Sự cần thiết xây dựng Chiến lược truyền thông về Năng lượng bền vững giai đoạn đến năm 2030

Theo các chuyên gia, việc xây dựng Chiến lược truyền thông về Năng lượng bền vững sẽ cung cấp định hướng, khung hoạt động và lộ trình cho các hoạt động truyền thông, tiếp cận cộng đồng về các vấn đề liên quan đến năng lượng nhằm bảo đảm an ninh năng lượng và phát triển năng lượng bền vững.

Trong những năm qua, nhu cầu sử dụng năng lượng trong nước ngày càng cao. Để đáp ứng với tốc độ phát triển nhanh của nền kinh tế, trong bối cảnh nguồn năng lượng sơ cấp dần cạn kiệt, ô nhiễm môi trường do khai thác và sử dụng năng lượng có nguy cơ tăng lên. Đảng, Quốc hội, và Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương và chính sách nhằm phát triển ngành năng lượng theo hướng xanh, sạch, bền vững, với phương châm “năng lượng phải đi trước một bước”.

Tuy nhiên, trong Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia ở Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 đã chỉ ra nhiều hạn chế của ngành năng lượng, và một trong các nguyên nhân đó là nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của ngành năng lượng và mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia còn chưa đầy đủ, chưa được quan tâm đúng mức.

z4466700208557-2e9cf23c1ff682a3eb7e3ce7e9a18470-1687914140.jpg
Quang cảnh hội thảo (Ảnh: Vụ tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững)
z4466700165119-7c083dbf956e9a567ac686c8d41edadf-1687914155.jpg
Ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững phát biểu tại hội thảo (Ảnh: Vụ tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững)

Từ thực tế đó, việc xây dựng một Chiến lược truyền thông tổng thể về phát triển Năng lượng bền vững là hết sức cần thiết. Cụ thể, cần khẳng định tầm quan trọng của truyền thông về chính sách năng lượng, đưa ra định hướng cho các hoạt động truyền thông của ngành năng lượng thuộc lĩnh vực Bộ Công Thương quản lý, thúc đẩy truyền thông về phát triển năng lượng bền vững theo hướng chuyên nghiệp, đồng bộ và hiệu quả hơn.

Từ những lý do đó, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững - Bộ Công Thương phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua Chương trình Năng lượng Phát thải thấp Việt Nam II (V-LEEP II) đã tổ chức Hội thảo tham vấn “Xây dựng Chiến lược Truyền thông về Năng lượng bền vững giai đoạn đến năm 2030”.

pin-nang-luong-mat-troi-1687914342.jpg
Pin năng lượng mặt trời tại Nhà máy điện mặt trời Đa Mi. Ảnh: https://www.evngenco1.vn/

Phát biểu hội thảo, ông Trịnh Quốc Vũ, Phó vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững cho biết, thông qua Chương trình Năng lượng Phát thải thấp Việt Nam II, thời gian qua, USAID đã hỗ trợ cho Bộ Công Thương và Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững thực hiện một số hoạt động thúc đẩy về phát triển năng lượng bền vững và sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Trong đó, có hỗ trợ xây dựng Chiến lược truyền thông về Năng lượng bền vững giai đoạn đến năm 2030. Hình thức truyền thông sẽ được đẩy mạnh trong thời gian tới là đẩy mạnh truyền thông số, tận dụng các nền tảng truyền thông số, tăng cường tương tác, từ đó nâng cao hiệu quả truyền thông về năng lượng bền vững.

Trình bày Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030 tầm nhìn 2050, ông Hoàng Văn Tâm - chuyên viên Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững thông tin, mục tiêu của Kế hoạch là năm 2030, tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15 - 20% và 25 - 30% vào năm 2045, phát thải khí nhà kính từ lĩnh vực sản xuất điện khoảng 42 triệu tấn CO2 tương đương vào năm 2050. Bên cạnh đó, thúc đẩy các mô hình sản xuất kinh doanh theo hướng tăng trưởng xanh; trong đó, áp dụng giải pháp khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng bền vững để nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát huy lợi thế cạnh tranh và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

Đặc biệt, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, chủ động các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu rủi ro thiên tai giảm thiệt hại tối đa do tác động của biến đổi khí hậu đến công trình, cơ sở hạ tầng ngành Công Thương, nhất là cơ sở hạ tầng lĩnh vực năng lượng, công nghiệp, thương mại và các công trình trọng yếu đảm bảo ổn định đời sống, kinh tế xã hội trong mọi điều kiện khắc nghiệt của thời tiết, khí hậu và rủi ro thiên tai. Để đạt được những mục tiêu trên, theo ông Hoàng Văn Tâm, cần triển khai đồng bộ 4 nhóm giải pháp gồm: Giải pháp về quản lý; Giải pháp về khoa học công nghệ; Giải pháp về tăng cường hợp tác quốc tế; Giải pháp đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Hương Lan