Giải pháp dinh dưỡng và thức ăn trong phát triển nuôi công nghiệp

Thức ăn công nghiệp góp phần quan trọng trong phát triển nuôi trồng thủy sản (NTTS) theo hướng hiện đại, bền vững. Tuy nhiên, việc sử dụng thức ăn công nghiệp trong nuôi biển vẫn còn một số hạn chế. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, muốn phát triển bền vững nuôi biển, phải làm chủ được thức ăn, dinh dưỡng bởi đây là yếu tố quyết định tới giá thành, chất lượng sản phẩm.

Còn nhiều thách thức...

Theo Tổng cục Thủy sản, tổng diện tích tiềm năng nuôi biển ở nước ta khoảng 500.000ha, trong đó diện tích nuôi vùng bãi triều ven biển là 153.300ha; diện tích nuôi vùng vũng vịnh, eo ngách và ven đảo là 79.790ha và nuôi vùng biển xa bờ 100.000ha. Đến năm 2021, Việt Nam có khoảng 8 triệu m3 lồng nuôi biển, với sản lượng đạt trên 700.000 tấn.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá tại hội thảo “Thực trạng, giải pháp dinh dưỡng và thức ăn trong nuôi biển công nghiệp tại Việt Nam” vừa qua cho rằng, muốn phát triển bền vững nuôi biển, phải làm chủ được thức ăn, dinh dưỡng bởi đây là yếu tố quyết định tới giá thành, chất lượng sản phẩm.

Việt Nam có tiềm năng to lớn để phát triển nuôi biển. Tuy vậy, việc sản xuất và cung cấp thức ăn chuyên cho nghề nuôi cá biển vẫn chưa phát triển dù đây là yếu tố quyết định tới giá thành, chất lượng sản phẩm, Thứ trưởng Tiến cho hay.

Ông Lê Văn Khôi, đại diện Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I cho biết, thức ăn cho nuôi biển gồm 2 loại (thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh phục vụ nuôi công nghiệp; thức ăn tự chế từ tận dụng các loại phế phụ phẩm trong nông nghiệp, các loài cá tạp) và được cung cấp bởi 2 nguồn chính là sản xuất trong nước và nhập ngoại.

Phần lớn lượng thức ăn công nghiệp cho nuôi biển do các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài sản xuất hoặc nhập ngoại nên khó kiểm soát được giá thành, chất lượng, nguồn gốc của thức ăn cũng như khả năng và các phương thức cung cấp.

nuoi-ca-long-be-tai-dao-ong-cu-1663659078.jpg
Mô hình lồng bè nuôi trồng hải sản trên biển. Ảnh minh họa

Thực tế, một số công ty đã tham gia sản xuất thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho nuôi biển, sản lượng 40.000 - 50.000 tấn/năm. Tuy nhiên, khối lượng thức ăn thủy sản phải nhập khẩu hàng năm rất lớn, khoảng 140.000 - 150.000 tấn thức ăn từ Thái Lan, Hồng Kông và Đài Loan (Trung Quốc).

Một trong những thách thức khác với ngành đó là việc cải tiến các nguyên liệu sẵn có, để sử dụng hiệu quả và triệt để nhất các nguyên liệu đang dùng hiện nay. Vì vậy, thay cho việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu mới sẽ mất nhiều thời gian thì việc nghiên cứu cải tiến nguyên liệu sẵn có được nhiều nhà khoa học ưu tiên hơn. Hơn nữa việc cải tiến nguyên liệu sẵn có còn đóng góp vai trò giảm tác động của biến đổi khí hậu, khi khí hậu thay đổi, năng suất bị ảnh hưởng thì việc sử dụng hiệu quả nguyên liệu sẵn có cũng là một cách làm giảm áp lực vào tự nhiên.

Phát triển bền vững, chủ động trong khâu sản xuất

Để nuôi biển bền vững, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến kêu gọi cơ quan quản lý, địa phương và doanh nghiệp cần tăng cường phối hợp, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong nuôi trồng, bảo quản, chế biến hải sản để tạo ra những sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Lãnh đạo Bộ NN-PTNT đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm, nhằm thực hiện hiệu quả Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa được Chính phủ phê duyệt.

Đó là nghiên cứu, phát triển các công thức thức ăn, nguyên liệu chế biến thức ăn phù hợp với từng loài và giai đoạn phát triển, đặc biệt là giai đoạn con non, con giống của các đối tượng nuôi biển.

Xây dựng các khu sản xuất thức ăn tập trung, gắn với khu dịch vụ hậu cần nghề cá và vùng nuôi biển tập trung; tiến tới chủ động sản xuất trong nước, đủ số lượng, đảm bảo chất lượng phục vụ sản xuất giống và nuôi thương phẩm.

gia-thuc-an-lam-kho-thuy-san-1619412015-1663659279.png
Giá thức ăn tăng chóng mặt khiến người nuôi thủy sản gặp khó khăn. Ảnh minh họa

Xã hội hóa công tác nghiên cứu về thức ăn phục vụ nuôi biển, trong đó chú trọng việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp, thành phần kinh tế đầu tư vào công tác nghiên cứu, phát triển sản xuất thức ăn phục vụ nuôi biển.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Đinh Văn Thiệu cho biết, tỉnh đang xây dựng Đề án phát triển nuôi biển công nghệ cao giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm phát triển nghề nuôi trồng thủy sản theo phương thức nuôi công nghiệp, hiện đại, quy mô lớn. Việc nghiên cứu các giải pháp dinh dưỡng và thức ăn trong nuôi biển công nghiệp cao sẽ góp phần vào định hướng phát triển nuôi biển của tỉnh, ông Thiệu nhấn mạnh.

Thi Nguyên (t/h)