Văn hóa cội nguồn sức mạnh của dân tộc

Văn hóa là sản phẩm của loài người, văn hóa được tạo ra và phát triển trong quan hệ qua lại giữa con người và xã hội. Song, chính văn hóa lại tham gia vào việc tạo nên con người, và duy trì sự bền vững và trật tự xã hội.
5dfe2121d7cd12934bdc1-9429-1662164829.jpg

Văn hóa được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác thông qua quá trình xã hội hóa. Văn hóa được tái tạo và phát triển trong quá trình hành động và tương tác xã hội của con người. Văn hóa là tổng thể nói chung những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong quá trình lịch sử. Là một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng, tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên xã hội.

Là sản phẩm những hoạt động của con người nhằm thỏa mãn nhu cầu đời sống tinh thần "Văn hóa là hồn cốt của một dân tộc. Nếu đạt nhiều thành tựu về kinh tế mà không giữ được Văn hóa dân tộc thì đều vô nghĩa. Chúng ta phải tìm mọi cách bảo vệ cho bằng được Văn hóa dân tộc vì Văn hóa dân tộc có sức mạnh thần kỳ, nó là bệ phóng".

Văn hóa Việt Nam trong quá trình xây dựng để trở thành một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc cần phải bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, làm sống động những gì đặc sắc, ưu tú nhất của văn hóa dân tộc, tạo ra xung lực mạnh mẽ để phát triển chính dân tộc mình, đóng góp xứng đáng vào đời sống văn hóa nhân loại, tham gia quá trình hội nhập quốc tế với sự tự biểu hiện, tự khẳng định giá trị, bản sắc Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại.

Lịch sử hằng ngàn năm dựng nước và giữ nước đã tạo cho Việt Nam có một truyền thống lâu đời, bền vững đó là truyền thống lịch sử, truyền thống dân tộc. Cái hồn của truyền thống ấy là văn hóa và bản lĩnh sáng tạo, sức sống của con người Việt Nam. Dân tộc Việt Nam có một truyền thống từ lâu đời về văn hóa và văn hiến, kết tinh thành hệ giá trị chân - thiện - mỹ như một hệ giá trị phổ quát của văn hóa, của mọi dân tộc trong quốc gia - dân tộc mình và trong cộng đồng nhân loại.

Song mỗi dân tộc, do những điều kiện và hoàn cảnh lịch sử riêng của mình, từ những trải nghiệm trực tiếp trong thực tiễn lao động và đấu tranh, trong môi trường tự nhiên và xã hội để tồn tại và phát triển, lại có những quan niệm và cách thức biểu hiện riêng về chân - thiện - mỹ. Nó biểu hiện thành tâm lý và ý thức, phong tục tập quán và lối sống, tạo thành tính cách của con người và cộng đồng dân tộc. Các giá trị văn hóa truyền thống đó kết tinh lại trong quan niệm, tư tưởng, triết lý, trong đạo đức và cách thức ứng xử, phản ánh diện mạo tinh thần, tâm hồn và tình cảm của cả một dân tộc, có trong các sản phẩm vật thể và phi vật thể của văn hóa.

Trong văn hóa tinh thần (phi vật thể) và đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc Việt Nam truyền thống, qua các thời đại lịch sử cần đặc biệt chú trọng tới một lĩnh vực rất phong phú và tinh tế nằm chung trong cấu trúc của văn hóa, ấy là văn học, nghệ thuật, bao gồm cả dòng văn học dân gian và dòng văn học bác học. Đây là di sản tinh thần rất quan trọng mà các thế hệ người Việt Nam từ xa xưa - tổ tiên, ông cha chúng ta đã sáng tạo ra, đã để lại cho đời sau. Nó phải được bảo tồn và phát huy, được kế thừa và phát triển trong những điều kiện lịch sử mới.

Nó cần phải có mặt trong hành trang của những con người Việt Nam hiện nay, nhất là thế hệ trẻ nhập cuộc với đổi mới để phát triển, đổi mới trong nội tại của đất nước, con người và dân tộc mình đồng thời hội nhập với bên ngoài để phát triển và hiện đại hóa. Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong điều kiện hiện đại hóa xã hội đòi hỏi phải thấm nhuần quan điểm và phương pháp biện chứng về phát triển. Đây chính là xử lý mối quan hệ giữa cái cũ và cái mới, giữa kế thừa và phát triển các di sản, các giá trị truyền thống. Văn hóa không chỉ hoạt động và kết tinh thành giá trị.

Văn hóa còn mang bản chất sáng tạo mà muốn sáng tạo thì phải thường xuyên chắt lọc, đổi mới. Văn hóa là đổi mới và sự nghiệp đổi mới của Đảng, của nhân dân ta là một sự nghiệp văn hóa, là quá trình sáng tạo văn hóa. Muốn vậy phải dày công phát triển kinh tế, văn hóa, phải làm cho văn hóa đủ sức soi đường cho quốc dân đi, văn hóa không ở bên ngoài mà ở bên trong kinh tế và chính trị. Lại phải làm cho chính trị, thấm sâu vào đời sống dân gian, phải đem sức mạnh văn hóa để chữa thói phù hoa xa xỉ, quan liêu lãng phí, tham ô (ngày nay là tham nhũng).

