Cần trợ lực để doanh nghiệp chuyển đổi xanh

Để tham gia vào sân chơi xuất khẩu toàn cầu, doanh nghiệp Việt phải chuyển sản xuất theo hướng ít phát thải hay phát thải carbon thấp để đáp ứng được những yêu cầu thị trường nhập khẩu.
chuyen-doi-xanh-1698639402.jpg
Cần trợ lực để doanh nghiệp thành công chuyển đổi xanh. Ảnh minh họa

Hiện nay, nhiều nền kinh tế đã đặt ra những tiêu chuẩn liên quan tới ứng phó với biến đổi khí hậu. Xu hướng này sẽ tạo nên luật chơi mới cho các doanh nghiệp trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Theo đó, các cam kết quốc tế như cam kết về giảm phát thải dòng bằng 0, cam kết về giảm phát thải metan toàn cầu, cam kết chấm dứt tình trạng phá rừng đặc biệt là rừng nhiệt đới, cơ chế điều chỉnh carbon xuyên biên giới CBAM của Liên minh châu Âu… là những cam kết sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam.

Vì thế, doanh nghiệp sản xuất muốn tham gia xuất khẩu, phải chuyển sản xuất theo hướng ít phát thải hay phát thải carbon thấp để đáp ứng được những yêu cầu thị trường nhập khẩu.

Tuy nhiên, để chuyển đổi xanh đối với nhiều doanh nghiệp các vấn đề về vốn đầu tư, công nghệ… là những thách thức với họ. Khi muốn giảm được dấu vết carbon, doanh nghiệp phải đầu tư giải pháp về công nghệ, chuyển đổi năng lượng có nguồn gốc từ hóa thạch sang năng lượng sạch nên chi phí đầu tư rất lớn.

Để giải quyết những khó khăn trên các chuyên gia cho rằng, Việt Nam sẽ cần xây dựng, ban hành thêm khung pháp lý, chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu. Các doanh nghiệp cần thúc đẩy các mô hình sản xuất kinh doanh theo hướng tăng trưởng xanh.

Chính phủ cần sớm ban hành cơ chế, chính sách để các doanh nghiệp có điều kiện thuận lợi tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi. Đồng thời ban hành những chính sách khuyến khích đầu tư thích ứng với biến đổi khí hậu để chuyển dịch năng lượng.

Bên cạnh đó, trong giai đoạn này Chính phủ, Nhà nước cần có những trợ lực cho doanh nghiệp. Trước hết, thường xuyên cung cấp, cập nhật thông tin, đặc biệt là các cơ chế, chính sách mang tính chất toàn cầu, điều chỉnh và ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Nhà nước cần hỗ trợ cho các doanh nghiệp, đặc biệt là giai đoạn đầu khi thực hiện các quy định bắt buộc về kiểm kê phát thải khí nhà kính. Hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện kiểm kê khí nhà kính để họ biết quá trình sản xuất kinh doanh của mình ở giai đoạn nào, khâu nào là phát thải nhiều để từ đấy có những giải pháp giảm phát thải.

Bên cạnh đó, cũng cần có những cơ chế và khuyến khích, đặc biệt khuyến khích áp dụng các mô hình phát triển kinh tế carbon thấp, những mô hình kinh doanh ít phát thải. Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học công nghệ trong thực hiện mục tiêu giảm phát thải cũng như thích ứng với tác động biến đổi khí hậu.

Đông Nghi