Cơ cấu lại ngành nông nghiệp bắt đầu từ nguồn nhân lực

Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) tiếp tục nhấn mạnh, nông nghiệp là lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế. Để đảm trách tốt vai trò đó, ngành Nông nghiệp phải tiếp tục tái cơ cấu, đồng thời xác định công tác sử dụng người tài và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao có ý nghĩa then chốt, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn từ những ngày đầu thành lập nước Việt Nam: “Nhà nước cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài”.
a5-1710085138.jpg
Đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp chất lượng cao là yêu cầu cấp thiết. (Trong ảnh: Sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam trong giờ thực hành. Ảnh: Thiều Trang)

Trọng dụng người tài đức

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi người tài đức là nhân tố có tính quyết định thắng lợi của sự nghiệp cách mạng. Trong thực tiễn lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người thầy tiêu biểu trong cách tuyển dụng nhân tài để trị nước trong bối cảnh mới của đất nước, nhằm thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Theo tài liệu “Hồ Chí Minh toàn tập (Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 4), sau Cách mạng Tháng Tám, ngày 20/11/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có bài viết “Tìm người tài đức” đăng trên Báo Cứu quốc (tiền thân của Báo Đại đoàn kết hiện nay) số 411. Trong bài viết, Người chỉ rõ: “Nhà nước cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài”. Và Người yêu cầu: “Các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết. Báo cáo phải nói rõ tên tuổi, nghề nghiệp, tài năng, nguyện vọng và chỗ ở của người đó”.

Từ lời kêu gọi của Người, nhiều người tài đức, các nhân sĩ, trí thức ở trong nước và ngoài nước đã theo Đảng, Bác Hồ, đóng góp trí tuệ cho hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cũng như cho công cuộc xây dựng hòa bình, phát triển đất nước. Trong số những nhà trí thức yêu nước đã từ bỏ vị trí công tác tại nước ngoài trở về đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của đất nước theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh có nhà nông học Lương Định Của – nhà bác học của đồng ruộng. Năm 1951, ông được Nhật Bản trao bằng Bác sĩ Nông học - học vị cao nhất ở Nhật Bản lúc bấy giờ; đồng thời ông cũng là một trong những nhà khoa học đi tiên phong trong nghiên cứu sinh học của thế giới.

Năm 1952, theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông cùng vợ con trở về Việt Nam. Ông là người có công lớn trong giáo dục, đào tạo nhiều thế hệ học trò trở thành cán bộ đầu ngành trong các lĩnh vực khoa học nông nghiệp Việt Nam. Không chỉ lai tạo thành công nhiều giống cây trồng (lúa, dưa hấu không hạt, dưa lê, khoai lang, rau muống, đu đủ,…), ông còn đề xướng các mô hình canh tác: “bờ vùng, bờ thửa”, “cấy nông tay thẳng hàng”, “đảm bảo mật độ”… được hàng triệu nông dân Việt Nam áp dụng thành công trên diện rộng, tạo ra một cuộc cách mạng trong nông nghiệp, giúp nâng cao năng suất cây trồng, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của cách mạng cả nước.

a3-1710085353.jpg
Việt Nam đang hướng đến phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao, hiện đại.

Quan tâm đào tạo nhân tài

Cùng với trọng dụng người tài đức, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chăm lo công tác đào tạo cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên”. Trong tài liệu “Hồ Chí Minh toàn tập” (Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 7) lưu rõ lời căn dặn của Người: “Trong việc kiến thiết nước nhà về mọi mặt, ta thiếu rất nhiều cán bộ như kỹ sư, chuyên gia, thợ lành nghề, thầy dạy học,… vì vậy, ta phải phát triển mạnh đại học và chuyên nghiệp”.

Để đào tạo nhân tài, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng, Nhà nước ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cử những thanh niên ưu tú nhất ra nước ngoài học tập để chuẩn bị cho công cuộc xây dựng đất nước sau này. Một trong những thanh niên ứu tú đầu tiên được cử ra nước ngoài học tập là GS. Lê Duy Thước, sinh năm 1918, tại Diễn Châu, Nghệ An. Năm 1951, khi đang làm Phó Đổng lý Văn phòng Bộ Canh Nông (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), ông được cử đi học ở Liên Xô, đến năm 1955 về nước tiếp tục công tác tại Bộ Canh nông.

Từ 1976 đến 1983, ông là Hiệu trưởng trường Đại học Nông nghiệp I – nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ông được phong học hàm Giáo sư đợt đầu năm 1980, danh hiệu Nhà giáo Nhân dân và được coi là “Ông tổ” của ngành khoa học Đất Việt Nam. Cụm công trình “Điều tra, phân loại, lập bản đồ đất Việt Nam tỷ lệ 1/500.000” của ông cùng các cộng sự được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 2 (năm 2000) trong lĩnh vực Khoa học Nông nghiệp.

Việc ươm mầm những “hạt giống” để trở thành những nhà khoa học hàng đầu cho thấy tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực. Người không chỉ thấy hiện tại mà còn thấy cả tương lai, không chỉ dành tâm huyết trước mắt cho sự nghiệp cách mạng mà còn chăm lo vun trồng cho cái gốc của sự phát triển bền vững của đất nước.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao có giá trị thời đại, đặc biệt đối với việc đào tạo nguồn nhân lực trong ngành Nông nghiệp hiện nay. Trong bối cảnh cạnh tranh và toàn cầu hóa, nguồn nhân lực là tài sản quan trọng nhất của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, đối với ngành Nông nghiệp nước ta, hiện nguồn nhân lực không chỉ thiếu về số lượng và còn yếu về chất lượng.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2022, cả nước có hơn 521 nghìn sinh viên nhập học ở 25 lĩnh vực đào tạo thì chỉ có 7.100 sinh viên nhập học khối ngành nông, lâm, thủy sản và thú y, chỉ chiếm tỷ lệ 1,37%. Trước đó, cũng theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong 3 năm liên tiếp (2019, 2020, 2021) khối ngành nông lâm nghiệp, thủy sản và thú y đứng đầu danh sách các lĩnh vực tuyển sinh kém nhất.

Đây rõ ràng là điểm nghẽn trong mục tiêu phát triển bền vững nền nông nghiệp nước nhà. Bởi vậy, muốn làm tốt vai trò là “trụ đỡ” của nền kinh tế thì ngành Nông nghiệp phải tiếp tục đẩy mạnh tái cớ cấu ngành, bắt đầu từ nguồn nhân lực, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Kiến thiết cần phải có nhân tài”. Có như vậy mới thực hiện thắng lợi tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022, Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045: “Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”./.

Sỹ Hào