Núi rừng hùng vĩ lay động tâm hồn người nghệ sĩ công an
Năm 1970, khi đang là học viên của trường Trung học An ninh nhân dân tại huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc). Núi rừng Tam Đảo hùng vĩ đã làm lay động tâm hồn chàng học viên trẻ. Ông hòa mình vào thiên nhiên. Những ngày ôn thi ngoài rừng, hành quân và lao động, kiếm củi… khiến ông mê mẩn với những rễ cây sần sùi bị vứt quăng quật giữa đường. Ông nảy ra ý nghĩ tạo ra những con thú, bức tượng...
Những năm đất nước còn khó khăn, vật lộn với cuộc mưu sinh thì tranh thủ lúc rảnh, ông mê mẩn với từng đường cong, thớ gỗ, đào, xới, vác trên vai cả chục kg gốc, rễ cây khiến không ít người coi ông như một kẻ lập dị… Khi nhà nhà tranh thủ làm giàu, ông vẫn mải mê, tìm niềm vui bằng những đường vân, khúc gỗ đẹp để tạo thành những tác phẩm giàu tính nghệ thuật và nhân văn.
Không có bản lĩnh và lòng dũng cảm phi thường thi sao ông vượt qua những lời dèm pha, dị nghị của những người xung quanh. Ông đam mê đến độ, ngày ấy việc đi lại khó khăn, hình ảnh một chàng sĩ quan công an trẻ mặt mày nhem nhuốc, trên vai trĩu nặng những khúc gỗ đã trở nên quen thuộc với cánh lái xe đường dài.
Đam mê khi có "hậu phương" vững chắc...
Với một người làm công tác quản lý, có tâm hồn nghệ sĩ, ông may mắn luôn được gia đình ủng hộ và động viên, chắp cánh những đam mê nghệ thuật của mình. Bố ông vốn là một nghệ nhân có tiếng về cây cảnh đã khích lệ, quyết định bán đi một mẫu đất ở chợ Đông Kinh (Lạng Sơn) để ông có cơ hội được thỏa nguyện những niềm đam mê sáng tác.
Không chỉ mày mò tự luyện, tướng Cường còn chủ động tìm đến gặp các nghệ sĩ điêu khắc: Cần Thư Công, Nguyễn Quân, Thẩm Đức Tụ… Đặc biệt, nhà điêu khắc Vương Học Báo, cựu Phó khoa Điêu khắc (Đại học Mỹ thuật Hà Nội), người đã có rất nhiều công đào tạo và giúp ông thành nghệ sỹ.
Đêm đêm, khi cả nhà ngon giấc, một ý tưởng chợt nảy việc tạo dáng gốc cây vừa mang về, khiến ông bật dậy đi tìm đục, cưa để đẽo, gọt. Những âm thanh ấy chẳng thể khiến ai trong nhà có thể ngon giấc được. Nhưng không một ai trong nhà trách móc, phàn nàn.
Những gốc cây, phiến đá vô hồn... nhờ có bàn tay, khối óc người nghệ sĩ mà trở thành sinh động, có hồn. Tướng Cường đã thổi hồn cho những đồ vật đó, để chúng, gợi mở câu chuyện về cuộc sống, con người,nét đẹp lịch sử, văn hóa ...
Hơn 40 năm lao động nghệ thuật, ông đã sáng tác hơn 200 tác phẩm bằng chất liệu gốc và rễ cây. Hình ảnh “Anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt” hiện lên oai phong, lẫm liệt mà nho nhã; Tiếng cồng chiêng ở “Âm vang núi rừng”, “Nổi trống lên, rừng núi ơi”, nét mộc mạc của “Tiếng đàn quê”, “Trâu”… Hình ảnh Quan Vân Trường trong “Quan Công”, hay văn hóa phương Tây trong “Hiệp sĩ và chiến mã”, “Đấu bò Tây Ban Nha”, “Thiên tài vĩ cầm Paganin”… Sự bay bổng, lãng mạn thấm đậm trong “Tung cánh chim”, “Sau ô cửa” … “Đối với tôi, nghệ thuật là một cuộc tìm kiếm không biên giới, không bến bờ. Không gì có thể ngăn mình sáng tạo”, tướng Cường trải lòng.
