Chăn nuôi đang trong đà hồi phục nhưng gặp khó khăn do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao

Theo Tổng Cục Thống kê, sản xuất nông nghiệp trong tháng 4/2022 tập trung chăm sóc cây trồng vụ đông xuân tại các địa phương phía Bắc; thu hoạch lúa, hoa màu vụ đông xuân và gieo trồng lúa hè thu tại các địa phương phía Nam. Chăn nuôi đang trong đà hồi phục nhưng gặp khó khăn do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao.

Thời tiết trong tháng 4 thuận lợi cho việc trồng rừng, diện tích rừng trồng mới tập trung cả nước tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng gỗ khai thác đạt 1,6 triệu m3, tăng 5,9%.

Nuôi trồng thủy sản phát triển khá trong thả nuôi mới và thu hoạch sản phẩm. Dịch Covid-19 đã được kiểm soát nên thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản, lâm sản, thủy sản được khơi thông, mở rộng.

Chăn nuôi trâu, bò trong tháng phát triển ổn định. Ước tính tổng số lợn tăng 5,5% so với cùng thời điểm năm 2021; tổng số bò tăng 1,3%; tổng số trâu giảm 1,9%; tổng số gia cầm tăng 2,2%.

Tuy nhiên, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, đặc biệt từ đầu cuối năm 2021, đầu năm 2022. Trước đây, giá ngô (bắp) chỉ khoảng 4.700 đồng/kg thì đến nay đã tăng lên khoảng 10.000 đồng/kg, khô đậu nành chỉ hơn 8.000 đồng/kg đến giờ đã tăng lên 16.300 đồng/kg, kéo theo đó, giá thức ăn chăn nuôi hỗn hợp đã tăng 25 - 40%.

Điều này ảnh hưởng rất lớn đến phát triển ngành chăn nuôi. Giá thức ăn chiếm tới 65 - 70% giá thành trong chăn nuôi.

Về nông nghiệp, tính đến ngày 15/4, cả nước gieo cấy được 2.990,5 nghìn ha lúa đông xuân, bằng 99,5% cùng kỳ năm trước, trong đó: Các địa phương phía Bắc gieo cấy 1.077,9 nghìn ha, bằng 99,3%; các địa phương phía Nam gieo cấy 1.912,6 nghìn ha, bằng 99,6%.

5457-z3303880091033-50567f966ac4ea60456ee3fe446b3f4c-1651397506.jpg
Chăn nuôi đang trong đà hồi phục nhưng gặp khó khăn do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao (Ảnh minh họa: BT)

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 1.506,9 nghìn ha, giảm 12,7 nghìn ha so với vụ đông xuân năm trước. Các địa phương phía Nam đã thu hoạch được 1.561,9 nghìn ha lúa đông xuân, chiếm 81,7% diện tích gieo cấy và bằng 104,3% cùng kỳ năm trước, trong đó: Vùng Đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch được 1.373,5 nghìn ha, chiếm 91,1% và bằng 103,8%.

Tính đến 15/4, các địa phương phía Nam gieo cấy được 395,9 nghìn ha lúa hè thu, bằng 110,7% cùng kỳ năm trước, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 387,5 nghìn ha, bằng 109,8%.

Các địa phương trên cả nước đã gieo trồng được 375,5 nghìn ha ngô, bằng 101,2% cùng kỳ năm trước; 52,8 nghìn ha khoai lang, bằng 91,7%; 12,6 nghìn ha đậu tương, bằng 89,7%; 110 nghìn ha lạc, bằng 98,8%; 584,4 nghìn ha rau đậu, bằng 101,3%.

Về lâm nghiệp, tháng 4 diện tích rừng trồng mới tập trung cả nước ước đạt 30,3 nghìn ha, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm, diện tích rừng trồng mới tập trung cả nước ước đạt 67,2 nghìn ha, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 34,8 triệu cây, tăng 6,8%; sản lượng gỗ khai thác đạt 4,7 triệu m3, tăng 4,4%; sản lượng củi khai thác đạt 6,2 triệu ste, tăng 0,7%.

Tình hình thiệt hại rừng 4 tháng đầu năm giảm so cùng kỳ năm trước. Diện tích rừng bị thiệt hại trong tháng ước tính 118,6 ha, giảm 0,1% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Diện tích rừng bị cháy là 4,3 ha, giảm 77,5%; diện tích rừng bị chặt phá là 114,3 ha, tăng 14,6%

Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, diện tích rừng bị thiệt hại là 361,8 ha, giảm 25,2% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Diện tích rừng bị cháy là 13,7 ha, giảm 89,8% (diện tích rừng bị cháy cùng kỳ năm trước là 134 ha); diện tích rừng bị chặt phá là 348,1 ha, giảm 0,4%.

Về thủy sản, sản lượng thủy sản tháng 4 ước đạt 736,4 nghìn tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 380,4 nghìn tấn, tăng 5,8%; sản lượng thủy sản khác ước đạt 356 nghìn tấn, giảm 0,6%.

Tính chung 4 tháng đầu năm, sản lượng thủy sản ước tính đạt 2.600 nghìn tấn, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Sản lượng nuôi trồng đạt 1.368,4 nghìn tấn, tăng 5,3%; sản lượng khai thác đạt 1.231,6 nghìn tấn, giảm 1% (sản lượng khai thác biển đạt 1.177,3 nghìn tấn, giảm 1,1%).