Chinh phục cao nguyên Di Linh huyền bí - Bài 2: Vào rừng sinh tồn, lên đỉnh Brăh Yàng

Đỉnh núi Brăh Yàng trên cao nguyên Di Linh là địa điểm du lịch trekking (đi bộ trong rừng) khám phá, sinh tồn, ngủ trong rừng mà chúng tôi đã chinh phục. Với nhiều đồi dốc, hiểm trở, để leo núi, đi xuyên rừng sâu, ngủ trên núi mang tính sinh tồn cần phải có đam mê, sức khỏe và đặc biệt là tính tự lập, gắn liền với đồng đội dẫn đường, nếu không có thể bị lạc bất cứ lúc nào.
thi-1714736067.jpg
Một đồng nghiệp leo núi bắt đầu chinh phục đỉnh Brăh Yàng.

Đỉnh Brăh Yàng theo người dân bản địa là nơi ở của vị thần núi linh thiêng. Đỉnh núi này có độ cao 1.879m so với mực nước biển, cao nhất ở Di Linh được bao quanh là rừng nguyên sinh, với nhiều khe nước trong vắt gắn với những truyền thuyết của đồng bào K’Ho Srê. Người dân nơi đây tin rằng vị thần Brăh Yàng rất linh thiêng, có sức khỏe và tài quy phục dã thú, bảo vệ con người cùng vạn vật. Ai mà lên được đỉnh núi cao hiểm trở này phải có niềm tin vào Yàng, là con cháu của Yàng lên thăm, phải sức bền lẫn thể lực, mới có thể chinh phục được.

Thử thách sinh tồn nơi rừng sâu

Để lên đỉnh Brăh Yàng, chúng tôi phải lội bộ, băng qua những ruộng lúa, những đồi cà phê, lội suối, vượt đèo, bằng qua rừng thông, leo lên từng con dốc dựng đứng lên đến 5-6 tiếng đồng hồ. Dưới cái nắng gắt, chúng tôi vẫn hừng hừng cuốc bộ trong rừng sâu, rồi nhanh chóng chóng mệt mỏi, mồ hôi nhễ nhại ướt như tắm.

linh-1714736577.jpg
Hành trình lội suối, vượt đèo chuẩn bị vào rừng.

Trước đây, tôi từng leo những ngọn núi có vách đá tai mèo nhọn hoắt, hoặc những vách đá cheo leo, dựng đứng ở phía Bắc. Tuy nhiên, khi theo dấu chân của người K’ Ho bản địa lên núi Brăh Yàng bằng đường mòn, dốc nối dốc, thì độ khó cũng rất khủng khiếp. Vì phải đối mặt với những con dốc dựng đứng, cộng với nắng nóng thì bị phá sức rất nhanh. Cạnh đó là những con suối gầm gừ dữ dội, khi vượt qua suối mà nước bất ngờ ập về thì rất nguy hiểm. Tuy nhiên, với những ai ưa cảm giác mạnh, ngọn núi thiêng cao nhất Di Linh chính là nơi cần khám phá, chinh phục khi muốn sinh tồn trong rừng sâu.

Anh K'Brẻoh, người con của buôn làng K’Ho dẫn đường cho chúng tôi lên núi kể rằng: “Khu rừng trên đỉnh núi Brah Yang còn được gọi là "rừng mây" hoặc "rừng tiêu" được bao phủ màn sương dày vào buổi sớm. Rừng này nằm ở độ cao trên 1.500m so với mực nước biển. Khu rừng này rộng khoảng 5.000 ha, có nhiều loại cây cổ thụ, chục người ôm như: Bách xanh, gỗ sưa, sồi, bồ đề, trúc đen, sao đen...Đặc biệt, rừng mây trên đỉnh núi Brăh Yàng còn là nơi sống của nhiều loài động vật quý hiếm như hươu, gấu mèo, khỉ đuôi dài, báo và chim báo phượng…”

nam-1714736675.jpg
Anh K'Brẻoh hái nấm trong rừng, phục vụ bữa ăn cho những người leo núi.

Rừng Brăh Yàng có nhiều suối lớn, suối nhỏ đổ từ trên đỉnh núi xuống. Vào rừng tìm nước để uống, phòng khi đi lạcc rất quan trọng giúp bạn sinh tồn. Nếu sợ uống nước suối khi sống trong rừng, chúng ta có thể tìm kiếm các nguồn nước trong các cây tre, lồ ô để uống.

Sau những bước chân dạo đầu đẹp, phóng tầm mắt lên những ngọn núi, đồi trập trùng xanh thẳm, hùng vĩ, nên thơ là những giọt mồ hôi nhễ nhại, những màn thở dốc cũng rất khắc nghiệt. Chúng tôi đi vào rừng bằng ý chí, muốn chinh phục thử thách, sống, sinh tồn trong rừng để khám phá thiên nhiên hoang dại giữa đất trời.

z5405756283055-57ee183b7fab8c6e9ba9e475060e3586-1714737321.jpg
Anh Nhoi Mur đang nấu bữa trưa giữa rừng.

Chúng tôi đi theo lối mòn mà người con K’Ho bản địa dẫn đường lên núi. Nếu không cẩn thận, rất dễ bị lạc bước trong rừng sâu. Đi mãi, đi mãi, tưởng như sức cùng, lực kiệt, chúng tôi cũng đến bãi đất trống nghỉ trưa giữa rừng để chế biến, tìm thức ăn từ nấm, cây rừng hay săn bắt, hái lượm như người rừng.