Lay động lòng người, lắng đọng phù sa
“Tôi rất ấn tượng với những tác phẩm của tướng Cường. Thông qua những tác phẩm nghệ thuật của ông, chúng tôi được biết thêm về lịch sử, văn hóa, tầm nhìn của người Việt Nam đối với thiên nhiên đất nước” – cựu Đại sứ Liên bang Nga tại Việt Nam Andrey Kovtun hồ hởi nói.
Những tác phẩm nghệ thuật của tướng Cường luôn ý thức giữ lại vẻ đẹp tự nhiên, dị biệt và độc đáo của thiên nhiên đã để lại trên thân cây, những đường gân, thớ gỗ, vốn là sự tinh túy nhất một đời cây còn lại mà không chất liệu nào khác có được... Ông tung tẩy, không bị gò bó, lẫn phong cách của ai, tạo nên những tác phẩm nghệ thuật độc đáo .
Ông đã sáng tạo lên những tác phẩm dựa trên chất liệu lũa, gỗ, đá cổ để tạo nên những tác phẩm điêu khắc thật sự độc đáo và thoát hẳn khỏi cái lệ thuộc và tự nhiên. Đó là những đóng góp thật sự của nghệ sĩ, thiếu tướng Trần Gia Cường trong thể loại điêu khắc mới mẻ này. “Đây thực sự là đóng góp đáng kể của anh trong sự làm phong phú, đa dạng và mới mẻ trong nghệ thuật điêu khắc này”- Họa sĩ Thành Chương nhận định.
Tướng Cường chỉ làm những việc mình thích, không bị chi phối. Nghệ thuật ùa đến, có những khoảnh khắc mang cho ông những điều mà lý trí không thể lên tiếng. Ngắm những tác phẩm nghệ thuật của ông, ta cảm nhận, lắng lòng thấy được tâm hồn, rung động trước nghệ thuật cái đẹp.
Những tác phẩm nghệ thuật của ông, chứa đựng sự kết tinh của thời gian hàng vạn, thậm chí hàng triệu triệu năm. Thông qua các tác phẩm, từng đường cong, vân gỗ ông nghiệm được nhiều triết lý về nhân sinh quan.
Giữa những bộn bề tất bật của công việc chuyên môn, ông vẫn dành cho mình những phút thư giãn với âm nhạc, bàn tay nhảy múa bên cây đàn piano hay cây đàn ghi-ta. Ông thừa nhận, chính âm nhạc, khiến ông lại có nhiều “chất liệu” để tay búa, tay đục bên những tác phẩm điêu khắc của mình .
Những cống hiến của ông với nghệ thuật, với mục đích muốn tri ân với cuộc đời, những người yêu mến quanh mình, bởi mỗi ngày được sống, lao động và trải nghiệm đối với mình đều sẽ lắng đọng thành một thứ phù sa. Tướng Trần Gia Cường mong muốn những các tác phẩm của mình sẽ góp vào danh sách những “Địa chỉ văn hóa” mà Hà Nội đang xây dựng để những người yêu nghệ thuật điêu khắc trong và ngoài nước thưởng thức.
“Tôi là người muốn khám phá cuộc sống đa chiều. Tôi tìm đến nghệ thuật như một sự bổ xung cảm xúc khi những nốt nhạc không thể giúp tôi nói hết những tâm sự của mình. Bên cạnh ước muốn được góp phần làm đẹp cho đời, tôi thực sự muốn rằng những công việc ấy, những tác phẩm ấy sẽ giúp khơi gợi những khao khát tìm tòi, sáng tạo ở lớp trẻ”, ông trải lòng./.