Đắk Lắk coi trọng nâng cao chất lượng nông sản để phát triển nông nghiệp

Ngày 16/5, Sở Nông nghiệp và Môi trường Đắk Lắk tổ chức Hội nghị bàn giải pháp nâng cao chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm và Giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận nhiều giải pháp trọng tâm như: phát triển vùng sản xuất an toàn, xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp bền vững, thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị để kiểm soát chặt chất lượng từ đầu vào đến đầu ra. Đặc biệt, vấn đề kiểm soát tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, nhất là cadimi và vàng O - trên sầu riêng xuất khẩu được đặt lên hàng đầu. Các ý kiến đề xuất cần sớm có giải pháp đồng bộ, quyết liệt, tháo gỡ vướng mắc trước khi mùa thu hoạch sầu riêng của tỉnh chính thức bắt đầu.

cac-dai-bieu-tham-du-hoi-nghi-1747471412.jpeg
Các đại biểu tham dự hội nghị

Nông, lâm, thủy sản giữ vai trò then chốt trong cơ cấu kinh tế Đắk Lắk, đóng góp tới 36,8% GRDP toàn tỉnh. Các mặt hàng chủ lực như cà phê, cao su, hồ tiêu, điều, sầu riêng chiếm trên 90% kim ngạch xuất khẩu, khẳng định vị thế của nông sản Đắk Lắk trên thị trường thế giới. Ngành nông nghiệp cũng tạo sinh kế cho gần 70% lao động địa phương, là trụ cột của phát triển bền vững.

Nhận thức sâu sắc vai trò then chốt của an toàn thực phẩm, Sở Nông nghiệp và Môi trường Đắk Lắk đã giao nhiệm vụ quản lý cụ thể cho từng chi cục chuyên ngành, đảm bảo chuỗi sản xuất – tiêu thụ vận hành khép kín, hiệu quả. Giai đoạn 2022 - 2024, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh với 251 lớp tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi, thú y thu hút hơn 10.000 lượt người; 15 hội nghị phổ biến kiến thức về ATTP trong lĩnh vực nông lâm thủy sản cũng được tổ chức, góp phần nâng cao ý thức và kỹ năng thực hành cho người dân.

pho-giao-su-tien-si-nguyen-van-nam-pho-hieu-truong-truong-dai-hoc-tay-nguyen-phat-bieu-tai-hoi-nghi-1747471379.jpeg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Nam - Phó hiệu Trưởng Trường Đại học Tây Nguyên phát biểu tại hội nghị

Liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đang dần trở thành hướng đi chủ lực của nông nghiệp Đắk Lắk. Với sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành, doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân, mô hình này không chỉ góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn tăng cường hiệu quả quản lý an toàn thực phẩm.

Song song đó, công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản cũng được siết chặt. Từ năm 2024 đến hết tháng 4/2025, ngành nông nghiệp tỉnh đã kiểm tra 100 cơ sở, xử phạt 10 đơn vị vi phạm với tổng số tiền gần 195 triệu đồng, thể hiện quyết tâm bảo vệ chất lượng nông sản từ gốc.

Dù đạt nhiều kết quả tích cực, công tác quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm tại Đắk Lắk vẫn đối mặt không ít thách thức. Tỷ lệ sản xuất theo chuỗi, theo tiêu chuẩn chứng nhận và có truy xuất nguồn gốc còn thấp; nhiều cơ sở sản xuất - kinh doanh quy mô nhỏ, manh mún, chưa tuân thủ đầy đủ quy định về an toàn thực phẩm. Việc kiểm tra, lấy mẫu tại các vùng sản xuất cũng gặp khó khăn do thiếu sự phối hợp từ người dân.

ong-nguyen-van-ha-pho-giam-doc-so-nong-nghiep-va-moi-truong-phat-bieu-tai-hoi-nghi-1747471326.jpeg
Ông Nguyễn Văn Hà - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Đắk Lắk phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Hà - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Đắk Lắk nhấn mạnh: “Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, nâng cao chất lượng nông sản, đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm là yêu cầu bắt buộc. Các sở, ngành, địa phương phối hợp đồng bộ, kịp thời tháo gỡ những tồn tại, bất cập trong công tác quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản.”

Bên cạnh đó, ông Hà cho biết cần đẩy mạnh xây dựng chuỗi liên kết, lấy doanh nghiệp làm trung tâm để đưa nông sản Đắk Lắk chinh phục thị trường toàn cầu. Riêng với sầu riêng - mặt hàng xuất khẩu chủ lực đang đối mặt với nhiều rào cản kỹ thuật, tỉnh sẽ sớm đưa ra các giải pháp cụ thể, giúp doanh nghiệp và nông dân yên tâm sản xuất, thu mua và tiêu thụ ổn định.

sau-rieng-mat-hang-xuat-khau-chu-luc-cua-dak-lak-dang-doi-mat-voi-nhieu-rao-can-1747471265.jpg
Sầu riêng - mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Đắk Lắk đang đối mặt với nhiều rào cản xuất khẩu

Đắk Lắk hiện có 616 cơ sở được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản. Toàn tỉnh đã hình thành 123 chuỗi liên kết do chính quyền hỗ trợ xây dựng, cùng khoảng 10 chuỗi liên kết tự phát giữa doanh nghiệp và nông dân.

Khoảng 150 hợp tác xã nông nghiệp đang tham gia liên kết sản xuất - tiêu thụ với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, 34 doanh nghiệp, 276 trang trại và gia trại, cùng hơn 15.500 hộ nông dân đã chủ động bắt tay liên kết theo chuỗi. Năm tổ chức khoa học cũng góp mặt, đồng hành cùng quá trình này, góp phần nâng cao giá trị và chất lượng nông sản địa phương.

Kiến Giang