Yên Bái: Đầu tư phát triển du lịch gắn với làng nghề, nghề truyền thống

Phát triển du lịch làng nghề, nghề truyền thống là một trong những giải pháp quan trọng thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế, ổn định tình hình chính trị, xã hội ở nông thôn tại Yên Bái nói riêng và nhiều địa phương khác trên cả nước nói chung. Hiện nay, toàn tỉnh Yên Bái có 15 làng nghề, nghề truyền thống gắn với các điểm hoạt động du lịch ngày càng phát triển, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.

15 làng nghề, nghề truyền thống tại tỉnh Yên Bái tập trung chủ yếu ở các huyện Lục Yên, Mù Cang Chải, Văn Chấn và Trấn Yên. Tại đây, du khách sẽ được trải nghiệm thực tế thú vị như: làng nghề đan rọ tôm, xã Phúc An (Yên Bình); dệt thổ cẩm, xã Nghĩa An (Nghĩa Lộ); trồng, chế biến chè Shan tuyết Suối Giàng; sản xuất cốm xã Tú Lệ (Văn Chấn); nghề rèn, đúc tại xã Chế Cu Nha; nấu rượu thóc tại xã La Pán Tẩn; dệt thổ cẩm bản Dề Thàng, xã Chế Cu Nha (huyện Mù Cang Chải); làng nghề làm tranh đá quý, thị trấn Yên Thế (huyện Lục Yên)…

che-san-tuyet-1690778752.jpg
Chè San Tuyết đặc sản nổi tiếng của tỉnh Yên Bái. Ảnh:Internet

Trong các làng nghề truyền thống tiêu biểu, nổi tiếng, có các sản vật đặc trưng, đặc sản riêng của địa phương hấp dẫn du khách trong và ngoài nước như: Làng nghề dệt thổ cẩm Nghĩa An đã trải qua hàng trăm năm hình thành và phát triển, nơi đây đã tạo ra những giá trị văn hóa đặc sắc. Những sản phẩm làm ra không chỉ đáp ứng nhu cầu sử dụng hàng ngày mà con bán ra thị trường trong, ngoài tỉnh góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo cho người dân địa phương. Những gian hàng bán thổ cẩm, váy áo của đồng bào Thái vừa để phục vụ nhu cầu của bà con, vừa làm quà lưu niệm cho du khách khi đến Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ.

Suối Giàng là một xã vùng cao thuộc huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Nằm trên độ cao gần 1.400 m, được ví như Sa Pa, Tam Đảo, Đà Lạt bởi khí hậu trong lành, mát mẻ quanh năm. Du khách đến với Suối Giàng vừa được nghỉ dưỡng vừa được thưởng thức thứ chè đặc sản mang tên Shan Tuyết từ những cây chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi.

Việc phát huy được hiệu quả của các làng nghề, nghề truyền thống gắn với du lịch không chỉ mang lại lợi ích rất lớn về kinh tế, việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân mà còn trực tiếp góp phần gìn giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống tại tỉnh Yên Bái.

Tuy nhiên, để phát triển làng nghề, nghề truyền thống gắn với du lịch một cách bài bản và lâu dài, cần có sự đầu tư nâng cấp, mở rộng hệ thống đường giao thông để đáp ứng được các phương tiện vận chuyển lớn; xây dựng các khu vực trưng bày, giới thiệu sản phẩm; khu vực trải nghiệm cho khách du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và tạo thêm việc làm cho người lao động./.

Anh Thư- Hoàng Hà