Cần cơ chế thúc đẩy phát triển sản xuất xanh và tăng trưởng xanh

Sản xuất xanh đang là một xu thế tất yếu của nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Bên cạnh việc bảo vệ môi trường thì sản xuất xanh còn giúp nhiều doanh nghiệp có được những tấm vé thông hành là các chứng chỉ xanh để thâm nhập sâu hơn vào các thị trường xuất khẩu "khó tính" như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản…

Hiện nay, tăng trưởng xanh là xu thế tất yếu và là một trong những trọng tâm được ưu tiên hàng đầu trong chính sách phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới vì sự phát triẻne bền vững. Qua việc nghiên cứu thực tiễn quốc tế về thực hiện sản xuất xanh, thương hiệu xanh trong doanh nghiệp, các nhà khoa học, chuyên gia tại Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã đúc rút một số kinh nghiệm trong quá trình phát triển kinh tế tại Việt Nam:

Về quy định pháp luật, kinh nghiệm cho thấy, các quốc gia hiện nay đều có những chính sách quốc gia về tăng trưởng xanh. Trong đó, một trong những giải pháp chính hướng đến tăng trưởng xanh là xanh hóa sản xuất từ quy mô doanh nghiệp đến quy mô ngành , lĩnh vực. Tuy nhiên, hướng đến tăng trưởng xanh là một quá trình lâu dài có thể chưa mang lại lợi ích trong ngắn hạn. Vì vậy, cần kết hợp chiến lược tăng trưởng xanh dài hạn, gắn với các chiến lược phát triển chung của chính phủ.

Ngoài ra, cũng cần lưu ý rằng một xã hội xanh, carbon thấp có thể đạt được thông qua sự phát triển cân bằng giữa sản xuất và tiêu dùng xanh. Sản phẩm thân thiện với môi trường sẽ trở nên vô nghĩa nếu thị trường không quan tâm.

Theo đó, để phát triển doanh nghiệp hướng đến sản xuất xanh, cần thiết phải xây dựng đồng bộ các chính sách về sản xuất xanh, các chuỗi giá trị sau cần được tăng cường trong việc hỗ trợ phát triển nguyên liệu xanh, công nghệ xanh, sản xuất các sản phẩm, thiết bị xanh như quản trị chuỗi cung ứng, vận chuyển và phân phối xanh, cuối cùng là phát triển thị trường xanh.

Để các doanh nghiệp, các ngành tự nguyện phát triển theo hướng sản xuất xanh, chính phủ cũng cần thiết phải chỉ ra những lợi ích, cơ hội cho họ trong tiến trình xanh hóa cũng như thiết lập một kế hoạch hành động xanh và lộ trình cụ thể cho các doanh nghiệp. Trong đó, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên và quản lý môi trường tốt hơn là những yếu tố chính để đạt được mục tiêu này.

Hơn nữa, ngoài các chính sách khuyến khích sản xuất xanh, một xã hội xanh, carbon thấp chỉ có thể duy trì được thông qua sự phát triển cân bằng giữa sản xuất và tiêu dùng xanh. Sản phẩm thân thiện môi trường sẽ trở nên vô nghĩa nếu thị trường không quan tâm. Chính vì vậy, để phát triển doanh nghiệp hướng đến sản xuất xanh, cần thiết phải xây dựng đồng bộ các chính sách về sản xuất và tiêu dùng xanh, xây dựng ý thức về môi trường và mua sắm xanh cho người tiêu dùng để tạo ra nhu cầu thị trường cho các sản phẩm và thương hiệu xanh.

