Quảng cáo #128

Ba yếu tố là động lực tăng trưởng cho kinh tế Việt Nam năm 2023

Tại Diễn đàn thường niên lần thứ 15 chủ đề “Tối ưu nguồn lực, vượt qua thách thức”, sáng 11/1, đánh giá về thời cơ cho kinh tế Việt Nam năm 2023, theo các chuyên gia kinh tế, dù dự báo tình hình kinh tế Việt Nam năm 2023 sẽ đối mặt nhiều thách thức, sức ép hơn nhưng nếu tận dụng được các cơ hội hiện nay sẽ tiếp tục nối dài động lực tăng trưởng.

Chia sẻ tại Diễn đàn, TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, bước vào năm 2023, có 3 yếu tố có thể coi là động lực tăng trưởng đó là: Trung Quốc mở cửa trở lại; GDP toàn cầu dự báo tăng thêm 1 điểm %, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội 2022-2023 và đầu tư công được đẩy nhanh hơn.

Cùng với đó là các động lực từ nền tảng vĩ mô và kinh nghiệm phòng chống dịch, quản trị rủi ro được tích lũy tốt lên; rủi ro tài khóa ở mức trung bình tạo dư địa cho năm 2023. Lạm phát tăng nhưng cơ bản được kiểm soát, áp lực tăng lãi suất, áp lực tỷ giá và rủi ro nợ đang giảm dần. Kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn được đẩy mạnh. Bên cạnh đó, kiều hối của Việt Nam trong năm 2022 rất tích cực tăng 5%, trong khi nhiều quốc gia trên thế giới giảm.

Đặc biệt, năm 2023, quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, hoàn thiện thể chế (sửa đổi Luật Đất đai, Luật nhà ở, luật liên quan đến kinh doanh bất động sản, tài chính tín dụng tại Việt Nam sẽ được thúc đẩy. Kinh tế Internet tăng khá nhanh sẽ tạo đà cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế... Bên cạnh đó, Việt Nam đang tích cực chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa, số hóa, kinh tế tuần hoàn được đẩy mạnh, hội nhập tích cực.

dn1-1673430431.jpg
Kinh tế Việt Nam năm 2023 được dự báo có nhiều cơ hội, thách thức đan xen. (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, ngoài những cơn gió xuôi, ông Lực cũng chỉ ra những thách thức lớn được coi như những "cơn gió ngược" đối với năm 2023. Đó là tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong dòng chảy kinh tế thế giới dần chậm lại và một số nước có thể rơi vào suy thoái cục bộ, ngắn hạn, dự báo giảm mạnh từ 6% năm 2021 xuống khoảng 3% năm 2022 và 2,2 - 2,7% năm 2023, làm giảm lực cầu xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng và du lịch quốc tế.

Nêu rõ những thách thức phải đối mặt, ông Lực nhận định, bước vào năm 2023, kinh tế thế giới phải đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức tồn tại từ năm 2022 liên quan đến 4 tăng và 2 giảm.

Cụ thể, 4 tăng là bất định tăng (chiến tranh, dịch bệnh…); lạm phát và lãi suất tăng ở mức cao; rủi ro tài chính tăng (lãi suất tăng, tỷ giá tăng, rủi ro nợ tăng) và rủi ro an ninh năng lượng, an ninh lương thực tăng, an ninh chuỗi cung ứng tăng; 2 giảm là lợi nhuận biên của doanh nghiệp giảm; đà phục hồi kinh tế giảm (+3% năm 2022) và suy thoái nhẹ, cục bộ năm 2023, cùng với đó sẽ chịu tác động từ xu hướng dịch chuyển nhanh của kinh tế số, tài chính xanh, chuyển đổi năng lượng, bất động sản xanh…

Đồng thời, ông Lực nhấn mạnh, kinh tế Việt Nam đang chịu tác động từ rủi ro của nền kinh tế thế giới và khu vực. Đó là 3 cú sốc/rủi ro chính tác động đến các nền kinh tế châu Á: Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng chậm lại làm giảm tổng cầu, khiến tăng trưởng toàn cầu giảm 1 điểm % năm 2023. Giảm tổng cầu khiến tăng trưởng tại Mỹ và châu Âu giảm 2 điểm %. Điều kiện thị trường tài chính khó khăn hơn khiến rủi ro và lợi suất tăng.

Tại Việt Nam, xuất khẩu và sản xuất công nghiệp đang giảm đà tăng trưởng. Chỉ số quản lý thu mua (PMI) của hoạt động sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam giảm mạnh, lạm phát (CPI) còn gia tăng, giải ngân đầu tư công vẫn là thách thức (mới chỉ đạt 85% kế hoạch năm), thanh khoản thị trường ngân hàng còn eo hẹp. Có thể nói, doanh nghiệp đang đứng trước nhiều khó khăn khi bước vào năm 2023.

Một thách thức nữa là việc giải ngân vốn đầu tư công, ông Lực đặt vấn đề rằng tổng vốn giải ngân mục tiêu mà Việt Nam đưa ra có phù hợp hay không, liệu nền kinh tế có đủ sức hấp thụ được nguồn vốn này?. Bởi trên thực tế nền kinh tế chỉ hấp thụ được khoảng hơn 400.000 tỷ đồng/năm, mà mục tiêu Chính phủ đưa ra là 700.000 tỷ đồng. Như vậy, nếu tổng vốn đầu tư công quá cao so với sức hấp thụ trên thực tế sẽ gây sức ép lên việc huy động vốn từ trái phiếu Chính phủ và thanh khoản của hệ thống tài chính.

Theo đó, để kiên định giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, tối ưu hóa nguồn lực, các bộ ngành từ trung ương tới địa phương cũng như các lĩnh vực của nền kinh tế cần nâng cao tính độc lập, tự chủ, tự cường và năng lực chống chịu của nền kinh tế; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Đối với doanh nghiệp, TS. Cấn Văn Lực khuyến nghị, doanh nghiệp cần cơ cấu lại, kiểm soát rủi ro dòng tiền, lãi suất, tỷ giá; chủ động tìm hiểu, tiếp cận Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội, nhất là các gói hỗ trợ tài khóa; chương trình nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, chung cư cũ, đầu tư công… Đồng thời, có phương án cụ thể, khả thi đối với trái phiếu doanh nghiệp phải đáo hạn 2023 - 2024; đa dạng hóa nguồn vốn qua tín dụng, cổ phiếu, trái phiếu, quỹ đầu tư, phát hành các loại giấy chứng từ có giá trí như chứng chỉ quỹ, cổ phiếu (REIT).

Đặc biệt, để chống chịu với những cú sốc, biến động trong năm 2023, ông Lực gửi gắm cộng đồng với doanh nghiệp 8 chữ: "Vững tâm, vượt khó, nền tảng tương lai".
 

Đông Nghi