Bắc Kạn: Chuyển đổi mô hình theo hướng hữu cơ, huyện Bạch Thông bội thu

Nhờ sản xuất theo hướng hữu cơ, hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, huyện Bạch Thông (Bắc Kạn) từ đầu năm 2023 đã thực hiện được hơn 170 ha lúa góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
b-1693711024.jpg
Doanh nghiệp thu mua thóc cho các hộ dân liên kết trồng lúa theo hướng hữu cơ tại xã Mỹ Thanh, huyện Bạch Thông (Bắc Kạn).

Vụ xuân 2023, toàn huyện thực hiện 61,37 ha lúa sản xuất theo hướng hữu cơ gắn với liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm tại các xã Quân Hà, Nguyên Phúc, Mỹ Thanh, Tân Tú và thị trấn Phủ Thông. Giống lúa được sử dụng trong vụ xuân năm nay là Đại dương 1 và đơn vị liên kết là doanh nghiệp tư nhân kinh doanh giống cây trồng Quốc Anh (tổ 15, phường Sông Cầu, thành phố Bắc Kạn) cung ứng vật tư và bao tiêu toàn bộ sản phẩm thóc khô của các hộ tham gia mô hình. Các hộ dân tham gia mô hình được tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ 70% kinh phí mua giống lúa, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

Theo đánh giá của Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Bạch Thông, qua các mô hình thực hiện vụ xuân 2023, do là vụ đầu tiên bà con chuyển đổi từ phân bón vô cơ sang bón phân hữu cơ (giai đoạn cải tạo đất) nên một số ruộng nghèo dinh dưỡng, thiếu phân chuồng hoai mục, một hộ chưa bổ sung đủ 30% phân bón còn lại thì năng suất thấp hơn so với những ruộng bón phân vô cơ. Nhưng một số ruộng bón đủ phân theo hướng dẫn (có phân chuồng hoai mục bón lót) thì lúa phát triển khỏe, ít sâu bệnh và năng suất tương đương với ruộng tốt của bón phân vô cơ.

Chi phí vật tư đầu như giống, phân bón của ruộng bón phân hữu cơ cao hơn 2 triệu đồng/ha so với ruộng bón phân vô cơ. Tuy nhiên, tổng thu từ bán thóc khô của ruộng bán phân hữu cơ cao hơn 4,5 triệu đồng/ha so với ruộng bón phân vô cơ do thóc bán được giá cao hơn. Ngoài ra, ruộng bón phân hữu cơ được cải tạo, nâng cao độ phì nhiêu cho đất, sản phẩm hàng hóa sản xuất ra đảm bảo an toàn cho người sử dụng.

Là một trong các hộ dân tại xã Mỹ Thanh tham gia mô hình trồng lúa theo hướng hữu cơ vụ xuân 2023, ông Triệu Tiến Minh ở thôn Bản Luông cho biết, trước đây, gia đình ông chủ yếu gieo cấy lúa thuần để ăn và phục vụ chăn nuôi, tuy nhiên năng suất không được cao. Vụ xuân 2023, gia đình ông Minh tham gia mô hình cấy lúa lai Đại dương 1 theo hướng hữu cơ với diện tích hơn 2.000 m2. Được cán bộ chuyên môn hướng dẫn quy trình kỹ thuật và Nhà nước hỗ trợ giống, phân bón nên năng suất lúa cao gấp 1,5 lần so với một số giống lúa thuần trước đây, thóc khô được doanh nghiệp đến tận nơi thu mua, giá cao hơn so với thóc Khang dân.

Nối tiếp thành công mô hình thực hiện trong vụ xuân, vụ mùa 2023, huyện Bạch Thông tiếp tục triển khai trồng lúa theo hướng hữu cơ với quy mô thực hiện 110 ha. Trong đó, 60 ha giống lúa bao thai thực hiện tại các xã Tân Tú, Cẩm Giàng, Lục Bình, Vi Hương, Quân Hà, thị trấn Phủ Thông; 50 ha nếp bản địa thực hiện tại các xã Tân Tú, Quân Hà, Cẩm Giàng, thị trấn Phủ Thông. Sản phẩm giống nếp bản địa sau thu hoạch sẽ được Hợp tác xã Mộc Miên Xanh (thị trấn Phủ Thông) và Hợp tác xã Hồng Phát (xã Cẩm Giàng) cam kết thu mua. Hiện nay, các hộ dân tham gia mô hình đang tích cực chăm sóc lúa nhằm đạt mục tiêu năng suất, sản lượng theo kế hoạch.

Các mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ được thực hiện thành công sẽ giúp cải tạo và bảo vệ đất lúa, bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, hướng tới một nền nông nghiệp sinh thái, thân thiện với môi trường; tạo ra sản phẩm gạo đảm bảo các tiêu chuẩn về chất lượng theo yêu cầu của thị trường, nâng cao giá trị gạo sản xuất tại địa phương. Liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ trong sản xuất lúa giúp người dân yên tâm sản xuất, từng bước tạo vùng sản xuất lúa hàng hóa có chất lượng, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Thành công các mô hình năm 2023 sẽ là tiền đề để huyện Bạch Thông mở rộng quy mô sản xuất lúa theo hướng hữu cơ trong thời gian tới./.