Chiến lược phát triển xã hội trong trù tính của Hồ Chí Minh là cả một phức hợp các chiến lược làm cho kinh tế phồn vinh, chính trị dân chủ pháp quyền, xã hội công bằng, bình đẳng, nước có độc lập, dân có tự do và hạnh phúc, con người, xã hội hài hòa với môi trường tự nhiên, luôn được chăm sóc, giữ gìn và bảo vệ. Một xã hội như vậy là một xã hội văn hóa cao, con người sống trong xã hội ấy trở thành người chủ, biết làm chủ, có quyền và địa vị làm chủ thì phải có nghĩa vụ của người chủ.

Như vậy, trên phương diện giá trị, ngoài giá trị lao động và đức tính yêu lao động, cần cù sáng tạo trong lao động, Văn hóa Việt Nam còn nổi bật ở giá trị đạo đức, ở tình thương yêu nhân ái, vị tha, là đoàn kết gắn bó cộng đồng, là đạo lý, đạo nghĩa ở đời và làm người, “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách”, “một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”...

Biểu hiện cụ thể trong đời sống hằng ngày, con người Việt Nam và dân tộc Việt Nam, tỏ rõ một thái độ văn hóa trong lựa chọn giá trị, đề cao phẩm giá con người, trọng chân lý và đạo lý, biết vinh và biết nhục, biết giữ trọn khí tiết, sự thâm cao của tâm hồn mà “hoa sen Việt Nam”, “cây tre Việt Nam” là một biểu tượng. Vật chất quyết định tinh thần, song văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam thể hiện rõ rệt sự ưu việt khi lựa chọn giá trị, biết đề cao giá trị làm người và tìm thấy động lực sống, động lực phát triển không chỉ là lợi ích vật chất mà còn là các giá trị tinh thần, đạo đức, lương tâm, danh dự.

Yêu nước và tình cảm yêu nước, thương người phát triển thành chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa nhân đạo, đó không chỉ là một nét đẹp đạo đức, một nét văn hóa mà còn kết tinh thành giá trị bền vững của văn hóa truyền thống Việt Nam. Chính giá trị này làm nên sức sống của con người và dân tộc Việt Nam. Đây cũng là cội nguồn sức mạnh của bản lĩnh văn hóa Việt Nam cần phải phát huy trong hội nhập quốc tế ngày nay

Yêu nước, thương người là sự cao quý của tư tưởng và tâm hồn Việt Nam, là giá trị nhân cách của con người Việt Nam, đó là truyền thống dân tộc trải qua bao biến thiên của lịch sử vẫn tồn tại một cách bền bỉ và tỏa sáng rạng rỡ trên gương mặt tinh thần của cả dân tộc. Đó cũng là một truyền thống văn hóa, văn hóa chính trị gắn liền với văn hóa đạo đức của dân tộc Việt Nam.

Chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa nhân văn truyền thống của Việt Nam được sản sinh và nuôi dưỡng trong lịch sử dựng nước và giữ nước hằng nghìn năm cho tới ngày nay vừa anh hùng vừa bi tráng. Cốt cách Việt Nam định hình trong thử thách khắc nghiệt chống thiên tai và chống ngoại xâm, đoàn kết và cố kết cộng đồng, nương tựa vào nhau để tồn tại và phát triển, bởi sức mạnh của hợp tác và đồng thuận. Sức mạnh ấy chẳng những được quy định thành văn mà còn được tổng kết thành triết lý sống và thành phương châm ứng xử, chỉ dẫn hành động, sự khẳng định các giá trị.

Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam truyền thống có trong mối liên kết giữa Nhà với Làng với Nước, là liên kết cộng đồng, lấy sức mạnh ở tổng thể, trong đó từng cái riêng, đơn lẻ và cá thể được tập hợp và hòa đồng trong cái chung của cộng đồng rộng lớn, lấy tương đồng, cố kết cộng đồng để khắc phục những khác biệt và những xung đột. Truyền thống và những giá trị văn hóa truyền thống định hình ở dân tộc này nhưng có thể có ở dân tộc khác, ở nhiều dân tộc khác Có lẽ, để tồn tại và phát triển, không dân tộc nào trong cộng đồng thế giới nhân loại lại không hình thành nên tình cảm yêu nước, thương nòi, cần cù lao động, sáng tạo trong việc cải biến tự nhiên và chống ngoại xâm.

Cũng như vậy, trong văn hóa của dân tộc mình, không dân tộc nào lại không xây dựng cho mình những chuẩn mực đạo đức và quy tắc ứng xử, những thành tựu riêng thuộc về tư tưởng hay ý thức hệ, về văn chương, nghệ thuật, âm nhạc, hội họa và đưa nó vào trong sinh hoạt tinh thần, thành tâm lý, phong tục, tập quán.

Không một quá khứ nào có thể giữ nguyên vẹn khi gia nhập vào đời sống của hiện tại và đi tới tương lai. Đó là lẽ tự nhiên của phát triển. Bởi vậy, khi xem xét văn hóa dân tộc với truyền thống và giá trị của nó như là “tấm căn cước” của dân tộc để hội nhập vào thế giới, giúp cho sự nhận thức và đánh giá dân tộc đó là gì và như thế nào trong sự hiểu biết và cảm thông của cộng đồng nhân loại thì nhận diện những khác biệt là rất cần thiết và quan trọng. Những khác biệt đó không chỉ là cái tốt, cái đẹp mà có cả những khiếm khuyết, hạn chế. Cái mạnh của dân tộc này (về văn hóa) có thể là cái yếu của dân tộc khác./.


Trần Anh