân (t/h)