Yên Bái chú trọng xây dựng quyền nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm đặc sản

Trong những năm qua, để giúp tuyên truyền quảng bá tiềm năng, giới thiệu các sản phẩm chủ lực, làng nghề của tỉnh đến với thị trường trong và ngoài nước, Yên Bái đã chú trọng xây dựng nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm làng nghề, đặc sản địa phương vùng địa danh. 

Nhãn hiệu tập thể có tên địa danh đi kèm khi gắn trên sản phẩm cũng được coi là dấu hiệu đảm bảo về mặt chất lượng cho người tiêu dùng vì danh tiếng về sản phẩm từ vùng địa danh đó đã được khẳng định theo thời gian.

cam-luc-yen-1690181834.jpg
Cam Lục Yên có vị ngọt đậm mà không giống vùng trồng cam nào trong nước

Yên Bái được biết đến với những sản vật đặc sản rất đặc trưng được thị trường trong, ngoài nước ưa chuộng và được bảo hộ về sở hữu trí tuệ dưới các hình thức nhãn chứng nhận, nhãn hiệu tập thể và chỉ dẫn địa lý như: Nhãn hiệu chứng nhận đối với cá hồ Thác Bà, gạo nếp Làng Mu - Khánh Thiện, gà xương đen Mù Cang Chải, vịt bầu Lâm Thượng, khoai sọ nương Trạm Tấu, lợn đen bản địa Trạm Tấu, gà trống thiến Lục Yên, măng mai Lục Yên...; nhãn hiệu tập thể đối với thịt hun khói Mường Lò, chè xanh Hán Đà, gạo nếp 87 Trạm Tấu, măng ớt Trạm Tấu...; chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm mật ong Mù Cang Chải, chè shan Phình Hồ....

Sản phẩm măng tre Bát Độ Yên Bái được xuất khẩu đi các thị trường khó tính như Nhật Bản, Đài Loan nhờ được xác lập quyền nhãn hiệu tập thể; miến đao của xã Quy Mông (huyện Trấn Yên) đã xây dựng được thương hiệu thông qua việc xác nhận sở hữu trí tuệ tập thể.

Yên Bái hiện có 55.000ha trồng quế ở các huyện Văn Yên, Văn Chấn, Trấn Yên, Yên Bình, Lục Yên. Đây là vùng quế lớn nhất cả nước và chất lượng cũng tốt nhất. Hàng năm sản xuất và chế biến xuất khẩu trên 11.000 tấn quế vỏ khô, 600 tấn tinh dầu. Năm 2010, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học Công nghệ đã cấp Chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho vùng quế Văn Yên.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, tỉnh Yên Bái đã xác lập quyền nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm: Gạo nếp Lếch (xã Bảo Ái, huyện Yên Bình); rượu thóc La Pán Tẩn (huyện Mù Cang Chải); hoa hồng Mù Cang Chải; chè shan tuyết Púng Luông (huyện Mù Cang Chải); nếp lẩu cáy Trạm Tấu...

Không những vậy, Yên Bái còn quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý theo chuỗi giá trị sản phẩm đối với sản phẩm măng tre Bát Độ Yên Bái; quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Khoai sọ nương Trạm Tấu”, Cam Lục Yên được khách hàng ưa chuộng bởi vị ngọt đậm, không có vị chua như một số cam ở các nơi. Đó là do nguồn nước và những vi lượng hiếm có trong lòng đất đá đỏ Lục Yên đã tạo nên chất lượng cam thơm ngon không giống nơi nào.

Để phát triển, mở rộng thị trường cho các sản phẩm nông sản đặc trưng tại thị trường trong và ngoài nước, tỉnh Yên Bái đã triển khai nhiều hoạt động trong quản lý, hỗ trợ, xây dựng bảo hộ, khai thác phát triển quyền sở hữu công nghiệp nhằm nâng cao sức cạnh tranh cho các sản phẩm đặc sản, đặc thù, làng nghề của địa phương như xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm, tập trung hỗ trợ và tư vấn về thủ tục đăng ký bảo hộ logo, nhãn hiệu và thiết kế bao bì sản phẩm, thiết kế xây dựng tờ rơi giới thiệu sản phẩm, thông tin về việc xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Các sản phẩm được xác lập quyền nhãn hiệu tập thể và được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đã góp phần thúc đẩy và tác động tích cực cho việc phát triển kinh tế - xã hội của toàn tỉnh Yên Bái, giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ dân mở rộng cơ hội phát triển kinh tế./.

Anh Thư- Hoàng Diệp