Ai quá mệt mỏi thì nghỉ ngơi, nhằm lấy sức vào rừng sâu trước khi trời tối. Nghỉ trưa xong, sang chiều chúng tôi tiếp tục vào rừng men theo những loạt cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi, đan xen những bông hoa lan rừng trắng toát, nhỏn xíu, xinh xinh.

z5405756273019-01b89790df9ba72ac310108ef8fb2860-1714737178.jpg
Những thảm thực vật đa dạng trong rừng nguyên sinh.

Giật mình với "quái vật rừng xanh"

Trong hàng trăm thảm thực vật trong rừng nguyên sinh trên núi Brăh Yàng, tôi ấn tượng nhất với loài cây sống ký sinh được gọi là "cây đa bóp cổ" hoặc "quái vật rừng xanh". Loại cây này là hạt mầm mà loài chim hoặc dơi ăn xong thả trên thân cây cổ thụ, sống ký sinh ôm ấp nhau tưởng như tình yêu vĩnh cửu. Sự thực trong những khu rừng, sinh tồn cũng khốc liệt giống như ngoài cuộc sống của con người vậy.

Một khi bộ rễ cây đa bóp cổ đã bám được vào thân cây chủ, rồi đan xen vào nhau thành một mạng lưới hàng trăm chiếc rễ chồng lên nhau. Cây đa bóp cổ phát triển 2 chiều vươn thẳng lên bao trùm thân chủ để đón ánh sáng mặt trời và cắm thẳng xuống đất hút nước và mang các chất dinh dưỡng lên nuôi cây. Khi rễ phát triển mạnh, hóa gỗ sẽ dần bóp chết dần, chết mòn. Cứ thế, theo thời gian những cây chủ hàng trăm năm cũng phải mục nát trong lòng cây đa bóp cổ. Mới nghe qua thì thấy cây đa bóp cổ độc ác, nhưng tìm hiểu kỹ, đó chính là qui luật cộng sinh để tồn tại.

thuan-1714736907.jpg
Tác giả bên cây đa bóp cổ, "quái vật rừng xanh".

Trên đường lên núi thiêng Brăh Yàng, chúng tôi băng qua rừng nguyên sinh, bắt gặp rất nhiều cây đa bóp cổ. Anh Nhoi Mur, đồng bào K’Ho Srê sống gần núi Brăh Yàng, hào hứng kể về cây đa bóp cổ phát triển mạnh mẽ hóa gỗ cũng là lúc chúng bóp chết dần cây chủ. Bằng cách thức trên dùng lá bao phủ - dưới dùng dễ bóp nghẹt thân, khiến cây chủ già yếu, chết dần, chết mòn rồi bị thay thế bởi cây đa bóp cổ. “Thiên nhiên có vẻ khắc nghiệt với cuộc chiến sinh tồn mạnh được yếu thua. Thực tế, đó là quy luật cuộc sống, không phải cây đa ác đâu mà vốn dĩ cây cổ thụ cũng đã già cõi rồi. Đó chính là sự cộng sinh trong cuộc sống khi thế hệ trước nhường chỗ cho thế hệ sau”, anh Nhoi Mur nói thêm.

Thiên nhiên hay cuộc sống luôn ẩn chứa nhiều điều huyền bí mà loài người chúng ta khó có thể giải thích hết được. Sự kỳ diệu của thiên nhiên hoang dã tại ngọn núi thiêng Brăh Yàng vẫn đang chờ đón những người thích khám phá!

Chiều dần buông xuống cũng là lúc lượng nước mang theo vào rừng cạn dần. Những người con của Brăh Yàng dẫn chúng tôi đến giếng nước thần gần đỉnh núi, nơi có nguồn nước mát quanh năm không bao giờ cạn. Tương truyền khi chàng Brăh theo các nàng tiên lên núi, chàng chỉ thấy toàn cây cổ thụ chứ không có người. Thần núi dẫn chàng nước từ giếng này để rửa mặt. Vừa rửa xong nguồn nước mát lành, chàng bỗng nhìn thấy những căn nhà dài cổ xưa giữa rừng. Từ đó, chàng ở lại cùng con gái của thần núi để cai quản ngọn núi thiêng.

ok-1714737913.png
Giếng nước thần gần trên đỉnh núi không bao giờ cạn.

Chúng tôi đến giếng nước thần khi phải vượt dốc, vượt đèo mệt nhọc với những cơn khát như thiêu, như đốt. Nhưng vừa nghỉ chân bên giếng nước thần cảm giác mát lạnh ngập tràn. Ngôi bên giếng nước rửa mặt, tôi cảm nhận sự khoan khoái, dễ chịu sau gần một ngày leo lên đỉnh núi thiêng.

Người đồng bào K’Ho Srê nơi đây tin rằng thần núi sẽ ban cho lữ khách đến rửa mặt tại giếng sức khỏe dồi dào. Mỗi chuyến lên đỉnh Brăh Yàng cũng là chuyến viếng thăm vùng đất linh thiêng, như những người con K’Ho về thăm tổ tiên của mình nên phải giữ sự kính trọng, tôn nghiêm của vùng đất này./.

Lê Thuận