Biến rác thành kiệt tác bằng dòng chảy nghệ thuật tái sinh

Thổi hồn vào những phế liệu bỏ đi bằng cả niềm đam mê và kiến thức, họa sĩ Nguyễn Quốc Dân đã tạo nên một dòng chảy nghệ thuật khác biệt: Nghệ thuật tái sinh.
anh1-img-3995-1712805416.jpg
Xưởng tái sinh được họa sĩ Quốc Dân thiết kế với ý đồ nhìn từ vòng mặt trăng (cửa tròn) sẽ thấy ánh mặt trời (giếng trời). (Ảnh: Lệ Thành)

Gần 4 năm kể từ khi “Xưởng tái sinh” của họa sĩ Nguyễn Quốc Dân được ra đời. Câu chuyện từ đứa trẻ bụi đời sống với phế liệu đến họa sĩ tài hoa, rồi lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường đến nay vẫn gây ấn tượng mạnh. Bởi lẽ, nghệ thuật tái sinh mà chàng họa sĩ theo đuổi không chỉ là trường phái nghệ thuật bền vững, ít người đủ kiên trì theo đuổi, mà còn gắn với giá trị hữu ích cho cộng đồng và môi trường.

“Phải có cả tình yêu lẫn học thuật”

“Xưởng tái sinh”, nơi mà rác thải không chỉ được tạo vòng đời mới mà còn kể nên câu chuyện về sự sống, môi trường và văn hóa. Ngôi nhà được làm từ những tấm tôn tự chế giăng kín phế liệu ấy như một bảo tàng về hành trình của những vật dụng tái chế. Nếu như trước đây, anh Dân được biết đến là một họa sĩ tài hoa với trường phái phi lập thể thì nay người ta tìm đến anh vì những tác phẩm “ngộ ngộ” cùng với câu chuyện tái sinh đằng sau. Cũng từ đó những giá trị về sự sống, về văn hóa bản địa cũng dần được khơi mở tại “biệt phủ phế liệu”.

Những chiếc túi xách, bàn ghế, đèn lồng, tượng nghệ thuật… đều được tái sinh từ những chiếc thùng phi, thau nhôm, ma-nơ-canh, chai lọ, lưới cũ đã bị vứt đi. Nguyên liệu ấy toàn những thứ anh Dân nhặt nhạnh dọc các bãi biển Hội An, Cù Lao Chàm, Núi Thành,… hàng tháng trời, hay mua lại từ kho phế liệu. Mỗi tác phẩm một chất liệu, một phương thức tái chế, một ẩn ý nghệ thuật khác nhau nhưng đều mang thông điệp hướng tới môi trường, đều mang chất “điên” của người làm ra chúng.

anh-2-img-4024-ok-1712805416.jpg
Tác giả cho biết, Tháp tái sinh vừa mang tính sắp đặt, tính điêu khắc lại vừa mang tính tương tác cao vì nghệ thuật môi trường. (Ảnh: Lệ Thành)

Nhận được sự quan tâm đặc biệt trong bộ sưu tập ấy là căn nhà vệ sinh được làm từ bồn nước inox phế liệu ngay sau xưởng, luôn được khách tham quan xếp hàng check-in. Hay tác phẩm “Bàn tay và khối óc” được tái sinh chính từ những ma-nơ-canh bỏ đi, thể hiện sự kết hợp giữa nghệ thuật và triết lý sống. Gần đây nhất là công trình “Tháp tái sinh”, với các khung sắt được xếp thành nhiều tầng để khách tham quan khi đến đây sẽ tự mình ném một phế liệu nhựa vào bên trong. Với ngụ ý mỗi cú ném là một sự giải tỏa, một hành động đóng góp vì môi trường, Tháp tái sinh là tác phẩm mang ý niệm nơi vật liệu nhựa phế liệu “chờ” được dang rộng thêm đôi cánh hóa thân thành những cánh chim được một lần nữa “Tái sinh” và được tung bay trên bầu trời cao rộng. Đây cũng là công trình mà họa sĩ Quốc Dân tâm đắc nhất trong năm nay.

anh-3-img-2024ok-1712805415.jpg
Ném phế liệu nhựa vào tháp tái sinh là hoạt động được nhiều khách tham quan thích thú nhất. (Ảnh: NVCC)

“Không thể nói tôi bảo vệ môi trường vì tôi không đủ sức làm điều lớn lao đó. Tôi có tình yêu với rác từ nhỏ, tôi yêu môi trường nên muốn làm những điều dành cho thứ mà mình yêu thích thôi. Và cũng chỉ mong rằng lan tỏa được tình yêu đó, hơn nữa là lan tỏa được tinh thần nghệ thuật tái sinh. Đó là điều tôi tâm đắc nhất”, anh Dân tâm sự.

Rác thải có nhiều phân loại, màu sắc, kiểu dáng, tình trạng, để phối hợp chúng tạo ra một tác phẩm thống nhất và hài hòa đòi hỏi sự kiên nhẫn, sáng tạo và kiến thức vững chắc về nghệ thuật cao.

Chính anh Dân cũng thừa nhận điều này khi chia sẻ: “Phế liệu thì vô số loại, nên muốn tạo sự đột biến trong trường phái này không dễ. Giống như đi khai phá các vùng đất mới vậy, khó khăn lớn nhất là giai đoạn đầu. Ngoài kinh tế thì tìm kiếm cảm xúc là thứ khó nhất. Nhưng với tôi, cảm xúc ấy xuất phát từ chính tình yêu của tôi với rác, với môi trường rồi. Vì thế mà khi bắt tay vào làm tôi mới có thể áp dụng kiến thức học thuật của mình một cách tốt nhất. Không có tình yêu với đối tượng đó thì làm gì cũng khó. Phải có cả tình yêu lẫn học thuật mới thành”.

