Ứng dụng công nghệ trong bảo vệ, phát triển rừng

Đẩy mạnh công tác ứng dụng kỹ thuật, công nghệ trong bảo vệ và phát triển rừng được xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành Kiểm lâm Phú Yên triển khai trong thời gian qua.

Hiện nay, lực lượng kiểm lâm Phú Yên ứng dụng nhiều công nghệ mới, hiện đại vào công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, như thiết bị bay quan sát, ghi hình (flycam); tích hợp bản đồ hiện trạng rừng vào smartphone và máy tính bảng phục vụ quản lý rừng, theo dõi diễn biến rừng… Đây được đánh giá là những trang thiết bị, công nghệ hỗ trợ rất tốt trong quá trình tuần tra, kiểm tra, giúp chỉ huy chống cháy rừng, phá rừng trái pháp luật, phát hiện biến động rừng…

Thiết bị flycam có thể bay cao 600m, bay xa 5km tạo góc nhìn bao quát nhất từ trên cao, đặc biệt là ở những khu vực rừng có địa hình đồi núi hiểm trở, những khu vực đang xảy ra cháy rừng. Công nghệ hiện đại này đã giúp các đơn vị kiểm lâm khắc phục tình trạng tuần tra rừng bằng hình thức đi bộ, đặc biệt với những vùng có địa hình phức tạp. Thiết bị này còn giúp lực lượng kiểm lâm dễ dàng phát hiện những biến động của rừng; phát hiện các đám cháy rừng, giúp giảm thời gian, công sức, phương tiện kiểm tra, xử lý. Ngoài ra, hiện nay, các đơn vị kiểm lâm còn ứng dụng các phần mềm viễn thám như Mapinfor, QGIS, ArcGIS, Google Earth vào công tác quản lý và bảo vệ rừng. Các ứng dụng này giúp lực lượng kiểm lâm quản lý về diện tích rừng, cháy rừng, phát triển rừng nhanh chóng, hiệu quả.

rung-1674951052.jpeg
Ảnh minh họa.

Tại Đề án Nâng cao năng lực quản lý hệ thống khu rừng đặc dụng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh Phú Yên nhấn mạnh đến mục tiêu: Ứng dụng công nghệ tiên tiến hỗ trợ công tác quản lý khu rừng đặc dụng, Trong đó, tổ chức vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu và quy trình báo cáo trực tuyến từ trung ương đến địa phương (do Bộ NN&PTNT chuyển giao phần mềm thống nhất toàn quốc) nhằm hỗ trợ quản lý hệ thống các khu rừng đặc dụng. Tiếp nhận chuyển giao công nghệ, tập huấn và thực hiện quy trình quản lý, báo cáo trực tuyến trước năm 2025; đến năm 2030 có 100% khu rừng đặc dụng của tỉnh xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, cung cấp thông tin giới thiệu khu rừng đặc dụng trên trang web.

Ứng dụng công nghệ tiên tiến trong theo dõi diễn biến tài nguyên và đánh giá hiệu quả quản lý các khu rừng đặc dụng: Cử cán bộ, công chức, viên chức tham gia các lớp đào tạo và áp dụng công cụ Quản lý dữ liệu và Báo cáo tuần tra (SMART) cho toàn hệ thống các khu rừng đặc dụng nhằm cải thiện công tác quản lý cơ sở dữ liệu tuần tra và giám sát đa dạng sinh học của khu bảo tồn; thực hiện theo dõi diễn biến tài nguyên rừng và đánh giá hiệu quả quản lý các khu rừng đặc dụng của tỉnh thông qua việc ứng dụng công nghệ viễn thám kết hợp SMART theo đúng tiến độ triển khai của Bộ NN&PTNT.

Ứng dụng công nghệ tiên tiến, phần mềm FRMS phiên bản nâng cấp 4.0 trong theo dõi diễn biến tài nguyên rừng và đánh giá hiệu quả quản lý các khu rừng đặc dụng. Tiếp cận các công nghệ mới phục vụ cho công tác chuyên môn của khu rừng đặc dụng; đầu tư trang thiết bị để kiểm tra, giám sát, phòng chống phá rừng, phòng cháy chữa cháy rừng; xây dựng cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học, xây dựng mạng lưới giám sát đa dạng sinh học. Chú trọng quản lý các hệ sinh thái trên GIS phù hợp với chức năng bảo tồn của từng khu rừng đặc dụng.

Hiện nay, ngành Kiểm lâm Phú Yên chú trọng chuyển giao và ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất lâm nghiệp, đặc biệt áp dụng công nghệ mô hom vào sản xuất cây giống. Cụ thể, ứng dụng phương pháp nuôi cấy mô sản xuất giống cây lâm nghiệp, chủ yếu là keo, bạch đàn; sử dụng các giống mới được Bộ NN-PTNT công nhận như các dòng keo lai AH1, AH7, BV32, BV 33, BV73, BV75…, các dòng bạch đàn BV22 (caman), U6 (cự vỹ), PN14…

Nhằm đa dạng hóa các loài cây lâm nghiệp theo đề án Tái cơ cấu lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh, trong năm 2022, các ban quản lý rừng, công ty lâm nghiệp đã gieo ươm, trồng, chăm sóc 447,58ha cây gỗ lớn và 223,35ha các loài cây có giá trị kinh tế và bảo vệ môi trường rất cao như: cây tre, dó, giổi, mắc ca, mít; 3,2ha sim; 0,5ha cây cam thảo Đá Bia; 2.000 cây trà mã dọ; 4.000 cây xáo tam phân; 15.000 cây cam đường.