Về 'miền gái đẹp' khám phá vẻ đặc sắc của nghề dệt thổ cẩm truyền thống

Tuyên Quang được ví như 'miền gái đẹp' và vẻ đẹp ấy còn thăng hoa qua những tấm vải thổ cẩm đặc sắc. Việc bảo tồn và phát huy nghề dệt thổ cẩm truyền thống ở Lâm Bình vừa giữ gìn được giá trị văn hóa và tạo điều kiện phát triển du lịch, tạo sinh kế bền vững cho người dân.
det-tho-cam-lam-binh-02-1708482751.jpg
Dệt thổ cẩm đã trở thành sản phẩm du lịch độc đáo được nhiều du khách lựa chọn khi đến với Tuyên Quang. (Ảnh minh họa)

Văn hóa đặc sắc gìn giữ trong những tấm thổ cẩm

Huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) là vùng đất hội tụ những nền văn hoá đặc sắc của trên 10 dân tộc anh em, với các lễ hội truyền thống đậm màu sắc dân gian, các danh lam thắng cảnh hữu tình, nghề dệt thổ cẩm của đồng bào các dân tộc Tày, Dao, Mông, Pà Thẻn. Nhằm góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu huyện Lâm Bình lần thứ 2, nhiệm kỳ 2020-2025, một trong những nội dung đột phá là “phát triển kinh tế ngành du lịch”.

Cùng sự đa dạng văn hoá của đồng bào Tày, Mông, Dao, Pà Thẻn... thì thổ cẩm là một nét đặc sắc trong văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc ở huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang. Thời gian qua, nghề dệt thổ cẩm được hồi sinh là một nỗ lực để bảo tồn, phát huy văn hóa của đồng bào các dân tộc nơi đây.

Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Lâm Bình đã chú trọng đào tạo các nghề gắn với lợi thế của địa phương như: hướng dẫn du lịch, kỹ thuật về ẩm thực phục vụ du khách (chế biến món ăn, pha chế đồ uống) hay các nghề sản xuất sản phẩm lưu niệm như nghề đan lát mây, tre, giang; nghề thêu, dệt thổ cẩm truyền thống…

det-tho-cam-lam-binh-03-1708482732.jpg
Nghề dệt thêu và làm chăn, gối, đệm thổ cẩm vẫn được bảo tồn, gìn giữ như một phần cuộc sống ở Lâm Bình. (Ảnh minh họa)

Bà Ma Thị Hồng - Giám đốc Trung tâm GDNN - GDTX huyện Lâm Bình cho biết để khuyến khích người dân giữ gìn, phát triển các sản phẩm truyền thống của dân tộc mình, HTX Thổ cẩm Lâm Bình được thành lập từ đầu năm 2021, với 7 thành viên tham gia. Đến nay, HTX đã có trên 30 thành viên, chia ra thành nhiều tổ, nhóm cùng sở thích nằm trên địa bàn các xã, như nhóm cùng sở thích dệt khăn thổ cẩm, chăn thổ cẩm; nhóm thêu; nhóm may và thiết kế sản phẩm từ thổ cẩm, nhóm quảng bá, giới thiệu sản phẩm truyền thống Lâm Bình…. trên các trang mạng xã hội.

"Thấy được tiềm năng, thế mạnh của thổ cẩm là sản phẩm mà du khách ưa chuộng nhiều, đồng thời cũng là sản phẩm mà người lao động có thể đạt thu nhập, phù hợp sức lao động mọi lứa tuổi, đặc biệt là đối với chị em phụ nữ nông thôn. Bản thân tôi cảm thấy rất vui mừng và tự hào vì đã góp phần nhỏ bé của mình trong việc bảo tồn và phát huy được nghề thêu dệt thổ cẩm truyền thống, không chỉ giữ gìn được giá trị văn hóa, mà còn tạo sinh kế bền vững và nâng cao thu nhập cho đồng bào huyện vùng cao Lâm Bình", bà Ma Thị Hồng nói.

Thổ cẩm tôn vinh vẻ đẹp của đất và người Pà Thẻn

Du khách đến vùng đất này, bên cạnh việc thưởng lãm sự đa dạng văn hóa của đồng bào các dân tộc anh em, khách thăm còn có dịp tìm hiểu về nghề dệt thổ cẩm truyền thống, một nét đặc sắc trong nghệ thuật chế tác những bộ trang phục truyền thống, góp phần tạo lên vẻ đẹp văn hoá mỗi dân tộc ở vùng đất này.

Nghề dệt thổ cẩm đã gắn bó mật thiết với đời sống của đồng bào các dân tộc anh em sinh sống tại huyện Lâm Bình từ xa xưa. Từ nghề “canh cửi” truyền thống, một số dân tộc ở Lâm Bình nâng tầm trở thành nghệ thuật chế tác, định hình một thước đo đánh giá sự khéo léo tài năng của người phụ nữ. Trước khi đi lấy chồng các cô gái H’Mông phải biết thêu dệt, làm ra những tấm thổ cẩm để làm quà cưới biếu cha mẹ, người thân bên nhà chồng.

Phụ nữ dân tộc Pà Thẻn ở Lâm Bình luôn tự hào về bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình. Bằng sự tài hoa, với đôi bàn tay khéo léo, các bà, các chị người Pà Thẻn dệt lên những bộ váy áo cầu kỳ độc đáo, tôn vinh vẻ đẹp văn hóa của dân tộc mình.

Sự kỳ công chế tác trong chế tác thổ cẩm của người Pà Thẻn, thể hiện trong tính thẩm mỹ cao về ý tưởng, kỹ thuật tạo hình phối mầu nghệ thuật gắn kết với đời sống, văn hóa trên mỗi bộ trang phục Pà Thẻn. Những tấm thổ cẩm cũng là thước đo để đánh giá tài năng, sự đảm đang, khéo léo của người phụ nữ Pà Thẻn.

det-tho-cam-lam-binh-01-1708482824.jpg
Dệt thổ cẩm bằng phương pháp thủ công của người Dao đỏ ở Lâm Bình. (Ảnh minh họa)

Theo chị Chúc Thị Xuân, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Xuân Lập (huyện Lâm Bình), để làm ra bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Dao đỏ phải trải qua nhiều công đoạn nuôi tằm, dệt vải, nhuộm màu, thêu hoa văn, chạm bạc họa tiết yếm, vòng cổ... nhưng ngày nay, đã lược đi một số công đoạn như nuôi tằm dệt, nhuộm vải do nhiều nguyên vật liệu có thể mua sẵn. Vì vậy, người Dao đỏ tập trung vào những họa tiết thêu trên váy, áo. Những họa tiết, hoa văn thường có 4 màu cơ bản: Đỏ, xanh, trắng, vàng. Trong đó màu đỏ là chủ đạo, bởi người Dao đỏ quan niệm, màu đỏ mang lại hạnh phúc, may mắn trong cuộc sống.

Những năm gần đây huyện Lâm Bình cũng đã tổ chức nhiều cuộc thi dệt thổ cẩm, qua đó nâng cao tay nghề, giữ gìn và phát huy nghề dệt thổ cẩm truyền thống, xây dựng hình ảnh đẹp về vùng đất và người nơi đây với du khách. Ngoài kinh nghiệm của các bà, các mẹ chỉ bảo tại nhà, các bạn trẻ còn được theo học tại các lớp học, hướng dẫn các em thực hiện thành thạo nghề dệt, rèn kỹ năng thêu và cho ra các sản phẩm thổ cẩm đẹp, chất lượng tốt./.

Bình Châu