Phát triển các dự án điện khí là xu thế tất yếu
Theo Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 (Quy hoạch điện VIII), đến năm 2030, nguồn nhiệt điện khí sẽ chiếm tới 24,8% tổng công suất toàn hệ thống phát điện, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu nguồn điện.
Tại diễn đàn “Tiềm năng phát triển thị trường điện khí tại Việt Nam" được tổ chức vào cuối năm 2023 nhiều ý kiến đưa ra nhằm hướng tới mục tiêu tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh khí, hướng tới đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và thực hiện các mục tiêu, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Theo đó, các chuyên gia, nhà quản lý cho rằng, Việt Nam cần những chính sách thúc đẩy công tác đầu tư các dự án khai thác mỏ, cơ sở hạ tầng khí, nhập khẩu khí, điện khí, tái hóa khí hóa lỏng LNG; cung cấp các cơ hội thích hợp, khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo ở tất cả các lĩnh vực quan trọng; xây dựng các chính sách thu hút các nhà đầu tư, thúc đẩy chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp trong nước, giúp các doanh nghiệp này có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
TS. Nguyễn Huy Hoạch, Hội đồng khoa học, Tạp chí Năng lượng Việt Nam cho rằng, việc phát triển các dự án điện LNG là xu thế tất yếu trong quá trình chuyển dịch năng lượng của nước ta. Đối với nước ta, việc xây dựng các dự án điện LNG từ nay đến năm 2035 là nhu cầu cần thiết để đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển kinh tế đất nước song song với hiện thực hóa những cam kết của Việt Nam tại COP26 về việc phấn đấu đạt phát thải ròng bằng "0" (Net zero) vào năm 2050. Để thực hiện mục tiêu này, nhập khẩu và tiêu thụ khí tự nhiên hoá lỏng để phát điện chính là ưu tiên hàng đầu của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay đến năm 2035.
Theo chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, muốn thu hút nguồn vốn phát triển điện khí LNG theo Quy hoạch điện VIII, cần quy hoạch đồng bộ, tập trung các dự án kho cảng nhập khẩu LNG; sớm hoàn thiện hành lang pháp lý làm cơ sở để triển khai xây dựng, sử dụng hạ tầng liên quan đến khí LNG, bao gồm các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn về kỹ thuật, thương mại, tài chính cần phải được hoàn thiện.
"Về mặt cơ chế chính sách cần phải rõ ràng, khả thi, thực tế, bảo đảm quản lý và quy định hiệu quả, xây dựng hệ thống phân phối và tiếp cận thị trường và thúc đẩy hợp tác quốc tế. Song song đó, cần hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế quản lý cho các dự án đầu tư điện khí LNG theo hình thức đầu tư thông thường (IPP) để tạo điều kiện thu xếp tài chính cho các dự án điện khí LNG quy mô hàng tỷ USD; rà soát và chỉnh sửa các quy định về thủ tục, trình tự đầu tư ở các Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Môi trường, Luật Quy hoạch tạo điều kiện cho việc hoàn thiện và phát triển điện khí LNG", ông Đinh Trọng Thịnh cho hay.
Tiềm năng phát triển Hydrogen xanh tại Việt Nam
Để cung cấp đủ nhu cầu điện trong nước đồng thời thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện, đạt tỷ lệ khoảng 30,9 - 39,2% vào năm 2030, hướng tới tỷ lệ năng lượng tái tạo đạt 47% với điều kiện các cam kết theo Tuyên bố chính trị thiết lập Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với Việt Nam được các đối tác quốc tế thực hiện đầy đủ, thực chất; định hướng đến năm 2050, tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5 - 71,5%.
Hội thảo với chủ đề “Tiềm năng phát triển hydrogen xanh trong lĩnh vực điện” do Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam và Hydrogene de France SA (HDF Energy) tổ chức tại Hà Nội vào tháng 7/2023 đã đánh giá vai trò của hydrogen xanh trong chính sách năng lượng của Việt Nam, góp phần thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII).
Hội thảo cho rằng mục tiêu của chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam là đảm bảo an ninh năng lượng, chuyển dịch năng lượng công bằng, chi phí hợp lý và thực hiện cam kết của Việt Nam về biến đổi khí hậu. Việc chuyển đổi nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện giai đoạn từ sau năm 2035 là nhiệm vụ quan trọng, vừa là cơ hội, vừa là thách thức lớn do sự sẵn có của nguồn nhiên liệu thay thế, công nghệ thay đổi liên tục, quy mô phát triển, chi phí nhiên liệu, phân định vốn/huy động vốn… Do đó, việc tăng cường hợp tác với các tổ chức trong khu vực và quốc tế trong quá trình chuyển đổi nhiên liệu cho ngành điện là rất quan trọng, góp phần giúp Việt Nam thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Pháp và Liên minh châu Âu tiếp tục huy động sự tham gia mạnh mẽ để giảm thiểu biến đổi khí hậu bằng cách hỗ trợ đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng tại Việt Nam. Sự đóng góp của Pháp, trong khuôn khổ của sự hợp tác song phương lâu dài, sẽ cho phép hỗ trợ lập kế hoạch năng lượng, tăng cường năng lực và mạng lưới điện, song song với việc phát triển năng lượng tái tạo.
Theo TS. Trần Khánh Việt Dũng - Giám đốc Hydrogen de France tại Việt Nam, với tiềm năng năng lượng tái tạo đặc biệt là điện gió ngoài khơi tại Việt Nam, với công nghệ, hỗ trợ tài chính thông qua JETP của Cộng hoà Pháp, EU và sự định hướng đúng đắn của Chính phủ Việt Nam, Bộ Công Thương, Việt Nam có thể trở thành quốc gia hàng đầu về sản xuất, sử dụng hydrogen xanh cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Việt Nam sẽ là nơi sản xuất, trung chuyển hydrogen xanh trong khu vực và trên thế giới trong tương lai gần.
Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) cho biết đang triển khai chương trình nghiên cứu, phát triển, sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, phân phối và sử dụng hiệu quả hydrogen với mục tiêu xác định tiềm năng và công nghệ phù hợp để sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, phân phối và sử dụng hiệu quả hydrogen tại Việt Nam.
Theo ông Trần Vĩnh Lộc - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chế biến Dầu khí, VPI đang tập trung đánh giá mức độ khả thi (về nguyên liệu, công nghệ, kỹ thuật, kinh tế - xã hội, môi trường) của các dự án tiềm năng và tích hợp các nguồn hydrogen sạch vào chuỗi giá trị hoạt động của Petrovietnam, trong đó chú trọng ứng dụng và tích hợp hydrogen trong lĩnh vực lọc hóa dầu, điện, giao thông vận tải… Hydrogen đóng vai trò quan trọng trong cân bằng cung cầu điện của Việt Nam, ước tính có 40 triệu tấn hydrogen sử dụng trong lĩnh vực điện vào năm 2050.
Nhân định xu hướng phát triển hydrogen trên toàn cầu, các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần sớm ban hành các chính sách, cơ chế phù hợp để phát triển chuỗi giá trị hydrogen; đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư để phát triển các dự án sản xuất hydrogen sạch, chú trọng công tác nghiên cứu phát triển, xây dựng và ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về hydrogen.../.