Anh Huỳnh Viên, một trong ba cộng sự đặc biệt mà anh Dân luôn nhắc đến cùng mẹ và vợ, cũng khẳng định: “Anh Dân từng nói khi nào con người hết xả rác thì anh ấy mới hết lan tỏa. Anh luôn có những ý tưởng rất độc đáo. Anh ấy mê mẩn công việc gắn với phế liệu thế này lắm, luôn miệt mài và hết lòng vì chúng. Tôi cũng cảm nhận được giá trị mà anh hướng tới nên luôn muốn đồng hành cùng anh”.

Định giá bằng cái tâm của khách hàng

Những thứ được xem là phế phẩm trong cuộc sống hàng ngày của con người qua bàn tay họa sĩ Nguyễn Quốc Dân lại trở thành tác phẩm. Cũng chính trường phái nghệ thuật tập hợp những sự đứt gãy, chắp nối, sự ruồng rẫy đó đã thu hút lượng lớn khách tham quan trong nước cũng như du khách quốc tế tìm về để chiêm ngưỡng cơ ngơi có một không hai này. Thậm chí, họ còn chung tay vào công đoạn chế tác, tạo hình những tác phẩm từ phế liệu.

Anh Ivan Gainulin, một du khách người Nga, nói: “Tôi đến đây được học vẽ, học làm những sản phẩm từ vỏ chai nhựa trong một không gian tuyệt đẹp và đầy nghệ thuật. Những trải nghiệm ở đây làm tôi nhận ra con người có sự ảnh hưởng đến môi trường nhiều như thế nào. Thật sự Việt Nam có những nơi độc lạ khiến tôi không thể tưởng”.

anh-5-img-2024ok-1712805415.jpg
Du khách người Nga - Ivan Gainulin được hướng dẫn thực hiện một chiếc đèn từ chai nhựa bỏ đi. (Ảnh: NVCC)

Có người trải nghiệm rồi mới cảm nhận được, nhưng cũng có những người chỉ cần nhìn thấy đã nhận ra thông điệp từ những điều khác biệt. “Lúc đầu bước vào tôi tưởng đây là một căn nhà bỏ hoang, nhưng không, càng vào bên trong như mở ra một thế giới khác. Xung quanh toàn đồ tái chế nhưng có một sự liên kết, nghệ thuật đến kỳ lạ. Tôi thích nhất là trải nghiệm ở tháp tái sinh. Nó làm tôi cảm giác mình vừa làm một điều gì đó rất ý nghĩa” – chị Trương Thúy Bình, một du khách từ TP. HCM, nói sau nhiều ấn tượng bất ngờ về Xưởng tái sinh.

anh-7-img-2024-1712805416.jpg
Tác phẩm từ ma-nơ-canh và chiếc túi tái chế độc đáo tại Xưởng tái sinh. (Ảnh: NVCC)

Có những vị khách vì quá thích thú mà muốn sở hữu những tác phẩm ấy cho riêng mình. Theo lời anh Dân, ở đây có những thứ là sản phẩm, cũng có những thứ là tác phẩm. “Có những sản phẩm như túi xách được nhiều người vì quá thích mà yêu cầu bán, mặc dù tôi bán không hề rẻ họ vẫn mua”, anh Dân cho hay.

Nói như vậy không có nghĩa mô hình này Dân tạo dựng để kinh doanh vì tuyệt nhiên đây không phải nguồn thu chính của anh. Thu nhập chính của anh đến từ việc thiết kế, tư vấn logo, xây dựng thương hiệu cho các công ty, tập đoàn. Mà cái giá “không hề rẻ” này là do người họa sĩ không định giá tác phẩm của mình dựa trên công sức, chi tiết, hay kích thước. Thay vào đó, giá trị thực sự của những tác phẩm này được anh quyết định bởi cái tâm và mục đích của người muốn mua chúng.

“Như đã nói, tôi bắt đầu làm không phải vì tiền, tôi chỉ kiếm tiền để duy trì chứ không phải kiếm lợi nhuận, nên tôi không định giá chúng bằng công sức của mình mà bằng cái tâm của người mua. Những thành phẩm làm từ những thứ bỏ đi thì khi con người muốn nhận lại nó ở một hình hài khác phải có cách nhìn nhận và trân trọng khác. Như hiện nay, mô hình Tháp tái sinh đã có hai đơn vị ngỏ lời hợp tác nhưng tôi vẫn suy xét vì muốn biết giá trị thực mà họ hướng tới. Nếu họ chỉ muốn quảng cáo thì tôi từ chối ngay”, anh Dân khẳng định.

Khi khách hàng đến với anh, Nguyễn Quốc Dân không chỉ trao đi một tác phẩm nghệ thuật mà anh trao đi một phần của câu chuyện, một phần của linh hồn mình và một phần của giấc mơ về một môi trường sống tốt đẹp hơn. Anh lắng nghe câu chuyện của họ, hiểu được mục đích và mong muốn của họ, và từ đó, anh định giá tác phẩm không chỉ bằng tiền bạc mà còn bằng sự kết nối và chia sẻ.

Với những gì đã gầy dựng, anh Dân không mong mỏi được đón nhận mà mong có sự chuyển biến tích cực với môi trường. Anh chia sẻ: “Trong tương lai gần tôi muốn hoàn thành xong dự án Xưởng tái sinh hoàn thiện. Còn xa hơn, tôi mong muốn mỗi tỉnh nhà sẽ có một bảo tàng tái sinh, kể được câu chuyện hành trình của nhựa tái sinh. Để con em những thế hệ sau ý thức được những việc chúng ta làm tác động đến môi trường xấu như thế nào mà khắc phục”./.

Lệ Thành - Cáp Vương