Về thực tiễn xây dựng và phát triển sản xuất xanh và thương hiệu xanh của doanh nghiệp: Trước hết việc xây dựng một hệ thống đánh giá hoạt động sản xuất xanh được coi là một bước đầu tiên quan trọng để doanh nghiệp hướng đến tăng trưởng xanh. Nhìn chung, các bộ chỉ thị của các tổ chức quốc tế và các nghiên cứu đưa ra đều có mục tiêu chung là giúp các doanh nghiệp giám sát, thiết lập mục tiêu để theo dõi và báo cáo tiến độ của một quá trình hoạt động để đánh giá sự tiến bộ qua thời gian, giúp các cấp quản lý có những quyết định phù hợp. Hiện nay, ngày càng có nhiều doanh nghiệp sử dụng hệ thống đánh giá thực hiện sản xuất xanh đã được quốc tế công nhận (Sáng kiến báo cáo toàn cầu GRI, chỉ thị về hiệu quả tài nguyên và cường độ ô nhiễm RECP...) nhưng mỗi phương pháp đều có những ưu thế và khó khăn khác nhau trong việc áp dụng và có thể tóm lược:

Bộ tiêu chí cần được xây dựng dựa trên việc hiểu rõ nội hàm khái niệm của sản xuất xanh. Cần phải có cách tiếp cận toàn diện, thực chất, đánh giá đúng cốt lõi của mô hình sản xuất và kinh doanh có thực sự bền vững hay không, còn bao nhiêu không gian để trở nên bền vững hay hơn, cũng như các nỗ lực của doanh nghiệp để cải thiện mô hình. Để làm được điều đó, cách tiếp cận được đề xuất là cách tiếp cận dựa trên vòng đời sản phẩm.

Cải thiện môi trường chính là yếu tố đầu tiên để giúp các doanh nghiệp thành công trong việc hướng tới tăng trưởng xanh. Cải thiện môi trường luôn song hành với lợi nhuận và tăng sự cạnh tranh. Vì vậy, bước đầu tiên để giúp các doanh nghiệp hướng đến tăng trưởng xanh là đánh giá việc thực hiện môi trường thông qua xây dựng bộ chỉ thị môi trường.

Thiếu sót lớn nhất của các hệ thống đánh giá hiện nay là tập trung vào báo cáo công bố bên ngoài và đánh giá thấp thông tin nội bộ cần cho việc ra quyết định nhằm nâng cao hoạt động quản lý và cải tiến hoạt động thực tế của doanh nghiệp. Do đó, việc lựa chọn chỉ thị về quản lý và các chỉ thị phù hợp để hỗ trợ việc ra quyết định cho các hoạt động trong doanh nghiệp là yếu tố quan trọng.

Các hệ thống đánh giá hoạt động hiện nay chỉ nên được sử dụng như một tài liệu tham khảo. Mỗi loại hình doanh nghiệp nên có những đặc thù khác nhau. Vì vậy, doanh nghiệp nên tự xây dựng hệ thống thực hiện sản xuất xanh với việc lựa chọn những chỉ thị nào là do doanh nghiệp quyết định trên các nguyên tắc có thể kiểm soát và đánh giá được.

Nhiều nghiên cứu đã dùng phương pháp đánh giá vòng đời sản phẩm và khi tính toán một chỉ thị nào đó, cần thu thập số liệu từ quá trình khai thác, chế biến nguyên liệu, quá trình sản xuất sản phẩm và loại bỏ chúng để đánh giá quá trình sản xuất xanh một cách toàn diện. Tuy nhiên, ở Việt Nam cần cân nhắc áp dụng phương pháp này vì những số liệu ngoài phạm vi doanh nghiệp là rất khó kiểm soát và thu nhập chính xác. Vì vậy, theo kinh nghiệm xây dựng bộ chỉ thị thực hiện sản xuất xanh của UNIDO&UNEP của OCED, các chỉ thị được xây dựng cần dựa trên đầu vào, đầu ra của một quá trình sản xuất.

Ngoài ra, một doanh nghiệp không thể cùng một lúc đạt được ngay tất cả các tiêu chí mà đây là một quá trình cải tiến liên tục và cần thiết phải có lộ trình với các kế hoạch hành động cụ thể để phấn đấu đạt được những mục tiêu đề ra và các vấn đề ưu tiên cần giải quyết. Thông qua áp dụng bộ chỉ thị đánh giá, doanh nghiệp có thể đánh giá được quá trình tiến bộ và là cơ sở để đưa ra các biện pháp cải thiện nhằm hướng đến tăng trưởng xanh.

Để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế xanh bền vững, bên cạnh các giải pháp về mặt chính sách, bản thân các doanh nghiệp cũng phải hiểu được tầm quan trọng và có các biện pháp phù hợp để tự xanh hóa chính mình. Đối với các doanh nghiệp hướng đến xây dựng thương hiệu xanh thì doanh nghiệp cần quan tâm đến một số yếu tố:

Xanh hóa là xu hướng tất yếu, doanh nghiệp nên tiến hành xanh hóa càng sớm càng tốt, phù hợp với khả năng thực tiễn, để đạt được vị trí tiên phong và chiếm ưu thế. Cần có sự xanh hóa thực chất trong mô hình kinh doanh, sản xuất cũng như định hướng phát triển, tôn chỉ hoạt động của doanh nghiệp. Để đạt được sự xanh hóa thực chất, thì doanh nghiệp cần lựa chọn cách xanh hóa về mặt chức năng mang tính hệ thống, phù hợp với lĩnh vực, quy mô, mô hình hoạt động cụ thể của doanh nghiệp, chứ không chỉ là một số công tác xã hội bên ngoài hay một sản phẩm đơn lẻ.

san-xuat-xanh-mat-xich-quan-trong-de-tang-truong-xanh-1687849323.png

Để sản xuất xanh doanh nghiệp cũng cần nhiều nguồn vốn hơn, vì vậy rất cần có những cơ chế, chính sách hỗ trợ và hàng lang pháp lý phù hợp. Ảnh minh họa

Lại nói, dù mang lại nhiều lợi ích nhưng để sản xuất xanh không hề dễ dàng, ngoài sự nỗ lực của doanh nghiệp cũng rất cần các cơ chế chính sách phù hợp để hỗ trợ, thúc đẩy mô hình này, giúp hiện thực hóa việc đưa mức phát thải ròng về "0" vào đến năm 2050.

Nhiều thế hệ trong gia đình chị Sầm Thị Tình (Quản lý kinh doanh Hợp tác xã thổ cẩm Hoa Tiến) đã gắn bó với nghề nhuộm truyền thống. Tuy thân thiện với môi trường, nhưng những sản phẩm này không bền màu như nhuộm công nghiệp, giá thành lại không hề rẻ, vì thế cũng kén khách.

Chị Sầm Thị Tình chia sẻ: "So với sản phẩm ở ngoài thị trường, những sản phẩm tự nhiên như của chúng tôi, giá thành phải cao hơn gấp đôi. Chúng tôi phải nhắm đến những khách hàng quan tâm về văn hoá, môi trường, tự nhiên. Những tập khách hàng như thế không quá nhiều".

1 kg sợi bông truyền thống có giá 2 USD. Tuy nhiên, sợi bông organic, thân thiện với môi trường lại có giá gấp 2,5 lần. Giá đầu vào cao, giá thành phẩm bán ra thị trường cũng không thể rẻ. Do vậy để sản xuất xanh, doanh nghiệp cũng cần nhiều nguồn vốn hơn, vì vậy rất cần có những cơ chế, chính sách hỗ trợ và hàng lang pháp lý phù hợp.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cho biết: "Để xanh hóa cần phải có đầu tư. Nếu doanh nghiệp nào đầu tư, thành phố có chính sách hỗ trợ lãi suất, bù lãi suất trong thời gian 5 năm hay 7 năm để cho doanh nghiệp mạnh dạn, tái cơ cấu chuyển đổi cơ cấu sản phẩm, đổi mới công nghệ của mình".

"Họ đang chưa nhìn thấy một cơ chế nào có thể chia sẻ lại lợi ích từ việc họ tiết kiệm cho xã hội thì họ được cái gì. Họ có được giảm thuế không, có được hỗ trợ nguồn vốn để thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh hay không?", ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho hay.

Thi Nguyên (t/h)